Gia Viễn là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, vùng đất “sinh vương sinh thánh”, nơi đã sinh ra vua Đinh Tiên Hoàng, thánh Nguyễn Minh Không và nhiều danh nhân tiêu biểu khác. Để bồi đắp thêm tình yêu, niềm tự hào về quê hương cho thế hệ trẻ, công tác giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương được các cấp, các ngành quan tâm, đổi mới với nhiều phương thức phong phú, phù hợp với điều kiện thực tế.
Đa dạng hình thức giáo dục tại trường học
Không khô cứng, không khó tưởng tượng về một nhân vật lịch sử, một sự kiện hay một thời kỳ đã xa…, những câu chuyện về vua Đinh Tiên Hoàng vị hoàng đế đặt nền móng sáng lập Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam trở nên gần gũi, dễ nhớ đối với học sinh Trường Tiểu học-THCS Gia Vượng qua tiết học môn giáo dục địa phương.
Em Đinh Thu Diệu, học sinh lớp 8A, Trường Tiểu học-THCS Gia Vượng chia sẻ: Thông qua video ngắn về các địa danh lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện… cùng những câu chuyện lịch sử, qua cách truyền đạt sinh động, dễ hiểu của cô giáo đã giúp em hiểu rõ hơn về lịch sử của địa phương, về vua Đinh Tiên Hoàng, các vị tướng tài và thêm trân trọng, tự hào về truyền thống của quê hương, đất nước.
Thầy giáo Nguyễn Khắc Cường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học-THCS Gia Vượng cho biết: Cùng với triển khai tốt môn giáo dục địa phương, trong các năm học, Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo giáo viên tăng cường công tác giáo dục truyền thống cho học sinh bằng cách tích hợp, lồng ghép với các môn học, đổi mới phương pháp giảng dạy bằng những hình thức trực quan sinh động, giúp các em say mê, hứng thú hơn với nội dung học tập.
Ngoài ra, nhà trường tổ chức các buổi giao lưu để các em tìm hiểu, thuyết trình song ngữ về lịch sử địa phương, vẽ tranh về các khu, điểm di tích lịch sử trên địa bàn huyện hoặc diễn các tiểu phẩm chèo về vua Đinh Tiên Hoàng, Cờ lau tập trận… Qua đó, giúp học sinh có những hiểu biết cơ bản về truyền thống lịch sử, cách mạng của vùng đất Gia Viễn, giáo dục các em lòng yêu quê hương, đất nước.
Đồng chí Đỗ Thắng, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Viễn cho biết: Trong những năm qua, hầu hết các trường học trên địa bàn huyện đều có kế hoạch cụ thể về việc lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề, các tiết dạy môn Ngữ Văn, Giáo dục Công dân, Lịch sử, Địa lý… những nội dung liên quan đến di sản, di tích lịch sử, văn hóa của địa phương. Không chỉ nghe giảng những kiến thức lịch sử trên lớp, học sinh còn được tham gia nhiều hoạt động tìm hiểu về truyền thống lịch sử của quê hương, đất nước thông qua các cuộc thi do nhà trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo và huyện phát động như: Vũ điệu cờ lau; Hoa Trạng nguyên; Cuộc thi “Ươm mầm tài năng hướng dẫn viên du lịch”…
Nâng chất lượng giáo dục qua hoạt động trải nghiệm
Ngoài triển khai các chuyên đề giáo dục phù hợp với từng cấp học, huyện Gia Viễn quan tâm phát triển hoạt động trải nghiệm, giúp các em học sinh đến gần hơn với di sản, hiểu sâu sắc các bài học lịch sử một cách tự nhiên nhất. Đ
ồng chí Đỗ Thắng, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Viễn cho biết: Bắt đầu từ năm học 2022-2023, hầu hết các trường đã đưa học sinh đến học lịch sử, trải nghiệm tại các di tích trên địa bàn thông qua tour “Tìm về cội nguồn”. Đây là tour trải nghiệm gắn với việc xây dựng kế hoạch giáo dục truyền thống địa phương trong các nhà trường, đối tượng hướng tới là học sinh các trường học trên địa bàn huyện.
Tại mỗi điểm đến, các em được giới thiệu về những nhân vật liên quan đang được thờ tự; tận mắt chiêm ngưỡng, cảm nhận những giá trị lịch sử văn hóa và nghệ thuật điêu khắc độc đáo chứa đựng trong các hiện vật. Qua mỗi lần tham quan, một số trường học tổ chức cho học sinh viết bài giới thiệu về lịch sử hình thành, biện pháp bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị của di tích. Thông qua tour trải nghiệm “Tìm về cội nguồn” đã góp phần đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục lịch sử địa phương trong các nhà trường; đồng thời nâng cao nhận thức, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, giáo dục đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường.
Cùng với chú trọng giáo dục thông qua hoạt động trải nghiệm tại các di tích lích sử văn hóa của địa phương, vào các ngày lễ kỷ niệm của đất nước, của tỉnh, công tác giáo dục truyền thống được các nhà trường đẩy mạnh bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như: tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường, thăm hỏi, tặng quà, dâng hương tưởng nhớ công ơn của các Anh hùng liệt sĩ… Những hoạt động thiết thực, ý nghĩa trên giúp các em học sinh cảm nhận rõ hơn về những giá trị lịch sử, văn hóa và bồi đắp niềm tự hào về truyền thống của quê hương, đất nước.
Bài, ảnh: Hồng Giang