Sau thời gian làm việc khẩn trương, nghiêm túc, hiệu quả, Hội thảo Khoa học “Quản lý và phát triển thành phố di sản Cố đô sở hữu danh hiệu UNESCO-Nhận thức lý luận, kiến tạo thể chế và hành động địa phương” đã nhận được nhiều ý kiến tham luận tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn với nhiều ý tưởng, sáng kiến hay, có giá trị cả về mặt khoa học và thực tiễn.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, đồng chí Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh đây là hội thảo quan trọng nhằm hướng tới xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ theo nguyện vọng, mong muốn, khát khao của tỉnh Ninh Bình cũng như chủ trương của Bộ Chính trị, Trung ương.
Hội thảo có sự tham gia của hơn 200 nhà quản lý, nhà khoa học trong nước và quốc tế. Sau một ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Các ý kiến tập trung vào 4 nhóm vấn đề: Quản lý và phát triển thành phố di sản Cố đô sở hữu danh hiệu UNESCO; nhận thức lý luận; kiến tạo thể chế; hành động địa phương.
Đồng chí Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam khẳng định: Thông qua Hội thảo, chúng ta càng nhìn nhận rõ hơn về các giá trị của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An và mục tiêu hướng đến, đặc biệt, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Công bố quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ninh Bình cần có một quy hoạch, hướng đi thật tốt để phát huy hết các giá trị của di sản, phục vụ mục tiêu xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ.
Quá trình quy hoạch, xây dựng đô thị Ninh Bình cần tính đến sự liên kết vùng, đảm bảo phù hợp với quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng, từ đó kiến tạo thêm các lợi thế cho Ninh Bình phát triển trong tương lai. Hội thảo cũng đã làm rõ những vấn đề về nhận thức và lý luận về Đô thị di sản cả về hình thái phát triển, quy mô, kiến trúc và điều quan trọng là hội thảo đã trả lời được câu hỏi làm thế nào để văn hóa và thiên nhiên hòa quyện để trong tương lai phát triển thành đô thị di sản thiên niên kỷ.
Kết luận Hội thảo và chỉ đạo triển khai nhiệm vụ, đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã khái quát lại một số quan điểm của các nhà khoa học về đô thị di sản, trong đó có di sản cố đô. Đồng chí cho rằng cần có một quan niệm về đô thị di sản riêng của Việt Nam, theo yêu cầu khách quan từ thực tiễn, để tối đa hóa lợi ích quốc gia, dân tộc, phản ánh được tính đa dạng của các đô thị di sản.
Về phương diện pháp lý, cần sớm điều chỉnh, bổ sung thêm tiêu chí cho đô thị di sản, tránh việc hiện nay chỉ có tiêu chí chung, đơn nhất cho đô thị mà thiếu cách nhìn đa dạng về đô thị theo chức năng, trong đó có chức năng di sản khi xây dựng tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương.
Hội thảo cũng làm rõ hơn về tính chất của di sản Tràng An, đây là một di sản hỗn hợp bao gồm di sản cảnh quan, di sản kiến trúc, di sản phi vật thể, di sản vị thế lịch sử tất cả hòa quyện với nhau rất đặc thù, độc đáo và quý giá. Trên cơ sở đó, Ninh Bình mong muốn có cơ chế, chính sách phù hợp để Ninh Bình đảm đương tốt sứ mệnh gìn giữ di sản cho dân tộc, quốc gia và nhân loại.
Đồng tình với ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia, việc xây dựng đô thị di sản và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một nhiệm vụ đầy thách thức, do vậy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ, tư vấn của các ban, bộ, ngành Trung ương, các nhà khoa học.
Để giải quyết rào cản lớn nhất là nhận thức, nhiệm vụ trước mắt là xây dựng chương trình, mở các lớp đào tạo cho cán bộ để có nhận thức đầy đủ về đô thị, quản lý đô thị. Trên cơ sở quy hoạch và cơ chế, chính sách, tỉnh sẽ tập trung định hướng phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, trung tâm khởi nghiệp, công nghiệp công nghệ cao để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, hình thành một hệ sinh thái để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương.
Nhóm PV
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/be-mac-hoi-thao-khoa-hoc-quan-ly-va-phat-trien-thanh-pho-di/d20240620205950620.htm