Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện có 3 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 78 di tích Quốc gia, 314 di tích cấp tỉnh, 1 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới và 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là những nguồn lực quan trọng để nhận diện thương hiệu địa phương.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020- 2025 đã xác định, tập trung bảo tồn, phát huy di sản bền vững, tạo nguồn lực để phát triển kinh tế- xã hội. Tại các địa phương, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa đã được quan tâm thực hiện và tuyên truyền đến mỗi người dân trong cộng đồng về ý nghĩa lịch sử, văn hóa để cộng đồng dân cư nâng cao ý thức giữ gìn, tu bổ, tôn tạo.
Di tích Đình làng Ngọc Thượng, xóm 4 Ngọc Động, xã Gia Phong (huyện Gia Viễn) vừa mới được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đây là nơi thờ Thánh Quý Minh Đại Vương, Uy Linh Đại Vương là các nhân vật lịch sử có công đánh đuổi giặc ngoại xâm bảo vệ quê hương, đất nước.
Tại đây, còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị về lịch sử văn hóa, lưu giữ được kiến trúc gốc cổ kính, nhiều họa tiết chạm khắc hoa văn tinh xảo, những giá trị về tư liệu lịch sử, hiện vật. Đây là những bằng chứng vật chất chứng minh sự tồn tại của con người và vùng đất này đã từng trải qua các thời kỳ lịch sử khác nhau.
Hiện nay, tại di tích còn lưu giữ được 19 đạo sắc và bài vị thờ cúng của hai vị thần được thờ tại Đình gồm Quý Minh Đại vương và Uy Linh Đại vương. Đình làng Ngọc Thượng được xây theo kiến trúc kiểu chữ đinh, gồm hai tòa Tiền đường và Hậu cung, cách nhau một khoảng sân nhỏ. Tiền đường gồm 5 gian, 2 dĩ, tường hồi bít đốc. Hậu cung gồm 2 gian chạy dọc, được xây theo lối kiến trúc tiền đao hậu đốc.
Trong thời kỳ kháng chiến, ngôi Đình là cơ sở hoạt động cách mạng, nơi hội họp của nhân dân, các đoàn thể của xã; là điểm tập kết của lực lượng du kích và bộ đội địa phương và tổ chức các lớp học bình dân học vụ cho con em quê hương. Trải qua hàng trăm năm, ngôi Đình cổ đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần, song vẫn giữ được nhiều giá trị tiêu biểu về nghệ thuật kiến trúc Đình làng Bắc Bộ.
Ngày nay, Đình là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân trong vùng, nơi tưởng nhớ, tri ân công đức của các vị Anh hùng có công với đất nước, các vị thành hoàng làng. Việc được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đối với Đình làng Ngọc Thượng có ý nghĩa sâu sắc nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa, đồng thời nhắc nhở, đề cao trách nhiệm của các thế hệ hôm nay đối với việc giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của ông cha để lại.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết: Từ năm 2021 đến nay, Ninh Bình đã dành hơn 136 tỷ đồng cho việc tôn tạo, phát huy giá trị các di tích, góp phần làm gia tăng giá trị văn hóa cho các di tích, giáo dục truyền thống, lịch sử; quảng bá, thu hút khách tham quan. Trong đó, các di sản văn hóa phi vật thể được quan tâm, thiết lập các Đề án, dự án bảo tồn và phát huy giá trị, như các di sản: Lễ hội Hoa Lư, Nghệ thuật hát Xẩm, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, Nghệ thuật hát Rằng Thường của người Mường…
Đặc biệt, dựa trên giá trị các di sản, nhiều sản phẩm văn hóa mới, độc đáo đã được xây dựng gắn với các khu, điểm, tour, tuyến du lịch. Nguồn thu từ phát triển du lịch văn hóa ngày càng gia tăng. Hàng nghìn cư dân địa phương có nguồn sinh kế ổn định từ việc phát huy giá trị di sản của quê hương. Qua đó mở ra hướng đi mới trong phát huy giá trị di sản địa phương, để văn hóa là sức mạnh nội sinh theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XXII của Đảng bộ tỉnh đã xác định.
Tỉnh Ninh Bình cũng xác định, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại và yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, gắn kết hài hòa giữa giá trị truyền thống và các giá trị hiện đại. Xây dựng con người mang đặc trưng của vùng đất Cố đô Hoa Lư thân thiện, hiền hòa, thanh lịch, mến khách và đặc trưng cơ bản của con người Việt Nam: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo; hướng tới chuẩn mực con người văn minh hiện đại, trí tuệ, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, có ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.
Phấn đấu thực hiện đạt các mục tiêu tại Chiến lược văn hóa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, với một số mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là: Đẩy mạnh hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa. Trong đó, lựa chọn từ 3 đến 5 di sản văn hóa phi vật thể để xây dựng hồ sơ khoa học và đề nghị đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, 2 di vật đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia.
Hàng năm lựa chọn xây dựng từ 6 đến 10 hồ sơ khoa học về di tích đề nghị công nhận xếp hạng; tu bổ, tôn tạo từ 20 đến 25 di tích đã được công nhận xếp hạng. Hoàn thành các nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư giai đoạn 2021-2030 và các nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo, khai quật khảo cổ và phát huy giá trị lịch sử văn hóa khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư giai đoạn 2021-2025…
Hạnh Chi