Làng nghề truyền thống tại Ninh Bình là những làng nghề có lịch sử lâu đời, được nối tiếp qua nhiều thế hệ và có cùng tổ nghề. Nơi đây hội tụ cả không gian văn hóa gắn với sinh kế của người dân bản địa. Chính vì thế, việc bảo tồn và phát huy các giá trị của làng nghề truyền thống của tỉnh cần có những giải pháp đồng bộ để thúc đẩy sự phát triển bền vững trong bối cảnh mới.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 77 làng nghề được công nhận, trong đó có 4 làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; 13 làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; 46 làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; 11 làng nghề sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; 3 làng nghề dịch vụ, phục vụ đời sống dân cư nông thôn. Tỉnh đã có 2 sản phẩm của làng nghề đạt chứng nhận xếp hạng OCOP 4 sao là sản phẩm Gốm Bồ Bát và sản phẩm thêu ren truyền thống. Các làng nghề đã tạo việc làm cho 26.732 người dân địa phương với thu nhập trung bình 36,4 triệu đồng/người/năm.
Là một trong 12 làng nghề truyền thống tiêu biểu của cả nước có lịch sử lâu đời, làng nghề thêu ren Văn Lâm (xã Ninh Hải, Hoa Lư) được coi là một trong những nơi hội tụ tinh hoa của nghề thêu ren Việt Nam, nằm trong Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động. Những năm gần đây, làng nghề thêu Văn Lâm có vai trò quan trọng góp phần hoàn thiện cơ cấu kinh tế công, nông nghiệp, góp phần làm tăng tỷ trọng giá trị hàng xuất khẩu của tỉnh, tăng thu nhập cho các hộ gia đình và quảng bá hình ảnh đất và người Ninh Bình ra thế giới.
Nắm bắt lợi thế này, ông Vũ Thành Luân, Chủ tịch Ban Chấp hành làng nghề thêu ren Văn Lâm đã hoàn thành xây dựng mô hình du lịch Homestay tại gia đình với quy mô 10 phòng nghỉ, chủ yếu phục vụ khách du lịch và muốn tham quan, trải nghiệm công việc thêu ren ở Văn Lâm. Tại đây, du khách sẽ được cung cấp các nguyên liệu phục vụ cho công đoạn thêu và có thợ hướng dẫn thêu, sau khi hoàn thành sản phẩm, du khách được mang về làm kỷ niệm… Đây là mô hình du lịch làng nghề Homestay đầu tiên của làng nghề thêu ren Văn Lâm. Để lưu giữ làng nghề truyền thống phục vụ cho phát triển du lịch, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như người dân Văn Lâm và một số doanh nghiệp trên địa bàn đã có sự thay đổi nhận thức nhằm khôi phục lại nghề thêu truyền thống, đặc biệt là thêu màu.
Hiện nay, du khách đến với Tam Cốc – Bích Động đều rất quan tâm đến sản phẩm thêu truyền thống. Anh Brice Van Huffel, du khách đến từ Pháp cho biết: Tôi đã quay trở lại Tam Cốc lần thứ ba. Tôi yêu nơi đây không chỉ vì cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời mà còn bởi người dân bản địa rất thân thiện, sản phẩm thêu truyền thống của các bạn rất đẹp, tôi đã mua các sản phẩm thêu ren về để làm quà cho bạn bè, họ đều rất thích thú và muốn được trải nghiệm văn hóa truyền thống ở Văn Lâm.
Có thể nói, du lịch làng nghề truyền thống là một loại hình du lịch văn hóa hấp dẫn, góp phần làm phong phú thêm cho các sản phẩm du lịch Ninh Bình. Xu hướng ngày nay là con người đi du lịch hướng về các giá trị văn hóa cổ xưa. Việc phát triển du lịch làng nghề là cần thiết, vì nó sẽ mang lại rất nhiều thuận lợi cho cả hoạt động du lịch và sự phát triển của làng nghề khi vừa đem lại những lợi ích về kinh tế, xã hội vừa góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của nghề truyền thống.
Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, doanh thu của các làng nghề giai đoạn vừa qua có xu hướng tăng với tốc độ bình quân 27,7%/năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, làng nghề truyền thống phải đối mặt với nhiều rào cản để bảo tồn và phát triển. Trong đó phải kể đến cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ sản xuất của một số làng nghề chủ yếu vẫn thủ công, chậm đổi mới dẫn đến năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, ô nhiễm môi trường…; nhiều làng nghề của tỉnh hoạt động kém, cần chuyển đổi.
Thực tế cho thấy, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề của Ninh Bình là kinh tế hộ gia đình với quy mô vốn ít, sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, khối lượng chưa đủ lớn và đặc biệt rất ít sản phẩm có nhãn hiệu hàng hóa, do đó sức cạnh tranh trên thị trường yếu; thiếu nguồn nhân lực có năng lực, kinh nghiệm, trình độ… dẫn đến hoạt động của các làng nghề diễn ra cầm chừng.
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ rõ, tỷ lệ sản phẩm ngành nghề được công nhận sản phẩm OCOP còn thấp, đến nay toàn tỉnh có 9 sản phẩm làng nghề được công nhận là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Việc đăng ký thương hiệu các sản phẩm chưa được quan tâm. Việc sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch mặc dù đã có định hướng rõ ràng của tỉnh song vẫn còn ít và đơn điệu, chưa mang tính chất cạnh tranh và cũng chưa có nhiều mặt hàng lưu niệm mang nét đặc trưng văn hóa Ninh Bình.
Các làng nghề mới chỉ quan tâm đến việc du khách tham quan nghề và giới thiệu sản phẩm mà chưa chú ý khai thác giá trị cảnh quan, kiến trúc đình, chùa, miếu tại địa phương và các giá trị văn hóa tích hợp, liên kết cộng đồng. Trong bối cảnh mới, để phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh theo hướng ổn định và bền vững, trước mắt tỉnh cần có định hướng cụ thể cho các làng nghề truyền thống để đem lại công việc, thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh. Trong đó, cần sớm thực hiện quy hoạch phát triển các nghề và làng nghề phải đặt trong bối cảnh của quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, gắn với quy hoạch phát triển du lịch địa phương; phát triển thị trường và thương hiệu cho các làng nghề; chú trọng xây dựng nguồn nhân lực, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, ý thức bảo vệ môi trường…
Tỉnh cần sớm hoàn thiện chính sách quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung, ổn định, đặc biệt với nguồn nguyên liệu không tái sinh của hai làng nghề truyền thống là chế tác đá mỹ nghệ và Gốm cổ Bồ Bát, hạn chế việc khai thác nguyên liệu ồ ạt, có tính chất tận diệt. Xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển nghề, làng nghề và làng nghề truyền thống của tỉnh. Tăng cường xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng các cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do mang lại.
Ninh Bình là tỉnh có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, do vậy, phát triển làng nghề truyền thống cần gắn với phát triển ngành du lịch để bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề truyền thống, hình thành thương hiệu sản phẩm hàng hóa. Trong đó, cần tập trung đầu tư hạ tầng từ các nguồn vốn nhằm khai thác có hiệu quả kinh tế du lịch tại các vùng có làng nghề truyền thống; quan tâm, tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển hạ tầng, quy hoạch, sắp xếp hợp lý làng nghề; xây dựng các khu trưng bày giới thiệu sản phẩm, sản xuất thử nghiệm cho khách tự tham gia. Khuyến khích, vận động hình thành hợp tác xã, doanh nghiệp trong các làng nghề để làm hạt nhân phát triển làng nghề.
Nguyễn Thơm