Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trong 9 tháng năm 2024, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp (KCN) tiếp tục phục hồi và tăng trưởng, các chỉ tiêu kinh tế có mức tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Năm 2024, tình hình chính trị ở một số nước trên thế giới tiếp tục bất ổn đã tác động đến nền kinh tế, gây ra sự thiếu hụt, chậm trễ việc cung ứng nguyên, vật liệu, linh kiện phục vụ sản xuất, khó khăn về thị trường tiêu thụ, giá thành nguyên liệu tăng cao. Cùng với đó, sức mua trên thị trường giảm, dẫn đến nhiều sản phẩm không thể tiêu thụ được (ô tô, điện thoại, hàng may mặc, giầy dép…); thị trường bất động sản đóng băng dẫn đến các sản phẩm kính, xi măng gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ.
Trước tình hình đó, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã chủ động nắm thực tế về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, phối hợp với các ban, ngành của tỉnh động viên, hỗ trợ tháo gỡ hoặc đề xuất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ban đã thường xuyên kiểm tra định kỳ 2 lần/tháng đối với mỗi dự án, kết hợp kiểm tra đột xuất đối với những hoạt động có liên quan đến xây dựng công trình trong KCN, qua đó kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng. Trong 9 tháng đầu năm đã đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng đối với 5 công ty.
Đồng thời nhanh chóng đề xuất giải quyết các kiến nghị của các doanh nghiệp như tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Chính phủ xem xét, tiếp tục hỗ trợ giảm 50% phí trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước; giãn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024. Đối với nội dung này, Chính phủ đã xem xét ban hành Nghị định số 109/2024/NĐ-CP ngày 29/8/2024 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước; Nghị định 64/2024/NĐ-CP ngày 17/6/2024 của Chính phủ gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2024; Nghị định 65/2024/NĐ-CP ngày 17/6/2024 gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Thông qua những chính sách mang tầm vĩ mô của Chính phủ đã kích cầu thị trường, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh và duy trì tốt đời sống cho người lao động. Theo đó, doanh thu quý III của các doanh nghiệp trong KCN đạt 18.125 tỷ đồng, tăng 19,58% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu quý III ước đạt 410,87 triệu USD, tăng 22,44% so với cùng kỳ.
Đặc biệt nhờ áp dụng chính sách về thuế, sản lượng xe ô tô sản xuất trong quý III ước đạt 15.350 xe, đạt 81,13% kịch bản tăng trưởng quý; lũy kế 9 tháng ước đạt 40.156 chiếc, tăng 15,3% so với cùng kỳ, đạt 51,5% kế hoạch năm, đạt 92,27% kịch bản tăng trưởng năm.
Cùng với đó, để các doanh nghiệp yên tâm hoạt động sản xuất, kinh doanh trong môi trường an toàn, Ban đã tập trung xử lý các vấn đề về môi trường các KCN. Trong đó, Nhà máy xử lý nước thải tập trung tại KCN Gián Khẩu đã hoạt động ổn định, chất lượng xử lý nước thải đạt yêu cầu theo quy định; phối hợp với Ban quản lý dự án các công trình nông nghiệp thực hiện dự án kè kênh điều hòa KCN Khánh Phú. Vệ sinh đường giao thông, cắt cỏ tại KCN Khánh Phú, Gián Khẩu; chăm sóc cây xanh, cảnh quan tại KCN Gián Khẩu, Khánh Phú.
Đồng thời, phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra, đôn đốc các nhà đầu tư trong các KCN thực hiện các biện pháp phòng, chống bão và mưa lũ trên sông Hoàng Long và sông Đáy; Phối hợp với Công ty thủy nông, Nhà máy Đạm Ninh Bình vận hành các cống thoát nước, các trạm bơm nhằm đảm bảo tiêu thoát nước cho các KCN Khánh Phú, Gián Khẩu; vệ sinh các KCN, dựng lại các cây xanh bị gãy đổ sau bão Yagi. Do làm tốt công tác phòng ngừa, ứng phó với bão số 3, mưa lũ trên sông Hoàng Long, sông Đáy nên không có thiệt hại đáng kể về tài sản, bảo vệ được sản xuất, kinh doanh, không có doanh nghiệp bị ngập úng, ngừng sản xuất do bão số 3 gây ra.
Đồng chí Bùi Duy Quang, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh khẳng định: Với những nỗ lực thực hiện các giải pháp của Chính phủ, các bộ, ban, ngành và UBND tỉnh về hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh và sự chủ động, tích cực, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, 9 tháng đầu năm, doanh thu của các doanh nghiệp trong KCN ước đạt 50.635,8 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu ước đạt 1.138 triệu USD, tăng 16,38% so với cùng kỳ; nộp ngân sách lũy kế 9 tháng ước đạt 8.305 tỷ đồng.
Tổng số lao động trong các KCN đến thời điểm hiện tại là 37.840 lao động. Mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng, nhưng đa số các doanh nghiệp thực hiện tương đối tốt các quy định của Nhà nước về chính sách lao động, chế độ tiền lương, tiền thưởng cho người lao động; một số doanh nghiệp cho người lao động nghỉ việc do thiếu hụt đơn hàng đã thực hiện đúng các chế độ theo quy định của Bộ luật Lao động.
Theo dự báo, những tháng cuối năm, tình hình đơn hàng của một số sản phẩm chủ lực ổn định hơn, cùng với những chính sách kích cầu của Nhà nước, thị trường sẽ có nhiều biến động theo chiều hướng tích cực, đa số sản phẩm sẽ có mức tăng trong những tháng cuối năm, góp phần tăng doanh thu, giá trị xuất, nhập khẩu và đóng góp lớn vào ngân sách của tỉnh. Cụ thể: Doanh thu của các doanh nghiệp trong KCN năm 2024 ước đạt trên 62.100 tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu ước đạt 1,84 tỷ USD. Thu ngân sách đạt trên 13.270 tỷ đồng. Duy trì việc làm cho trên 39.000 lao động. Các chỉ tiêu năm 2024 dự kiến sẽ đạt và vượt mức kế hoạch đã đề ra.
Cùng với đó, Ban sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước trực tiếp đối với các doanh nghiệp trong KCN theo chức năng; phối hợp với các ngành chức năng để giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc kịp thời cho doanh nghiệp. Tập trung, chủ động thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp duy trì, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực, trên cơ sở phát huy tối đa công suất hiện có của các nhà máy.
Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành thường xuyên rà soát, nắm bắt thông tin, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực của tỉnh, có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách, như: Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô của Công ty Hyundai Thành Công, Nhà máy sản xuất camera modul của Công ty TNHH Mcnex Vina, Nhà máy kính CFG của Công ty TNHH công nghiệp Hạ Long… Đảm bảo giải quyết nhanh gọn các thủ tục hành chính theo cơ chế “Một cửa, tại chỗ”; với phương châm “Chính quyền đồng hành, cầu thị, lắng nghe, tháo gỡ một cách thực chất các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp”.
Nguyễn Thơm
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/ban-quan-ly-cac-khu-cong-nghiep-tinh-tang-cuong-ho-tro-doanh/d20241007090114937.htm