Ngay từ khi mới thành lập, trong điều kiện đất nước rất khó khăn, hai miền bị chia cắt, thù trong, giặc ngoài ráo riết chống phá, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là đồng chí Trường Chinh, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ban Pháp chế Trung ương đã tham mưu hiệu quả cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, với quyết tâm tạo bước chuyển mới, rõ rệt hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban Chỉ đạo; tái lập Ban Nội chính Trung ương là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo và tái lập Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Trung ương và Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy tiếp tục được sửa đổi, bổ sung; ngành Nội chính Đảng được giao thêm nhiều nhiệm vụ mới; tổ chức, bộ máy được củng cố, kiện toàn bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Trong thời gian qua, mặc dù với khối lượng công việc ngày càng nhiều, trong đó nhiều việc mới, việc khó, đột xuất, phức tạp, nhạy cảm, có việc đòi hỏi phải hết sức khẩn trương, đồng thời, phải chặt chẽ, chính xác, nhưng tập thể cán bộ, công chức làm công tác Nội chính Đảng của tỉnh đã phát huy truyền thống, với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm đã vượt qua khó khăn, nỗ lực, chủ động, sáng tạo, kiên trì, bản lĩnh, quyết liệt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt kết quả khá toàn diện trên các mặt công tác, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Với vai trò là cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy, mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, những năm qua, Ban Nội chính Tỉnh ủy Ninh Bình đã có nhiều cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Nhìn lại lịch sử từ khi được thành lập, tái lập và trưởng thành, tuy mỗi giai đoạn lịch sử có những đặc điểm riêng, nhưng trong giai đoạn nào, cán bộ, công chức làm công tác Nội chính Đảng của tỉnh cũng phát huy tốt vai trò, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sau 11 năm tái lập theo Quyết định số 984-QĐ/TU ngày 14 tháng 6 năm 2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình “về việc thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy Ninh Bình”, tổ chức bộ máy cơ quan Nội chính Tỉnh ủy được củng cố, kiện toàn; kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng làm việc, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên; vị thế của ngành Nội chính Đảng ngày càng được khẳng định và nâng cao.
Công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp được đẩy mạnh, ngày càng đi vào nền nếp, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động tư pháp. Công tác nắm tình hình, tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm ngày càng nhạy bén, hiệu quả, kịp thời. Ban Nội chính cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng theo dõi, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm kịp thời, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Đặc biệt, từ sau khi thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Ninh Bình (tháng 7/2022), Ban Nội chính Tỉnh ủy với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đã tham mưu hiệu quả các văn bản và điều kiện khác để phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo. Phối hợp với các cơ quan chức năng, đề xuất đưa một số vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng vào diện theo dõi, đôn đốc của Ban Chỉ đạo.
Chỉ tính riêng trong năm 2023, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã kịp thời tham mưu cho Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành 50 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp. Đôn đốc việc thực hiện công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp, giải quyết đơn thư ở 8 huyện, thành phố. Phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Tiếp công dân tỉnh tham mưu tổ chức, phục vụ các phiên tiếp công dân định kỳ của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và tham mưu ban hành thông báo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy sau các phiên tiếp công dân. Thông qua việc tiếp công dân, lãnh đạo tỉnh đã nắm được tâm tư, nguyện vọng của công dân, từ đó có sự chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy và các cơ quan chuyên môn giải quyết kịp thời những khiếu kiện của công dân, không để phát sinh “điểm nóng” trên địa bàn tỉnh. Tiếp nhận, phân loại, xử lý 959/959 đơn thư phản ánh, khiếu nại của người dân.
Bên cạnh công tác tiếp dân, tham mưu, xử lý đơn thư, Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ động thành lập các Tổ công tác để kiểm tra, xác minh, tham mưu Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị giải quyết một số kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân. Tham mưu báo cáo kết quả xử lý một số vụ việc liên quan đến đơn thư của công dân theo chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy và một số đơn, thư do các cơ quan Trung ương chuyển đến. Trong quá trình xử lý đơn thư của Ban Nội chính luôn có sự phối hợp tốt giữa cấp trên với cấp dưới và giữa các ngành cùng cấp, nhằm xem xét, quan tâm quyền lợi của công dân, chú ý vận dụng các chính sách xã hội để giải quyết thấu lý, đạt tình nhằm tránh thiệt thòi cho công dân, mục đích quan trọng nhất là giải quyết dứt điểm vụ việc để ổn định tình hình an ninh, chính trị.
Tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2023 cho hơn 200 học viên là đại diện lãnh đạo và cán bộ tham mưu công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thông qua lớp tập huấn nhằm bồi dưỡng nâng cao kiến thức, giúp đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, người trực tiếp tham mưu công tác nội chính nắm vững các quy định, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh về công tác nội chính; trên cơ sở đó, phát huy tinh thần, trách nhiệm, nâng cao chất lượng tham mưu, đề xuất, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác nội chính của Đảng.
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Ban Nội chính Tỉnh ủy tiếp tục bám sát định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Nội chính Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy để xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024 sát với tình hình thực tế của địa phương. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tại các địa phương, đơn vị. Chỉ đạo Ban Chỉ đạo và cơ quan thường trực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao và các chương trình, kế hoạch đã đề ra.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nhưng với truyền thống tốt đẹp và tự hào của ngành Nội chính Đảng, cán bộ, công chức Ban Nội chính Tỉnh ủy tiếp tục quyết tâm biến niềm tự hào về truyền thống 58 năm ngành Nội chính Đảng thành những hành động cụ thể, phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, chủ động tham mưu, đề xuất cấp ủy, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao cho.
Lê Hữu Quý
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy