Những ngày này, lực lượng cảnh sát giao thông trên địa bàn tỉnh ta đang thực hiện quyết liệt việc kiểm tra, xử lý người điều khiển xe trên đường có vi phạm nồng độ cồn. Vào giờ cao điểm, cảnh sát giao thông cùng các lực lượng chức năng lập chốt trên nhiều tuyến đường để kiểm tra lái xe…
Đông đảo quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ và đề nghị cần làm thường xuyên hơn với phương châm là: ‘không có ngoại lệ, không có vùng cấm”. Bởi vì, vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, là một nguyên trực tiếp của tai nạn giao thông. Ai đã từng mất người thân vì là nạn nhân của “ma men”, hoặc những ai có người thân bị thương tật chỉ bởi những kẻ nát rượu, coi thường pháp luật, tính mạng, sức khỏe của người khác mới thấm thía được nỗi đau. Chỉ tại người uống bia, rượu sau đó điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây tai nạn, đem tang tóc đau thương đến với những người vô tội. Câu chuyện đau lòng mới đây xảy ra tại thành phố Hồ Chí Minh là một ví dụ.
Lúc 16h ngày 12/11/2023, Ông P. C. T lái ô tô trong tình trạng say xỉn, sau đó va chạm với hai xe ô tô, rồi tông vào 3 xe máy khiến một người tử vong, hai người khác nhập viện. Cơ quan cảnh sát điều tra xác định ông T đã sử dụng rượu, bia, trong máu có nồng độ cồn là 188,8mg/100ml máu (vượt mức kịch trần). Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông T. Giờ đây, có lẽ ông T rất hối hận vì hành động của mình… nhưng đã quá muộn. Chỉ thương cho những gia đình có người thân bỗng dưng bị nạn xót xa biết nhường nào!
Tại người vi phạm nồng độ cồn mà họ vĩnh viễn mất người hoặc người thân của họ phải nhập viện…. Hiện nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội thấy rất nhiều những câu chuyện đau lòng do những người vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây ra. Thế nên, bài học cho mọi người là phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, đã uống bia, rượu thì không lái xe, mà đã lái xe thì không sử dụng bia, rượu.
Ở tỉnh Ninh Bình, tình trạng người uống bia, rượu sau đó điều khiển phương tiện tham gia giao thông, vi phạm về nồng độ cồn rất nhiều. Số liệu của cảnh sát giao thông tỉnh cho thấy, từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/9/2023 có 249 lái xe ô tô; 4.693 người lái xe mô tô, xe máy và 13 người chạy xe đạp máy vi phạm nồng độ cồn bị kiểm tra và xử lý. Trong thực tế số người vi phạm có thể còn nhiều hơn do lực lượng cảnh sát giao thông không đủ quân số và thời gian để kiểm tra, giám sát nồng độ cồn trên tất cả các tuyến đường được.
Uống rượu, bia lâu nay đã trở thành văn hóa đối với người Việt Nam. Nói về uống rượu, từ xưa đã có những câu như: “trai vô tửu như kỳ vô phong”; hoặc như: “rượu bất khả ép- ép bất khả từ”… để mời nhau cạn ly. Đôi khi, sự thân thiện, lòng nhiệt tình, quý trọng, mến khách lại được thể hiện qua ly rượu, bia. Nếu không có bia, rượu, bữa tiệc nhậu nhiều khi cũng bình lặng và có thể kết thúc sớm. Chủ tiệc lại thấy chưa được vui và chưa hết lòng với mọi người.
Cũng phải nói là trong thực tế có những người thành công nhờ giao tiếp tốt qua các ly bia, rượu được đối tác khen ngợi. Nhiều người thường bảo nhau, “làm ăn bây giờ mà không biết nhậu, không giỏi tiếp khách thì vứt”. Nhưng cũng có người chỉ vì uống rượu, bia mà phải nhận kỷ luật, thậm chí là vi phạm pháp luật, thân mang tù tội, ân hận suốt đời như trường hợp ông T nói trên.
Do vậy mà bất kể ai cũng cần phải có bản lĩnh trước bia, rượu trong cuộc nhậu với những lời mời hết sức chân thành của anh, em, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác và cả những người vừa mới quen qua hơi men trên bàn tiệc. Nói thì dễ, nhưng có bản lĩnh từ chối uống bia, rượu trong thực tế không dễ một chút nào. Chỉ còn có cách nếu không từ chối được, thì tốt nhất là không lái xe, đi taxi hoặc gọi người thân đến đón về nhà.
Việc xử lý vi phạm nồng độ cồn đã và đang trở thành đề tài “nóng” trong mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị và toàn xã hội. Đến nay, nhiều cán bộ, đảng viên và người dân đã biết “sợ” vì rất dễ bị cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn bất kể lúc nào. Trong các bữa tiệc liên hoan, nhiều người trước đây thường tuyên bố “không say, không về” nay cũng đã biết nói lời từ chối với bia, rượu, “vì còn lái xe”. Song điều đáng buồn là thực tế còn có những người “không có gì để mất”, vẫn uống xong vẫn chạy xe để rồi luồn, tránh, nếu gặp cảnh sát giao thông thì bỏ chạy hoặc chấp nhận bị phạt. Hành vi của những người này vừa không đẹp về văn hóa giao thông, vừa gây nguy hiểm cho chính bản thân họ và người khác….
Chỉ còn hơn một tháng nữa là hết năm 2024 và chuẩn bị đón Tết nguyên đán Giáp Thìn nên ai cũng có nhiều sự kiện liên quan đến ăn uống, tiệc tùng. Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… thì tổng kết năm. Gia đình, bạn bè, dòng họ thì tổ chức cưới xin, giỗ chạp, xây sửa, khánh thành nhà cửa…. Công việc nào cũng cần phải tổ chức liên hoan, mở tiệc vui mừng, phấn khởi. Đã liên hoan, mở tiệc là hầu hết đều có bia, rượu….
Chỉ xin nhắc nhớ mọi người cần phải có bản lĩnh trước bia, rượu; đã uống bia, rượu thì không lái xe, mà đã chạy xe thì không uống bia, rượu. Không nên vì một phút ham vui, uống bia, rượu sau đó điều khiển phương tiện tham gia giao thông để rồi sẽ gánh lấy hậu quả không lường.
Nguyễn Đông