Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại SaPo ở xã Khánh Hồng (huyện Yên Khánh) mang tới Triển lãm một sản phẩm OCOP hạng 4 sao – đó là hương Hồng Hạc.
Chị Nguyễn Thị Hoài, phụ trách kinh doanh của công ty cho biết: Hương Hồng Hạc được sản xuất từ năm 2017 từ loài cỏ Vetiver. Với sự khác biệt về chất liệu, mùi hương và độ an toàn, thân thiện khi sử dụng, hương hồng hạc không ngừng được mở rộng thị trường tiêu thụ.
Mỗi năm, công ty đưa trên 15 nghìn hộp sản phẩm ra thị trường. Đặc biệt, mới đây, công ty đã sản xuất thêm một loài hương mới từ cây cỏ bái. Loại hương mới này đã bước đầu khẳng định được uy tín trên thị trường. Mỗi tháng, công ty bán từ 600-700 hộp hương.
“Để tiêu thụ sản phẩm, chúng tôi có những đại lý ở nhiều nơi. Đây là lần thứ 2 chúng tôi được tham gia vào hội chợ, triển lãm để trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại quê hương mình. Có nhiều khách hàng đã tới tham quan, tìm hiểu và mua về dùng thử loại hương mới. Họ rất thích thú khi được nghe những câu chuyện thú vị về hành trình biến rễ cỏ trở thành nén hương thơm, an toàn. Đây thực sự là cơ hội tốt cho chúng tôi quảng bá sản phẩm.”- chị Hoài nói.
Đến từ tỉnh Cao Bằng xa xôi, gian hàng của chị Đinh Thị Kim Tuyên thu hút khách bởi những sản phẩm dân dã, độc đáo, đặc trưng. Chị Tuyên là chủ cơ sở sản xuất thạch đen Đinh Tuyên nổi tiếng ở Thạch An, tỉnh Cao Bằng.
Cơ sở của chị được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh từ năm 2022. Với mong muốn đưa sản phẩm của quê hương phát triển, trở thành nét ẩm thực độc đáo, có chỗ đứng trên thị trường, cơ sở luôn cố gắng cải tiến phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu thạch đen Đinh Tuyên vươn xa.
Đặc biệt, để nhiều người, nhiều nơi được thưởng thức món ăn dân dã này, cơ sở đã tận dụng nhiều kênh để giới thiệu sản phẩm. Tham gia vào các hội chợ, triển lãm cũng là một trong những phương thức mà cơ sở rất quan tâm.
“Đây là lần đầu tiên tôi được tận tay đưa sản phẩm về Ninh Bình. Trước sự quan tâm, hứng thú của khách địa phương, tôi thấy rất hạnh phúc. Phát triển thị trường, tiêu thụ được sản phẩm và đặc biệt, ý nghĩa hơn nữa là những sản phẩm từ miền đất Cao Bằng xa xôi đã có chỗ đứng trong lòng khách hàng phương xa”.
Không gian quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP là một hoạt động nằm trong Triển lãm “Không gian Di sản văn hóa và Sản phẩm thủ công truyền thống” tại Ninh Bình – một hoạt động trong chuỗi các sự kiện chào mừng Festival Ninh Bình lần thứ II năm 2023. Triển lãm do Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp phối hợp với Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương và Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình tổ chức.
Với trên 400 m2 sàn trưng bày, không gian quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP tại tỉnh ta có sự tham gia của gần 20 tỉnh, thành và hàng chục đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã đến từ các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Giang, Nam Định, Ninh Bình,Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Ninh, Hải Dương, Nghệ An, Quảng Ninh, Lai Châu, Thanh Hóa, Long An….
Một phần quan trọng trong Không gian quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP tại tỉnh ta đó là việc trưng bày, quảng bá, kết nối các sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh.
Tham gia sự kiện lần này, Sở Nông nghiệp và PTNT Ninh Bình đã tuyển chọn và trưng bày hàng chục sản phẩm OCOP tiêu biểu, có tiềm năng phát triển của các chủ thể đến từ các huyện, thành phố trong tỉnh như Gốm Bồ Bát, Trà hoa vàng, Cao Đinh Lăng, Trà An Thái, Trà mầm, bột ngũ cốc dinh dưỡng, Ruốc cá, Tranh lá Bồ Đề, viên Tinh bột nghệ, các sản phẩm rượu, thịt trưng mắm tép, cơm cháy cung đình, nấm đông trùng hạ thảo, Na Phú Long…
Các sản phẩm OCOP của Ninh Bình được bài trí đẹp mắt, thu hút được khách tham quan và mua sắm, đem lại ấn tượng lớn cho du khách trong và ngoài nước tới tham quan không gian, trải nghiệm.
Bà Nguyễn Hồng Hạnh, phường Ninh Khánh (thành phố Ninh Bình) cho biết: Triển lãm”Không gian Di sản văn hóa và Sản phẩm thủ công truyền thống” đã mang đến rất nhiều hoạt động hấp dẫn. Không chỉ được xem các tiết mục nghệ thuật của các dân tộc trong nước, mà tôi còn hứng thú với nhiều gian hàng trưng bày những sản phẩm OCOP đến từ những vùng, miền khác nhau. Thật hiếm có cơ hội được trải nghiệm các sản phẩm ấy nếu không có buổi trưng bày, giới thiệu tại quê hương mình.
Điều thú vị, là khi gặp trực tiếp những người sản xuất ra các sản phẩm ấy, chúng tôi còn được lắng nghe những câu chuyện đằng sau mỗi sản phẩm để thêm trân trọng tình yêu, sức lao động của con người và để hiểu biết hơn về văn hóa ở từng vùng miền.
Ông Hoàng Văn Dự, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp cho biết: Các sản phẩm do các cơ sở sản xuất làm ra không nhiều để đưa vào các kênh phân phối lớn, nên phải khai thác, tiếp cận thị trường theo một cách khác, dựa vào sự đặc sắc có tính bản địa của sản phẩm. Không chỉ là một sản phẩm thông thường, đó còn là đại sứ chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền, góp phần thúc đẩy hướng phát triển kinh tế ở nhiều địa phương.
Những hoạt động trưng bày, triển lãm như thế này là hoạt động rất thiết thực nhằm giới thiệu, quảng bá, kết nối các sản phẩm OCOP; nâng cao hình ảnh thương hiệu OCOP Việt Nam đối với khách du lịch trong nước, quốc tế. Từ đó, góp phần khơi dậy các tiềm năng, sản vật, giá trị ẩm thực văn hóa vùng miền và mở rộng thị trường tiêu thụ, kết nối, giao thương cho sản phẩm OCOP của địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá tri thức, văn hóa bản địa đặc sắc tới khách du lịch về các sản phẩm OCOP và nâng cao hình ảnh du lịch của các địa phương.
Đào Hằng- Minh Quang