Vượt qua những đau thương vô bờ, Trần Thị Quỳnh Châu vẫn học rất giỏi và trở thành tân sinh viên
Bị bệnh tật hành hạ, bà nội của Trần Thị Quỳnh Châu vẫn căn dặn cháu tiếp tục cố gắng trên con đường học tập.
Đau thương dồn dập như sóng đập vô bờ
Lúc mẹ qua đời, Châu chỉ mới là cô bé lên ba, chưa nhận thức được mất mát xảy ra đối với mình, chỉ nghe người bác kể lại là sau khi mẹ mất, người cha vì chán nản gia đình mà bỏ đi biệt xứ.
Thương Châu, người bác đưa Châu về nhà ở chung với bà nội, thời điểm đó bác còn khỏe nên làm nhiều công việc từ bốc vác, làm ruộng để gồng gánh gia đình.
Cuộc sống không có mẹ, có cha bên cạnh với Châu là những năm tháng buồn, nhưng cũng thật may mắn khi còn bác và bà nội không bỏ quên đứa cháu nhỏ của mình.
Nhưng số phận lại một lần nữa thử thách sự kiên cường của một đứa trẻ.
Năm 2019, Châu đang học lớp 6 thì bà Nguyễn Thị Sanh (năm nay 82 tuổi, bà của Châu) không may mắc bệnh nhồi máu não đa ổ, kèm theo bệnh thoái hóa đốt sống và suy tim, từ đó bà chỉ nằm một chỗ.
Người bác từ chỗ khỏe mạnh sau đó bị động kinh nên chỉ ở nhà, không làm việc gì bên ngoài.
Châu có một người chị vào đại học năm 2020. Chị đi học xa, bà đau nằm một chỗ, bác bị động kinh, đứa trẻ là Châu bỗng dưng thành lao động chính của gia đình. Vừa học, vừa làm, vừa phải chăm sóc cho bà nội đau ốm.
Quỳnh Châu đã trải qua nhiều công việc khác nhau từ bán hàng, phục vụ ở quán nhậu, quán cà phê, nhiều công việc chỉ có thu nhập từ 10.000 – 12.000 đồng/giờ nhưng Châu đã không ngại khó nỗ lực làm việc trong suốt 6 năm qua.
“Có những ngày vừa học vừa làm, vừa chăm sóc cho bà nên tôi chỉ ngủ 3-4 tiếng đồng hồ, dù thức khuya dậy sớm nhưng vì bà, vì bác, tôi chịu khó trong suốt thời gian qua, có lẽ bây giờ đã quen rồi nên không còn thấy cực nữa” – Châu trải lòng.
Suốt thời gian dài ở bệnh viện, tiền vay mượn rồi cũng hết, nợ nần chồng chất nên gia đình đã đưa bà Sanh về nhà, người bác và Châu thay nhau chăm sóc.
“Bả yếu lắm rồi, chắc thời gian không còn nhiều” – ông Trần Nhật Oai, bác của Châu, nói vậy. Bác trai Châu năm nay 55 tuổi, hiện tại thần kinh không ổn định nên chỉ quanh quẩn ở nhà lo cơm nước và chăm sóc mẹ.
Nhìn bà phải chịu khổ sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật, Châu càng lo khi hiện tại sức khỏe của bà đang dần yếu đi, hằng ngày phải chịu nhiều cơn đau ở khắp người, tinh thần vì thế mà lúc tỉnh lúc mê, nhiều khi còn không nhớ Châu là ai.
Tự thắp đuốc cho đời mình: Học sinh giỏi liên tục 12 năm
Kỳ diệu là trong khổ cực khó khăn, thiếu thốn như thế, mà 12 năm liên tiếp Châu đều đạt học sinh giỏi.
Châu giỏi nhất là môn văn, nhiều lần đoạt giải trong các kỳ thi và nhận được các phần học bổng từ quỹ khuyến học của nhà trường. Cô gái này còn là một tấm gương khi nhiều năm là cán bộ lớp, trong học tập hay các hoạt động thi đua đều là người tích cực.
Niềm vui còn lớn hơn khi Quỳnh Châu vừa trở thành tân sinh viên ngành quản trị kinh doanh Trường đại học Nha Trang. Nhưng đi kèm đó là nỗi lo về học phí, tiền mua giáo trình, chi phí sinh hoạt ở thành phố… Dù vậy, Châu vẫn tin rằng mình sẽ cố gắng vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt này.
Thời gian đầu nhập học, Châu đã kiếm được công việc làm thêm, có lẽ đã quen với việc vừa học vừa làm nên công việc mới nơi thành thị cũng không làm khó được cô gái nhỏ này.
Dù bận bịu, cuối tuần Châu vẫn thường về quê cách Nha Trang khoảng 40km để thăm bà và bác.
“Bà và bác ở nhà phải nương tựa nhau mà sống, tôi lo lắm, nhưng vì con đường tương lai, tôi phải quyết tâm học tập để sau này bà và bác có một cuộc sống tốt hơn” – Châu bộc bạch.
Nhìn cảnh người bác loay hoay chăm sóc cho bà đau bệnh, Châu không thể kìm được nước mắt. Trong vòng tay của bà, Châu thủ thỉ rằng mình sẽ cố gắng học tập, vì chỉ có học mới có được tương lai tươi sáng và không phụ lòng mong mỏi của gia đình.
Với tình hình hiện tại, Quỳnh Châu nghĩ thời gian của bà sẽ không còn nhiều, trong khóe mắt ướt, ánh mắt của Châu như toát lên niềm hy vọng rằng mình sẽ phải cố gắng thật nhiều trên chặng đường sắp tới. “Tôi cầu mong con đường học tập của mình suôn sẻ để ngay khi ra trường, kiếm được công việc làm, có tiền lo thuốc thang cho bà, cho bác” – Châu ước vọng.
Quỳnh Châu – như viên ngọc nghị lực
Cô Hồ Thị Hiệp – giáo viên chủ nhiệm năm lớp 12 của Châu – cho biết bạn là một tấm gương nghị lực, dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, tuổi thơ gặp nhiều biến cố nhưng Châu vẫn luôn cố gắng vươn lên trong học tập và cuộc sống.
“Tôi hy vọng em sẽ luôn mạnh mẽ, cố gắng trên con đường mà mình đã chọn để không phụ lòng mong mỏi của bà nội và gia đình” – cô Hiệp nói.
Bà Nguyễn Thị Huệ – trưởng thôn Bình Thành – nói rằng gia đình Quỳnh Châu thuộc diện khó khăn ở địa phương, bản thân Châu mồ côi mẹ, cha lại bỏ đi biệt tăm.
“Năm 2020 với sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ninh Bình đã hỗ trợ cho gia đình Châu một căn nhà tình thương với mong muốn hỗ trợ em vươn lên trong cuộc sống. Mong rằng với nghị lực của bản thân, Châu sẽ cố gắng học tốt và thành công trong tương lai” – bà Huệ chia sẻ.
Tiếp sức đến trường cho 60 tân sinh viên
Hôm nay (24-10), báo Tuổi Trẻ phối hợp với các Tỉnh Đoàn Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Định trao học bổng Tiếp sức đến trường cho 60 tân sinh viên khó khăn của ba tỉnh này.
Tổng kinh phí chương trình hơn 900 triệu đồng do Công ty TNHH nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Khánh Hòa, Tổng công ty Khánh Việt, Công ty cổ phần Nước giải khát Sanest Khánh Hòa và bạn đọc báo Tuổi Trẻ tài trợ. Mỗi suất học bổng 15 triệu đồng.
Quỹ khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam) hỗ trợ ba laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn thiếu thiết bị học tập.
Hệ thống Anh văn Hội Việt – Mỹ trao 10 suất học bổng tiếng Anh khóa luyện thi IELTS cho tân sinh viên tỉnh Khánh Hòa.
Ngoài ra, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ quà tặng ba lô cùng Ngân hàng TMCP Bắc Á thông qua Ngân hàng Nhà nước tài trợ 60 quyển sách về giáo dục tài chính, hướng dẫn kỹ năng quản lý tài chính cho tân sinh viên.
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” – như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” – Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam – Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các Câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, Phú Yên; Câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Tiền Giang – Bến Tre và Câu lạc bộ Doanh nhân Tiền Giang, Bến Tre tại TP.HCM, Công ty Dai-ichi Life Việt Nam, ông Dương Thái Sơn và những người bạn cùng các doanh nghiệp và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ…
Ngoài ra, Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam còn tài trợ 50 máy tính xách tay cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập trị giá khoảng 600 triệu đồng, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ 1.500 ba lô trị giá khoảng 250 triệu đồng.
Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ tài trợ 50 suất học bổng ngoại ngữ miễn phí trị giá 625 triệu đồng. Thông qua Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng TMCP Bắc Á tài trợ 1.500 quyển sách về giáo dục tài chính, hướng dẫn kỹ năng quản lý tài chính cho tân sinh viên…
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công Thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm… cho tân sinh viên.