Dự Đại hội có các đồng chí: Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Đại hội.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh; thành viên Ban Tổ chức Đại hội; lãnh đạo sở, ban, ngành, đoàn thể, huyện Nho Quan, thành phố Tam Điệp. Đặc biệt, dự Đại hội có 145 đại biểu tiêu biểu đại diện cho hơn 30 nghìn đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh.
Phát biểu khai mạc Đại hội, đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Trong những năm qua, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình đã kế thừa, phát huy truyền thống của cha, ông, bằng ý chí và khát vọng vươn lên, chủ động, sáng tạo phát huy tiềm năng, lợi thế, vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Quy mô nền kinh tế của tỉnh không ngừng được mở rộng, tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm trên 8%, thu nhập bình quân đầu người xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, từ năm 2022 tỉnh Ninh Bình trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách có điều tiết về ngân sách trung ương; là trung tâm du lịch của cả nước và là 1 trong 3 trung tâm công nghiệp ô tô lớn nhất Việt Nam.
Cùng với đó, tỉnh khai thác có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù dành cho vùng dân tộc, miền núi nhằm nâng cao đời sống vật chất, đời sống văn hóa, đời sống tinh thần đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Hiện nay, tỉnh Ninh Bình đang thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phấn đấu đến năm 2030 cơ bản đạt các tiêu chí, đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng cho biết: Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Bình lần thứ IV, năm 2024 có chủ đề “Các dân tộc đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đây là sự kiện trọng đại trong đời sống chính trị của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Bình.
Đại hội là dịp để tổng kết việc thực hiện công tác dân tộc, khẳng định đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc; thống nhất mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ công tác dân tộc từ nay đến năm 2029. Đồng thời tôn vinh, biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo và bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; cổ vũ và khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Qua đó, tạo khí thế thi đua sôi nổi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân, thúc đẩy sự đoàn kết và tinh thần phấn đấu vì sự phát triển chung của tỉnh.
Báo cáo chính trị do đồng chí Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan trình bày tại Đại hội khẳng định: Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện có hơn 30 nghìn người dân tộc thiểu số đang sinh sống, trong đó dân tộc Mường chiếm 96,7%. Nhằm tạo điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát huy lợi thế, tiềm năng, vươn lên hội nhập, 5 năm qua, tỉnh Ninh Bình đã triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án của Trung ương kết hợp với chính sách đặc thù của tỉnh để phát triển tương đối toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến tích cực, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, quốc phòng được giữ vững, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào không ngừng được cải thiện và nâng cao, diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi rõ rệt.
Cụ thể: Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã huy động hơn 326 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tính đến năm 2023, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đạt 60 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm xuống còn 2,95%, giảm đáng kể so với những năm trước đó.
Cơ sở hạ tầng tiếp tục được đầu tư đồng bộ với 100% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh có đường giao thông thuận lợi từ trung tâm xã đến các thôn, xóm, bản; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; hơn 90% dân số ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% xã, các thôn, xóm, làng có Nhà văn hóa gắn liền với khu thể thao, sân thể thao đơn giản, đặc biệt đã đầu tư xây dựng sửa chữa, phục dựng lại 10 nhà sàn truyền thống làm nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc Mường. Lĩnh vực giáo dục và y tế cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Các trường ở xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đều đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ thôn, bản có cán bộ y tế đạt 100%.
Báo Ninh Bình sẽ tiếp tục đưa tin về Đại hội.
Hồng Giang-Đức Lam
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/dai-hoi-dai-bieu-cac-dan-toc-thieu-so-tinh-ninh-binh-lan-thu/d20241018092910857.htm