600 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, trên 92 nghìn hộ thoát nghèo là những con số ấn tượng mà Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Ninh Bình đạt được trong 22 năm đồng hành cùng người nghèo trên địa bàn tỉnh.
Nỗ lực không để ai bị bỏ lại phía sau
Chúng tôi cùng cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Nho Quan tới thăm các hộ gia đình đã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi trong thời gian qua. Chứng kiến những cái nắm tay thật chặt và những câu chuyện thân tình giữa các hộ vay và cán bộ ngân hàng, chúng tôi cảm nhận được sự đồng hành, sát sao cùng với cơ sở của những “chiến sĩ áo hồng” đối với công tác an sinh xã hội và phát triển kinh tế ở huyện miền núi còn nhiều khó khăn này.
Điểm đến đầu tiên của đoàn là gia đình chị Phùng Thị Thủy (thôn 1, xã Phú Long). Căn nhà nhỏ nhưng ấm cúng và đầy đủ tiện nghi, ngoài vườn nào cây ăn quả, rồi gà, lợn… Nhiều năm trước khi chồng mất sớm, chị Thủy từng không dám nghĩ có cuộc sống như ngày hôm nay. Không có công ăn việc làm ổn định, một mình chị vất vả sớm khuya, gồng gánh nuôi dạy 2 đứa con nên cái nghèo cái khó cứ đeo đẳng mãi.
Thế rồi, nhờ sự giới thiệu, hướng dẫn, hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể trên địa bàn xã, chị Thủy được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, có điều kiện chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế để nuôi các con ăn học. Con gái lớn của chị sinh năm 2002 mặc dù bị khiếm khuyết về chiều cao, song đã nỗ lực vươn lên học tập, hiện là sinh viên năm thứ 4 Trường Đại học Ngoại ngữ Thái Nguyên; các kỳ nghỉ hè, em đều tình nguyện dạy Ngoại ngữ miễn phí cho các em nhỏ trong thôn.
Trao đổi với chúng tôi, chị Thủy vui mừng chia sẻ: “Khi chồng mất, mình tôi nuôi 2 con nhỏ, tôi không biết bao giờ mình mới thoát được cảnh nghèo. Cũng nhờ trời thương cho tôi sức khỏe và được sự quan tâm, giúp đỡ kịp thời từ địa phương, từ NHCSXH, gia đình tôi mới có được như ngày hôm nay”.
Cũng thoát khỏi cảnh cơ cực nhờ có sự đồng hành của tín dụng chính sách, anh Bùi Văn Tuân, người dân tộc Mường (thôn Sấm 2, xã Cúc Phương) nhớ lại: Trước đây, mặc dù có đất rộng nhưng thiếu kiến thức, thiếu vốn để đầu tư phát triển kinh tế nên cuộc sống của gia đình quanh năm thiếu thốn. Sau này, được Hội Nông dân xã động viên, hỗ trợ vay vốn chính sách, rồi hướng dẫn cách làm ăn, gia đình mới mạnh dạn đầu tư mua con trâu, con bò về nuôi. Qua mỗi năm, số lượng trâu, bò tăng thêm, tôi bắt đầu có được sự tích cóp. Số tiền tích cóp vừa để trang trải cuộc sống, vừa đầu tư trồng trọt nên kinh tế đã cải thiện rõ rệt.
Là xã miền núi còn nhiều khó khăn, đất đai rộng, dư địa phát triển còn nhiều, do vậy Cúc Phương là một trong những xã có mức độ hấp thụ nguồn vốn tín dụng chính sách cao của huyện Nho Quan. Chỉ riêng Hội Nông dân xã đã quản lý trên 6,2 tỷ đồng với 135 hội viên còn dư nợ.
Ông Bùi Văn Tuyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cúc Phương chia sẻ: 86% số dân trong xã là đồng bào dân tộc Mường. Trước đây, bà còn chăm chỉ nhưng nghèo khó, chưa có kinh nghiệm kỹ thuật, chưa có vốn, giao thông đi lại khó khăn nên kinh tế chậm phát triển. Nhưng với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, hỗ trợ bà con kỹ thuật canh tác, cây giống, phân bón, lại được NHCSXH cho vay vốn chính sách với lãi suất ưu đãi đã giúp cho bà con phát triển kinh tế, thoát nghèo nhanh hơn. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống chỉ còn dưới 1%.
Câu chuyện thoát nghèo của những hộ dân ở các xã miền núi khó khăn của huyện Nho Quan là một trong những kết quả nổi bật mà NHCSXH đã đạt được trên hành trình làm “cầu nối” chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến với người dân, chăm lo cho các đối tượng yếu thế, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền theo chủ trương, quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước.
Để tín dụng chính sách ngày càng vươn xa
Trải qua 22 năm xây dựng và phát triển-một chặng đường đầy gian khó, đồng hành vì hạnh phúc người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội. Đặc biệt, 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, với quyết tâm cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị, NHCSXH chi nhánh tỉnh Ninh Bình đã triển khai tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong thực thi tín dụng chính sách xã hội.
Cụ thể, từ khi thành lập đến nay, NHCSXH chi nhánh tỉnh Ninh Bình đã tạo điều kiện cho gần 600 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời, với doanh số cho vay trên 12.000 tỷ đồng.
Góp phần giúp cho trên 92 nghìn hộ thoát nghèo; thu hút tạo việc làm cho gần 150 nghìn lao động; giúp cho trên 152 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính; xây dựng cải tạo gần 350 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ xây dựng gần 2.500 ngôi nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Hiện nay, 100% đơn vị cấp huyện trên địa bàn tỉnh đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay. Nhờ vậy, đến ngày 30/9/2024, tổng dư nợ các chương trình chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 4.148.650 triệu đồng, tăng 3.996.189 triệu đồng so với khi mới thành lập, tăng trưởng bình quân 19%/năm.
Nguồn vốn cho vay ưu đãi thông qua NHCSXH đã khắc phục được tình trạng thiếu vốn, thiếu việc làm, ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đời sống Nhân dân được nâng lên, điều kiện kinh tế được cải thiện, ổn định trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh, nhưng nhiệm vụ của NHCSXH hiện tại cũng như trong tương lai không vì thế mà vơi nhẹ. Những rủi ro bất định trong phát triển kinh tế đang trở thành thách thức cho công tác giảm nghèo bền vững, đặc biệt là mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của Nhân dân.
Trên chặng đường ấy, không chỉ những nỗ lực của NHCSXH, mà cần có sự chung tay hơn nữa của cả hệ thống chính trị. Cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu cần phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc nắm bắt thông tin liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội; kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng tại địa phương. Các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
Đồng chí Phạm Đức Cường, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình cho biết: Thời gian tới, Ngân hàng tiếp tục duy trì và thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù. Phát triển hệ thống công nghệ thông tin nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, hiện đại hóa ngân hàng. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ có uy tín, phong cách làm việc tiên tiến, hiện đại, tận tâm, tận tụy phục vụ Nhân dân với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/hanh-trinh-22-nam-dong-hanh-cung-nguoi-ngheo-ninh-binh/d20241003083930204.htm