Thảo luận các nội dung chuyên sâu về khởi nghiệp sáng tạo trên một số lĩnh vực, Hội thảo tiếp tục với phiên thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn dưới sự điều hành của đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch HĐQT Intracom Group.
Cùng tham gia thảo luận có: Giáo sư, tiến sỹ Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Phenika; PGS.TS. Đỗ Hương Lan, Phó Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp và sáng tạo xã hội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân; Nghệ nhân sinh vật cảnh Nguyễn Thế Cường, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Thạch Bàn, Giám đốc Bảo tàng gạch ngói và sinh thái Thạch Môn Trang; ông Ngô Minh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn CEO Việt Nam Global; Nhà điêu khắc ánh sáng, nghệ sĩ Bùi Văn Tự, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần điêu khắc ánh sáng Đại Việt.
Tham gia hội thảo, các đại biểu cho rằng: Việc Ninh Bình xác định trở thành Trung tâm đổi mới sáng tạo thế giới đã đặt nhiệm vụ ra khỏi phạm vi của địa phương mà là nhiệm vụ của cả quốc gia. Thông qua các bài tham luận và các ý kiến thảo luận trực tiếp các đại biểu đã phác họa ra bức tranh về Trung tâm đổi mới sáng tạo ở Ninh Bình, giúp các đại biểu gắn kết các ý tưởng rời rạc để tạo nên một mô hình tổng thể với những định hướng, bước đi, lộ trình rõ ràng hơn.
Giáo sư, tiến sỹ Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Phenika nêu ý kiến: Ninh Bình cần hướng đến sản xuất công nghệ gốc. Nhưng bài toán đặt ra là ai sẽ là người làm đổi mới sáng tạo? Đổi mới sáng tạo cần bắt đầu như thế nào? Nguồn lực ở đâu? Trả lời câu hỏi này các đại biểu cho rằng cần dựa trên nền tảng khoa học và ý tưởng mới gắn với môi trường đào tạo đại học nơi có những nhân tố kiến tạo ý tưởng đổi mới sáng tạo. Song vẫn cần phải có sự kiến tạo chính sách từ chính quyền để có lộ trình hỗ trợ về đất đai, con người, thuế, tín dụng, quảng bá xúc tiến thương mại, du lịch… Như vậy, có thể coi doanh nghiệp là nhân tố quan trọng cấu thành nên đổi mới, sáng tạo; nguồn lực chính sách và quyền lợi, chính là sứ giả dẫn dắt đổi mới sáng tạo
Các đại biểu cũng thảo luận về cơ cấu lại ngành vật liệu xây dựng theo hướng ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ để sản xuất vật liệu xanh, tiên tiến, kinh tế tuần hoàn.
Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo những sản phẩm nông nghiệp đa giá trị, tích hợp di sản cảnh quan nông nghiệp vào xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ, thực hiện hòa hợp nông thôn – đô thị.
PGS.TS. Đỗ Hương Lan, Phó Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp và sáng tạo xã hội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã nêu ý tưởng “Mô hình vườn ươm khởi nghiệp” và đề xuất đầu tư một không gian đổi mới, sáng tạo mở ngay trong Trường Đại học Hoa Lư. Trên cơ sở kết hợp giữa chính quyền và doanh nghiệp đủ mạnh tham gia vào để tạo ra những Startup hoàn chỉnh phục vụ cho nhu cầu phát triển của địa phương.
Tham gia nội dung này, các đại biểu cũng đề xuất Ninh Bình cần có cơ chế mở cửa thu hút các trường đại học, các doanh nghiệp đủ mạnh, có kinh nghiệm trong việc dẫn dắt khởi nghiệp chứ không nên bó hẹp nhiệm vụ đổi mới sáng tạo trong phạm vi địa phương.
Các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến sâu sắc đánh giá, phân tích những cơ hội tạo ra giá trị gia tăng cả về vật chất và tinh thần dựa trên giá trị tài nguyên và giá trị tri thức của địa phương.
Các đại biểu tin rằng với những định hướng, giải pháp thiết thực để “khai mở, kiến tạo” của Ninh Bình, cùng với sự đồng hành các chuyên gia, nhà khoa học, đối tác quốc tế, các tổ chức ,cá nhân khởi nghiệp sáng tạo, các nhà đầu tư, Ninh Bình hoàn toàn có thể trở thành một trung tâm khởi nghiệp sinh động, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nói riêng và của quốc gia nói chung.
Song Nguyễn – Anh Tuấn
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/phac-hoa-buc-tranh-tong-the-ve-trung-tam-doi-moi-sang-tao/d20240929172251825.htm