Dự hội nghị đối thoại có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy; Công an tỉnh; các sở: Văn hóa và Thể thao, Nội vụ, Tư pháp, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường; lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ.
Tham gia hội nghị đối thoại có các đồng chí Thường trực Thành ủy, lãnh đạo HĐND, UBND thành phố; đại diện các ban, ngành, đoàn thể của thành phố; phường Yên Bình, Nam Sơn, Trung Sơn…
Tại hội nghị, lãnh đạo UBND thành phố Tam Điệp đã thông tin về công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa đền Dâu, đền Quán Cháo; quán triệt mục đích, yêu cầu, nội dung hội nghị đối thoại.
Trong đó nêu rõ: Với tinh thần, trách nhiệm trong công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, UBND thành phố tổ chức hội nghị nhằm thông qua đối thoại để lãnh đạo thành phố Tam Điệp trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của đại diện Nhân dân tổ dân phố Lý Nhân, các tổ dân phố phường Yên Bình và các phường Tây Sơn, Nam Sơn, Trung Sơn về công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đền Dâu, đền Quán Cháo trong thời gian qua. Trên cơ sở đó có sự trao đổi,giải đáp, để làm rõ các ý kiến, kiến nghị của người dân. Đồng thời, thông qua hội nghị để tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, quy định của pháp luật trong lĩnh vực quản lý di tích lịch sử – văn hóa.
Tại hội nghị, đã có 20 ý kiến, câu hỏi của đại diện Nhân dân tổ dân phố Lý Nhân, các tổ dân phố phường Yên Bình và các phường Tây Sơn, Nam Sơn, Trung Sơn tập trung vào các nội dung liên quan đến công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa đền Dâu, đền Quán Cháo như: đề nghị thành phố tôn trọng, công nhận quyền sở hữu đền Dâu, đền Quán Cháo là của cộng đồng dân cư tổ dân phố Lý Nhân; đề nghị thành phố quản lý hoạt động thu-chi tại các di tích theo đúng quy định, đề nghị trích một phần tiền phúc lợi về cho tổ dân phố Lý Nhân như những năm trước đây; đề nghị giữ nguyên các thành viên tham gia trực đền theo quy ước tại tổ dân phố Lý Nhân, không điều động người ở phường khác tham gia trực đền; đề nghị xem xét, có chế độ bồi dưỡng đối với các lực lượng thuộc các tổ dân phố ở phường Nam Sơn, Trung Sơn nơi gần đền Dâu, đền Quán Cháo trong khi những năm qua đã phối hợp với Ban quản lý các di tích làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông ở khu vực xung quanh 2 di tích; thành phố có giải pháp để giải quyết, khắc phục tình trạng tiềm ẩn mất an toàn giao thông khi lượng phương tiện chở du khách, người dân đến tham quan, chiêm bái tại di tích vì không có chỗ đậu, đỗ xe nên thường xuyên lấn chiếm lòng, lề đường…
Đại diện lãnh đạo thành phố, các phòng, ban, đơn vị của thành phố đã trả lời, trao đổi cụ thể các ý kiến, kiến nghị của đại diện Nhân dân tổ dân phố Lý Nhân, các tổ dân phố phường Yên Bình và các phường Tây Sơn, Nam Sơn, Trung Sơn tại hội nghị đối thoại.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bùi Thành Đông, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy Tam Điệp đã ghi nhận công lao, đóng góp của các thế hệ người dân Tam Điệp từ trước đến nay, trong đó có công lao rất lớn của cán bộ, Nhân dân tổ dân phố Lý Nhân, phường Yên Bình trong việc xây dựng, trùng tu, tôn tạo, quản lý, bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa đền Dâu, đền Quán Cháo.
Đồng chí cũng nêu rõ: Những năm qua, trong quá trình quản lý từ thành phố đến phường đã buông lỏng, không tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, không hướng dẫn địa phương theo đúng quy định, để việc quản lý triển khai tự phát, tự quyết dẫn đến những bất cập, nhất là công tác quản lý, sử dụng, chi tiêu tiền công đức tại di tích; phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo… Quan điểm của thành phố là công tác quản lý di tích lịch sử-văn hóa đền Dâu, đền Quán Cháo phải tuân thủ các quy định của Luật Di sản, Luật Đất đai, Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư 04 của Bộ Tài chính, Quy chế 34 của UBND tỉnh; thành phố tập trung quản lý di tích theo quy định của pháp luật nhằm tiếp tục phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa phục vụ mục tiêu chung của tỉnh là xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ.
Đồng chí giao UBND thành phố căn cứ các quy định,tiếp thu các ý kiến, kiến nghị chính đáng của Nhân dân, nghiên cứu, hoàn chỉnh nội quy, quy định về công tác quản lý tại di tích đảm bảo đúng quy định, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đảm bảo tính tôn nghiêm, bảo vệ và phát huy vai trò, giá trị lịch sử văn hóa của di tích.
Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa đền Dâu, đền Quán Cháo phải quan tâm thực hiện việc chấn chỉnh một số hoạt động: sắp xếp các biển chăng treo kinh doanh, ăn uống khu vực trước cổng di tích vi phạm hành lang ATGT, sắp xếp nơi thờ tự đảm bảo phù hợp, không để đĩa đặt tiền, hòm công đức, hòm dầu nhang trong cùng một khu vực; làm tốt công tác vệ sinh môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền về giá trị của di tích; tập huấn, xây dựng tác phong, tinh thần, thái độ phục vụ của các thành viên tham gia Ban quản lý di tích. Các phường có trách nhiệm tuyên truyền để người dân không tụ tập đông người ở di tích; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.Đề nghị Nhân dân ở các phường có di tích lịch sử văn hóa đền Dâu, đền Quán Cháo tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc cùng tham gia quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
Đồng chí giao Công an thành phố tiếp tục làm tốt công tác nắm tình hình, đảm bảo an ninh trật tự, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý thật nghiêm, nhất là những người cố tình kích động, lôi kéo.
Thành phố tiếp tục kiến nghị với tỉnh quy hoạch, mở rộng khuôn viên, lập dự án để đầu tư tôn tạo cho xứng tầm với giá trị của di tích lịch sử văn hóa đền Dâu, đền Quán Cháo.
Bùi Diệu-Minh Quang
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/ubnd-thanh-pho-tam-diep-doi-thoai-ve-cong-tac-quan-ly-di/d20240926151326785.htm