Việc kết hợp giữa nghề thêu ren với lá bồ đề – biểu tượng của sự giác ngộ và bình an trong Phật giáo không chỉ là sự sáng tạo đầy nghệ thuật, mà còn là một phương cách bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống trong dòng chảy hiện đại.
Lá bồ đề – cảm hứng nghệ thuật thêu đầy sáng tạo
Lá bồ đề từ lâu đã được coi là biểu tượng của sự giác ngộ trong Phật giáo. Sự thiêng liêng của lá bồ đề đã truyền cảm hứng cho các nghệ nhân lựa chọn làm chất liệu để thể hiện những tác phẩm nghệ thuật của mình.
Theo chia sẻ của anh Hoàng Thanh Phương, người sáng lập phòng tranh Bồ Đề Tây Phương, nguồn cảm hứng để lựa chọn lá bồ đề làm nền cho nghệ thuật thêu xuất phát từ ý nghĩa thiêng liêng của loài cây này trong Phật giáo. Khi được lựa chọn làm nền cho những tác phẩm thêu, lá bồ đề không chỉ mang lại giá trị thẩm mỹ độc đáo mà còn gửi gắm những thông điệp sâu sắc về sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên, giữa tâm hồn và nghệ thuật.
Những bức tranh thêu trên lá bồ đề thường lấy cảm hứng từ các biểu tượng tâm linh, hình ảnh thiên nhiên, hoặc những câu chuyện dân gian. Mỗi đường kim, mũi chỉ không chỉ là sự thể hiện của tay nghề mà còn là sự truyền tải của cảm xúc, của tâm hồn người nghệ nhân.
Việc thêu tranh trên lá bồ đề, với những chi tiết nhỏ bé nhưng tinh xảo, không chỉ là một thử thách về kỹ thuật mà còn là sự thử thách về sự kiên nhẫn và lòng yêu nghề, đòi hỏi sự khéo léo và tinh tế của các nghệ nhân. Mỗi chiếc lá bồ đề, với cấu trúc mỏng manh và hình dáng đặc trưng, đã tự thân mang trong mình một vẻ đẹp tự nhiên, tạo nên một nền tảng tuyệt vời cho các tác phẩm thêu. Các nghệ nhân không chỉ phải có kỹ năng thêu thành thạo mà còn cần có sự am hiểu về giá trị tâm linh của lá bồ đề, từ đó tạo nên những tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân và tinh thần.
“Khi nhìn vào một bức tranh thêu trên lá bồ đề, ta không chỉ thấy sự kết hợp hài hòa giữa hình dáng tự nhiên của lá và các họa tiết thêu tinh xảo, mà còn cảm nhận được sự bình an và thanh tịnh mà nó mang lại. Mỗi chiếc lá, mỗi đường thêu đều mang trong mình một câu chuyện, một thông điệp về sự sống, về triết lý nhân sinh và sự kết nối giữa con người với vũ trụ”, anh Hoàng Hoài Nam, phòng tranh Bồ Đề Tây Phương, tâm sự.
Thêm ứng cử viên cho sản phẩm quà tặng du lịch
Làng nghề thêu ren Văn Lâm, thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, từng được biết đến là cái nôi của nghệ thuật thêu ren truyền thống Việt Nam. Với lịch sử hơn 700 năm, nghề thêu tại Văn Lâm không chỉ là nguồn sinh kế mà còn là niềm tự hào văn hóa của bao thế hệ người dân nơi đây. Vào thời kỳ hưng thịnh, làng nghề Văn Lâm đã cung cấp nhiều sản phẩm thêu ren cho triều đình và các gia đình quý tộc. Những tấm khăn trải bàn, áo dài, áo bào thêu hoa văn tinh xảo được các nghệ nhân tạo ra với sự tỉ mỉ và khéo léo, góp phần làm nên danh tiếng của làng nghề.
Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa, làng nghề thêu ren Văn Lâm đang phải đối mặt với nguy cơ mai một, trong đời sống hiện đại. Song, các nghệ nhân và những người yêu nghề thêu truyền thống luôn nỗ lực tìm những hướng đi mới để nghệ thuật thêu ren mãi trường tồn như một nét văn hóa truyền của vùng đất Cố đô. Và với nỗ lực ấy những nghệ nhân làng thêu Văn Lâm và “nghệ sỹ” làm tranh lá bồ đề đã “gặp nhau” để có thêm một hướng đi mới là thêu tranh trên lá bồ đề. Điều này đã góp thêm một phần để bảo tồn và phát huy nghề thêu ren truyền thống.
Ông Vũ Thành Luân, Chủ tịch Hiệp hội nghề thêu ren Văn Lâm cho biết: “Khi nền kinh tế bước vào thời kỳ hội nhập thì những làng nghề thủ công truyền thống cũng ít nhiều bị mai một. Với đầu ra cho các sản phẩm ấy bị thu hẹp thì rất nhiều nghệ nhân đã không thể tiếp tục duy trì nghề truyền thống mà họ chuyển sang nhiều ngành nghề khác để kiếm kế sinh nhai. Thế nhưng bằng cách sử dụng lá bồ đề – một biểu tượng thiêng liêng và gần gũi với đời sống tâm linh, các nghệ nhân đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật không chỉ đẹp về hình thức mà còn sâu sắc về nội dung. Điều này không chỉ giúp nghề thêu truyền thống giữ được chân người yêu nghề mà còn tạo ra những sản phẩm có giá trị, phù hợp với thời đại, góp phần bảo tồn và lan tỏa văn hóa dân tộc”.
Hơn nữa, trong bối cảnh du lịch tâm linh tại Ninh Bình ngày càng thu hút du khách, tranh thêu trên lá bồ đề có tiềm năng lớn trở thành “ứng cử viên” sáng giá cho vị trí sản phẩm quà du lịch tâm linh. “Du khách mang về nhà không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là một phần của văn hóa và tín ngưỡng địa phương, giúp họ gợi nhớ những trải nghiệm tâm linh sâu sắc tại nơi đã đến. Với tiềm năng lớn trong việc trở thành sản phẩm quà du lịch tâm linh, tranh thêu trên lá bồ đề hứa hẹn sẽ đóng góp vào việc phát triển ngành du lịch và quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới”, anh Hoàng Thanh Phương, người sáng lập phòng tranh Bồ Đề Tây Phương chia sẻ.
Sản phẩm làm từ lá bồ đề tự nhiên, kết hợp với nghệ thuật thủ công, tạo nên một sản phẩm quà du lịch thân thiện với môi trường, đáp ứng xu hướng tiêu dùng bền vững của du khách hiện đại. Thêu tranh trên lá bồ đề là một cách sáng tạo để gìn giữ và phát triển nghề thêu, đồng thời tạo thêm cơ hội việc làm và thu nhập cho người dân địa phương. Khi sản phẩm này được du khách đón nhận, nghề thêu truyền thống sẽ có cơ hội hồi sinh và phát triển mạnh mẽ hơn.
Quỳnh Trang
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/theu-tranh-tren-la-bo-de-ket-noi-qua-khu-voi-hien-tai/d2024091105531965.htm