Tỉnh Ninh Bình đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) lần thứ IV năm 2024. Đây là một sự kiện chính trị quan trọng khẳng định những chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, nhất quán. Đồng thời là dịp tiếp tục ghi nhận và tôn vinh công lao đóng góp to lớn của đồng bào các DTTS Ninh Bình trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thời gian qua.
Đồng bào DTTS tỉnh Ninh Bình chiếm khoảng 3% dân số toàn tỉnh, trong đó chủ yếu là dân tộc Mường, còn lại là các dân tộc Tày, Nùng, Thái, Dao và một số ít người dân tộc khác, sinh sống vừa tập trung, vừa xen kẽ ở một số xã, thôn của huyện Nho Quan và thành phố Tam Điệp.
Tuy có sự khác nhau về quy mô, số lượng dân số, trình độ phát triển, song đồng bào các dân tộc luôn đoàn kết, tích cực lao động sản xuất phát triển kinh tế, gìn giữ và phát huy phong tục, tập quán, lễ hội tiến bộ, xây dựng đời sống văn hóa mới.
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm thực hiện đầy đủ, toàn diện các chính sách đối với đồng bào DTTS trên địa bàn nên đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Niềm tin của đồng bào DTTS đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước nói chung và cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh nói riêng không ngừng được củng cố và tăng cường, ngày càng đi vào chiều sâu.
Đồng thuận xã hội được nâng lên, khối đại đoàn kết các dân tộc được xây dựng vững chắc đủ sức đề kháng chống lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch và sự xâm nhập của các loại “đạo lạ”, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc ít người.
Kinh tế xã hội, kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS của tỉnh ta trong những năm qua có sự đổi thay và bước phát triển khá. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và thu nhập của đồng bào đã và đang có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp; đời sống của đồng bào DTTS được cải thiện rõ rệt và nâng lên.
Kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ và hiện đại, giao thông đi lại thuận lợi, tạo điều kiện cho người dân giao lưu, phát triển kinh tế xã hội. Tiềm năng, lợi thế của các xã vùng cao, nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống được phát huy và khai thác hiệu quả hơn, càng làm tăng thêm giá trị hàng hóa và thu nhập cho bà con.
Đến nay, có 7/7 xã là địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Sự nghiệp giáo dục, đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào tiếp tục được quan tâm đầu tư, phát triển cả về số lượng và chất lượng, góp phần nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực của địa phương.
Công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS, nhất là đồng bào Mường ở tỉnh ta được quan tâm; phong tục tập quán lạc hậu dần được xóa bỏ. Một số sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể được khôi phục, lưu truyền, đặc biệt đồng bào dân tộc Mường ở Nho Quan thường xuyên duy trì các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ như: hát Đúm, Sắc bùa, múa Sạp, cồng chiêng, hát giao duyên tiếng Mường…
Hàng năm, chính quyền các địa phương nhất là huyện Nho Quan đã tổ chức ngày hội văn hóa dân tộc để giới thiệu, giữ gìn nét đẹp truyền thống của đồng bào Mường và tổ chức các trò chơi dân gian như: bắn cung, bắn nỏ, kéo co…
Hệ thống chính trị ở cơ sở vùng có đông đồng bào DTTS được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng ngày càng vững mạnh. Cán bộ, công chức, viên chức người DTTS được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng hiệu quả hơn, đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu thực tiễn. Hiện tại, nhiều người là con em đồng bào DTTS đang công tác trong các cơ quan của Đảng, chính quyền, MTTQ, các đơn vị, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, trong đó nhiều đồng chí giữ các cương vị đứng đầu, chủ chốt được cán bộ, đảng viên và Nhân dân tín nhiệm cao.
Tuy đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, song so với sự phát triển chung của cả tỉnh Ninh Bình, đời sống ở nơi có đông đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo là người DTTS trong tổng số hộ nghèo vùng đồng bào DTTS lần lượt là 63,5% và 57,87% cao hơn so với mức trung bình toàn tỉnh. Kinh tế xã hội vùng có đông đồng bào DTTS phát triển còn chậm, khoảng cách giàu- nghèo có xu hướng tăng.
Tình hình an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Ninh Bình lần thứ IV sẽ tập trung phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, đồng thời đề ra mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp phấn đấu trong thời gian tới.
Một trong những mục tiêu quan trọng cần tập trung ưu tiên là phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS; rút ngắn khoảng cách về thu nhập với vùng phát triển; cải thiện và nâng cao đời sống của Nhân dân.
Để sớm thực hiện được mục tiêu này đòi hỏi phải có sự cố gắng, nỗ lực, cộng đồng trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị và từng người dân.
Đối với cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể các cấp cần quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc Kết luận số 65- KL/TW ngày 30/10/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới; Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2030; cùng với đó là thực hiện các chính sách an sinh xã hội; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo của tỉnh…
Đối với đồng bào DTTS cần phải cố gắng, ra sức học tập nâng cao trình độ văn hóa, khoa học công nghệ… tránh nguy cơ tụt hậu vì không đáp ứng được yêu cầu phát triển. Phát huy tinh thần tự lực, khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế vươn lên trở thành những hộ khá, hộ giàu. Đấu tranh phê phán tư tưởng lợi dụng chủ trương “không ai bị bỏ lại phía sau” của Đảng, Nhà nước để trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ, “không muốn thoát nghèo” của một số ít hộ gia đình đồng bào DTTS.
Nguyễn Đông
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/ghi-nhan-va-ton-vinh-dong-bao-cac-dan-toc-thieu-so/d2024091309118198.htm