Chiều 10/9, đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã đi kiểm tra thực tế và chỉ đạo trực tiếp về việc ứng phó với tình hình mưa, lũ tại các huyện Gia Viễn, Hoa Lư.
Cùng đi có đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo các địa phương liên quan.
Đoàn đã kiểm tra thực tế công tác vận hành Trạm bơm Gia Viễn và thực trạng nước lũ trên sông Hoàng Long. Lãnh đạo huyện Gia Viễn và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã báo cáo tác động của lũ trên sông Hoàng Long đến đời sống nhân dân và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Theo đó, hiện lũ trên sông Hoàng Long đang ở mức báo động 3. Đến ngày 10/9, mưa lớn và lũ đã làm ảnh hưởng đến 2.699ha diện tích sản xuất nông nghiệp, 402 hộ dân bị ngập, 42 nhà dân tại xã Gia Hòa bị cô lập. Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã chỉ đạo chi nhánh huyện Gia Viễn tiến hành bơm kiệt nước trong đồng để khôi phục sản xuất.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Đoàn đã kiểm tra tình ngập úng tại thôn Chi Phong, xã Trường Yên (Hoa Lư). Lãnh đạo xã Trường Yên đã báo cáo tình hình ngập úng trên địa bàn thôn Chi Phong và công tác chủ động ứng phó của chính quyền địa phương cũng như việc tích cực triển khai tuyên truyền đến các hộ gia đình về diễn biến tình hình mưa lũ trên sông Hoàng Long để các hộ dân nâng cao hiểu biết và chủ động các biện pháp ứng phó khi có những tình huống xấu xảy ra.
Thay mặt Đoàn kiểm tra, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã ghi nhận sự nỗ lực, chủ động theo tinh thần “4 tại chỗ” của địa phương và các đơn vị trong việc ứng phó với các tình huống sau bão số 3.
Đồng thời nhấn mạnh, tình hình mưa lũ trên địa bàn miền Bắc nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng đang diễn ra hết sức phức tạp, chính vì vậy chính quyền địa phương và mỗi người dân, gia đình phải chủ động cập nhật tin tức về diễn biến thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng và cảnh báo từ các cơ quan chức năng của tỉnh. Chủ động triển khai các phương án để ứng phó kịp thời khi có các tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ, gây thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân cũng như Nhà nước.
Các địa phương phối hợp chặt chẽ với các ngành nghiêm cấm tàu thuyền neo đậu vào mái đê, kè mái đê, công trình trên bãi sông gây ảnh hưởng đến an toàn đê và lưới điện. Tạm dừng hoạt động các bến đò ngang, bến phà trên sông cho đến khi lũ rút. Nghiêm cấm xe có trọng tải 9 tấn trở lên lưu hành trên các tuyến đê.
Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện ở các khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh khi có lũ.
Tiếp tục phối hợp làm tốt công tác thông tin trên các phương tiện truyền thông, hệ thống truyền thanh các cấp; tăng cường công tác thông tin về diễn biến của bão, mưa lớn, sạt lở đất, ngập úng đến các cấp chính quyền, các chủ phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.
* Chiều 10/9, đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đi kiểm tra công tác ứng phó với lũ trên tuyến đê hữu sông Đáy từ thành phố Ninh Bình đến huyện Kim Sơn.
Cùng đi có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Giao thông Vận tải, Văn phòng UBND tỉnh, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi.
Tại Trạm bơm Đồng Én và bến Đò Mười (huyện Yên Khánh), Đoàn đã nghe lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo nhanh về tình hình và phương án ứng phó với lũ trên sông Đáy. Theo đó, đến 13h hôm nay (10/9), mực nước trên sông Đáy là 3,36m (dưới mức báo động 3 là 0,14m).
Trước tình hình đó, ngành đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân; cấm tất cả hoạt động của các bến đò ngang trên địa bàn huyện. Đồng thời sẵn sàng các phương án ứng phó trong trường hợp mực nước dâng cao. Trong những năm qua, tuyến đê hữu sông Đáy qua địa bàn huyện Yên Khánh đã được quan tâm, đầu tư kiên cố vì vậy cơ bản đáp ứng yêu cầu phòng, chống lụt bão.
Sau khi kiểm tra thực tế, đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá cao công tác phòng chống, ứng phó với lũ của các ngành, chính quyền và nhân dân huyện Yên Khánh. Đồng chí yêu cầu thường xuyên theo dõi, cập nhật mực nước trên sông; tăng cường công tác kiểm tra, tuần tra, canh gác, bảo vệ đê điều; thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và nhân dân để chủ động các biện pháp phòng, chống đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản.
Đối với tuyến đê hữu sông Đáy đoạn qua địa bàn xã Hùng Tiến, huyện Kim Sơn, hồi 10 giờ ngày 10/9 tiếp tục xuất hiện 2 cung trượt gây diễn biến sạt lở trên mái đê phía đồng. Đoạn 1 có chiều dài 20m từ Km68+665 đến Km68+685, đoạn 2 có chiều dài 17m từ Km68+628 đến Km68+645.
Trước nguy cơ sạt trượt rất lớn, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, UBND xã Hùng Tiến, Ban Chỉ đạo PCTT & TKCN Tiểu khu II đã huy động hàng trăm người, phương tiện máy móc triển khai xử lý sự cố kịp thời. Đến thời điểm hiện tại, công trình đã được đóng cọc tre giữ chân, phủ bạt phòng chống xói lở, sạt trượt.
Ghi nhận, biểu dương tinh thần khẩn trương, tích cực, chủ động ứng phó với mưa lũ của chính quyền và nhân dân huyện Kim Sơn, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu địa phương tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ, sớm khắc phục sự cố sạt lở, kịp thời động viên và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng tham gia ứng phó, không chủ quan, lơ là trước những diễn biến thời tiết.
Đoàn đã kiểm tra tại xóm 9, xã Thượng Kiệm, huyện Kim Sơn, nơi có 11 hộ dân đang sinh sống vùng ngoài đê. Để đảm bảo an toàn khi nước lũ dâng cao, địa phương đã tuyên truyền, nâng cao cảnh giác cho toàn thể bà con về tình hình mưa lũ nguy hiểm, bố trí lực lượng tuần tra, chốt trực tại nhà văn hóa xóm 9, đồng thời đã chuẩn bị phương án di dời người dân đến nơi an toàn.
Dự báo mực nước trên sông Đáy có thể dâng cao trong những giờ tiếp theo, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm; theo dõi sát diễn biến mực nước; sẵn sàng chủ động các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu; bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán, di dời nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; tổ chức cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả khi có tình huống thiên tai xảy ra.
* Chiều 10/9, đồng chí Nguyễn Cao Sơn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra công tác ứng phó với tình hình mưa lũ tại các khu công nghiệp (KCN) và các tuyến đê trên địa bàn huyện Gia Viễn, Yên Mô, Yên Khánh.
Tại các KCN, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Cao Sơn đã kiểm tra công tác vận hành các trạm bơm: Trạm bơm Gia Trấn, Trạm bơm Cung Sỏi (KCN Gián Khẩu); Trạm bơm Cống Kem, Trạm bơm Cống Cái (KCN Khánh Phú).
Lãnh đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh đã báo cáo về tình hình ứng phó với ngập úng tại các KCN. Theo đó, ngay trong và sau khi bão tan, nhiệm vụ phòng, chống úng đã được Ban Quản lý các KCN tỉnh gấp rút triển khai. Ban đã chỉ đạo Công ty phát triển hạ tầng KCN chủ trì, phối hợp với UBND huyện Gia Viễn, UBND huyện Yên Khánh, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình triển khai thực hiện tốt phương án bơm tiêu úng cho các KCN. Tập trung tiêu kiệt nước đệm trên các tuyến kênh thoát nước cho KCN gắn với bảo vệ môi trường, nhất là chất lượng nước thải ra sông Đáy.
Để đảm bảo tiêu kiệt nước trong KCN Khánh Phú, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đang vận hành Trạm bơm Cống Kem với 8 máy, công suất 1.000m3/h. Đối với khu vực KCN Gián Khẩu, hiện có 3 trạm bơm đang hoạt động. Trạm bơm Gia Trấn đang vận hành 5 máy với công suất 3.700m3/h; Trạm bơm Cung Sỏi đang vận hành 3 máy với công suất 3.700m3/h; Trạm bơm Gia Tân đang vận hành 5 máy công suất 4.000m3/h…
Qua kiểm tra, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Cao Sơn đã chỉ đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh phối hợp với các ngành liên quan và địa phương chủ động theo dõi sát tình hình mực nước lũ trên các sông Đáy, sông Hoàng Long, trạm Hưng Thi, trạm Bến Đế để nhận định, đánh giá đúng thực trạng tình hình mưa lũ, từ đó có phương án tiêu thoát nước phù hợp với tình hình thực tế. Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi khẩn trương xử lý, gia cố bể xả của Trạm bơm Gia Trấn. Đảm bảo trực ban 24/24h, theo dõi sát sao các tình huống có thể xảy ra để kịp thời ứng phó, không để xảy ra tình trạng đột xuất, bất ngờ, gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp.
Tại huyện Gia Viễn, đoàn đã đi kiểm tra các tuyến đê Đầm Cút, bờ bao Hoa Tiên, cầu sông Bôi (xã Gia Hưng), đê tả sông Hoàng Long. Tại đây, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành chức năng, chính quyền địa phương có phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu. Chủ động cập nhật tin tức về diễn biến thời tiết, mưa lũ trên các sông, để chủ động triển khai các phương án ứng phó kịp thời khi có các tình huống xấu xảy ra. Đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Đối với dự án cầu vượt sông Bôi, đề nghị chủ đầu tư, nhà thầu lập các phương án đảm bảo an toàn cho công trình, tập kết máy móc, thiết bị về nơi an toàn.
Tại huyện Yên Mô, đoàn đã đi kiểm tra việc di dời, đảm bảo an toàn cho các hộ dân thuộc Khu dân cư Vườn Ổi (thuộc xã Yên Lâm), Cụm dân cư thành Hồ (xã Yên Thái). Khu dân cư Vườn Ổi là khu vực trũng thấp ven kênh nhà Lê, có nguy cơ ngập lụt cao, hiện đang có 40 hộ dân sinh sống; còn Cụm dân cư thành Hồ cũng nằm ở một bãi ven sông với 5 hộ dân. Trước tình hình mưa lũ, địa phương đang tiến hành vận động, di dời các hộ dân này đến nơi an toàn.
Tại đây, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Cao Sơn nhấn mạnh tình hình mưa lũ đang diễn biến hết sức phức tạp, vì vậy chính quyền địa phương phải khẩn trương di dời toàn bộ người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đồng thời phải cắt cử người canh gác, đặt biển cảnh báo, không để người dân qua lại khu vực này.
Nhóm P.V
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/cac-dong-chi-lanh-dao-tinh-kiem-tra-cong-tac-ung-pho-voi-mua/d20240910164459364.htm