Chiều 10/9, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh tổ chức hội thảo tư vấn phản biện dự thảo “Đề án thống kê, hệ thống hóa và ứng dụng tri thức bản địa vào phát triển các sản phẩm du lịch khác biệt, đẳng cấp, thương hiệu ở tỉnh Ninh Bình” (gọi tắt là Đề án).
Dự hội nghị có lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đại diện một số sở, ban, ngành, đoàn thể; các thành viên Hội đồng tư vấn phản biện.
Với lịch sử hình thành và phát triển hàng nghìn năm, Ninh Bình đã có một kho tàng văn hóa tri thức bản địa phong phú gồm hệ thống các di tích văn hóa, lịch sử, các giá trị văn hóa dân tộc bản địa, các làng nghề, các lễ hội truyền thống… Đây là nguồn tài nguyên du lịch đặc sắc, độc đáo, là những lợi thế to lớn của Ninh Bình trong phát triển du lịch, có thể tạo nên sự khác biệt và những sản phẩm du lịch đặc thù, có khả năng cạnh tranh…
Trong thời gian qua, với nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch nói chung và xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên khai thác các giá trị văn hóa tri thức bản địa nói riêng dần được triển khai, các hoạt động du lịch ở Ninh Bình trở nên sôi động, ấn tượng.
Tuy nhiên, so với tiềm năng, thế mạnh, việc khai thác các giá trị tài nguyên đặc trưng về tri thức bản địa để xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt, mang thương hiệu của Ninh Bình còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, Đề án được xây dựng là cần thiết và kịp thời nhằm khai thác có hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch, góp phần phát triển du lịch Ninh Bình phù hợp với xu thế của thời đại và chiến lược phát triển du lịch của Việt Nam, đặc biệt là chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trong thời kỳ mới.
Tại hội thảo, đại diện Sở Du lịch đã trình bày nội dung Đề án bao gồm: Cơ sở khoa học về tri thức bản địa, phát triển sản phẩm du lịch khác biệt, đẳng cấp, thương hiệu; thống kê hệ thống hóa các tri thức bản địa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, các giải pháp quản lý, ứng dụng; tổ chức thực hiện.
Thảo luận tại hội thảo, Hội đồng tư vấn phản biện đánh giá cao tính cấp thiết, chiến lược của Đề án cũng như sự chuẩn bị công phu, khoa học của đơn vị tổ chức. Đồng thời nêu một số ý kiến về cách trình bày Đề án như: Cần sắp xếp lại thứ tự một số đề mục, thống nhất lại tên Đề án,… Về nội dung: Bổ sung thêm căn cứ pháp lý xây dựng Đề án, bám sát tên đề tài để thể hiện nội dung, bổ sung làm rõ một số khái niệm liên quan, cách tiếp cận thực hiện thống kê…
Với những ý kiến của Hội đồng tư vấn phản biện, đơn vị tổ chức tiếp thu ý kiến, trên cơ sở đó bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo Đề án trình cơ quan chức năng xem xét, phê duyệt trong thời gian sớm nhất.
Tin, ảnh: Lan Anh
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/hoi-thao-tu-van-phan-bien-du-thao-de-an-thong-ke-he-thong/d20240910175923770.htm