Bão số 3 gây mưa to, gió lớn trên địa bàn tỉnh. Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Ninh Bình, sau ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, từ chiều tối 7/9 đến sáng ngày 9/9, khu vực tỉnh Ninh Bình có mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa tại các huyện, thành phố phổ biến từ 100 – 200 mm, có nơi lớn hơn 250 mm. Do vậy, các địa phương trong tỉnh đã chủ động, kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão và hoàn lưu sau bão.
* Theo báo cáo nhanh của huyện Kim Sơn, trước khi bão đổ bộ, 347 lao động/218 lều chòi từ đê Bình Minh III đến Cồn Mờ; hơn 2.300 nhân khẩu/hơn 1.400 hộ đang nuôi trồng thủy sản từ đê Bình Minh II đến đê Bình Minh III đã được di dời vào trong đê Bình Minh II an toàn. Cùng với đó, 55 phương tiện tàu thuyền được đưa về neo đậu tại đê Bình Minh III, Trạm Lạch Càn và các cống thuộc đê Bình Minh IV.
Trên tuyến đê Bình Minh II, huyện Kim Sơn thành lập 16 chốt chặn với hơn 100 người thuộc các lực lượng công an, quân đội, dân quân địa phương để canh gác 24/24 giờ, ngăn cản không cho người dân đi ra ngoài đê biển Bình Minh II.
Thời điểm này, thủy triều ở mức thấp, cộng với sức gió không quá lớn nên chưa ghi nhận thiệt hại đáng kể nào. Chỉ có một số cây xanh bị ngã đổ còn giao thông, điện, viễn thông vẫn đảm bảo thông suốt. Hiện nay, huyện vẫn duy trì lực lượng chốt, trực, đảm bảo sẵn sàng ứng phó với các tình huống tiếp theo, trong đó, tập trung cao cho công tác chống úng, đề phòng mưa lớn sau bão.
* Tại Thành phố Ninh Bình, từ sáng 7/9 đã xuất hiện mưa to kèm giông, gió mạnh. UBND thành phố đã chủ động huy động lực lượng trực ban 24/24 giờ để có phương án ứng phó kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra và bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Các phường, xã đã phối hợp với lực lượng chức năng, đoàn thể thực hiện thông tin thường xuyên, linh hoạt qua các kênh thông tin, tuyên truyền qua hệ thống đài truyền thanh, các hội nhóm mạng xã hội: Khuyến cáo các hộ gia đình chủ động chặt tỉa cành cây ảnh hưởng tới đường điện và có nguy cơ đổ gãy gây mất an toàn. Kiểm tra, chằng chống, gia cố nhà cửa đảm bảo an toàn; nạo vét các hố ga, điểm thu nước, cống thoát nước để đảm bảo tiêu thoát nước, không bị ngập úng; tăng cường lực lượng bảo vệ an ninh trật tự, thôn đội trưởng, công dân trong phố sẵn sàng thực hiện điều động khi cần. Để đề phòng mưa bão có thể ảnh hưởng tới người và tài sản, nhiều cơ sở kinh doanh đã đóng cửa ngừng hoạt động từ sáng ngày 7/9.
Địa bàn thành phố là dễ ngập úng do mưa lớn, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN thành phố đã chỉ đạo các thành viên và phòng, ban, đơn vị, UBND xã, phường triển khai ngay các nhiệm vụ, trong đó chú trọng phương án tiêu nước đệm, chống ngập úng khu vực đô thị và sản xuất nông nghiệp. Đồng chí Đinh Văn Thứ, Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình cho biết: Công tác triển khai chuẩn bị ứng phó với bão số 3 được thành phố thực hiện từ rất sớm, nhiệm vụ phân công rõ ràng cho từng đơn vị và người phụ trách, quá trình chỉ đạo kiểm tra hoàn tất bảo đảm sẵn sàng ứng phó với bão, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản. Thành phố hiện đã sơ tán 510 hộ gia đình tập trung chủ yếu tại xã Ninh Nhất, xã Ninh Phúc có nhà ở xuống cấp di dời đến các nơi an toàn.
Để bảo vệ lúa và rau màu, UBND thành phố đã huy động máy bơm, vận hành thử trạm bơm, phối hợp với các đơn vị quản lý hệ thống công trình thủy lợi trực trạm 24/24 giờ. Đồng thời thường xuyên thăm đồng để có biện pháp kịp thời khi mưa bão xảy ra. Thành phố xác định có 3 trọng điểm xung yếu về đê, kè, cống là cống Bích Đào, tuyến đê chiều An Hòa, đê hữu Sông Chanh sớm xây dựng phương án hộ đê toàn tuyến và ứng phó với lũ lớn vượt tần suất thiết kế. Khu vực thường xảy ra ngập lụt là phường Vân Giang, phường, Ninh Phong, xã Ninh Tiến, xã Ninh Phúc, các khu công nghiệp bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
Thành phố đã chủ động huy động lực lượng, phương tiện tổ chức bảo đảm an toàn cho công trình đang xây dựng, kho tàng, bến bãi, hàng hóa, trường học, bệnh viện, trạm y tế… Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
* Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn thành phố Tam Điệp từ ngày 7/9 đã bắt đầu xuất hiện mưa kèm gió mạnh. Để bảo đảm an toàn về người và tài sản trước diễn biến phức tạp của bão số 3, thành phố đã khẩn trương kiểm tra, sửa chữa và gia cố các công trình công cộng, đặc biệt là hệ thống đê điều, cầu cống và các tuyến đường giao thông chính; tổ chức tháo dỡ 40 biển quảng cáo, 6.194 panô, băngzôn, cờ các loại; xây dựng 13 tin, bài và chuyên mục phòng, chống lụt bão, cập nhật diễn biến cơn bão số 3 trên hệ thống loa truyền thanh của thành phố, thông tin kịp thời để nhân dân chủ động các biện pháp phòng tránh.
Công ty cổ phần Môi trường đô thị Tam Điệp đã sửa chữa 6 nút đèn tín hiệu giao thông; 179 vị trí đèn chiếu sáng công cộng; cắt tỉa 339 cây tại trụ sở các cơ quan, đơn vị và các tuyến đường chính. Đối với những khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi bão, chính quyền thành phố đã hỗ trợ 229 hộ dân chằng, chống nhà cửa, di dời đến nơi tránh trú an toàn và cử người theo dõi, hỗ trợ.
* Để chủ động phòng, tránh, ứng phó kịp thời với các tình huống thiên tai có thể xảy ra sau bão số 3, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) huyện Hoa Lư đã chủ động các nguồn lực, triển khai các biện pháp phòng, tránh bão, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho Nhân dân.
Ông Đinh Lệnh Ban, Chủ tịch UBND xã Ninh Xuân cho biết: Xã đã hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư để chủ động sẵn sàng ứng cứu kịp thời trong mọi tình huống; cắt cử lực lượng tuần tra, canh gác bảo đảm an toàn cho vị trí xung yếu như: tuyến đê Sông Chanh, tuyến đê sông Sào Khê, đập ông Phe và các tuyến đê nội đồng. Để chủ động sẵn sàng ứng cứu kịp thời trong mọi tình huống, xã Ninh Xuân đã huy động lực lượng hơn 500 người, 15 phương tiện vận tải, 1.500 bao tải, 1.600 cọc tre và các phương tiện thô sơ khác. Đồng thời chủ động bố trí lực lượng hỗ trợ, di dời các hộ dân đang sinh sống ven sông, ven chân núi, có nguy cơ ngập úng và sạt lở về nơi an toàn.
Đồng chí Lưu Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư cho biết: Toàn huyện có 8 tuyến đê với tổng chiều dài 55,58 km. Để ứng phó kịp thời các tình huống bão và sau bão, Ban chỉ huy PCTT &TKCN huyện bố trí lực lượng hộ đê trên từng cụm, từng tuyến theo đúng phương châm “4 tại chỗ”. Chủ động khơi thông dòng chảy, giải tỏa ngay đăng đó, vó bè và các vật cản, đảm bảo tiêu nước chống úng nhanh nhất.
Đặc biệt, huyện đã chỉ đạo các khu, điểm du lịch tạm dừng các hoạt động vui chơi, du lịch cho đến khi bảo đảm an toàn mới hoạt động trở lại. Công tác rà soát nhà ở không an toàn, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đấtvà sẵn sàng các phương án sơ tán dân đến nơi an toàn được chú trọng. Tính đến hết ngày 6/9 đã di dời 25 hộ dânkhu vực ven núi tại các xã Ninh Xuân, Ninh Khang, Ninh Thắng, Ninh Mỹ đến nơi an toàn.
Bên cạnh đó, công tác bảo vệ sản xuất nông nghiệp được huyện quan tâm. Vụ mùa năm nay, toàn huyện gieo cấy 2.300 ha lúa và 500 ha diện tích nuôi thủy sản. Những ngày qua, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thường xuyên cắt cử cán bộ xuống thăm đồng, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc cho lúa, hướng dẫn gia cố bờ ao, quây lưới, đăng chắn….để bảo vệ diện tích nuôi thủy sản. Từ ngày 5/9 đã tiến hành bơm tiêu kiệt nước đệm trong đồng, triển khai phương án chống úng, bảo vệ diện tích nuôi thủy sản.
* Tại huyện Yên Khánh, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi huyện vận hành cả 9 trạm bơm bơm tiêu nước đệm trên hệ thống sông trục và kênh mương nội đồng.
Tận dụng lúc nước thủy triều xuống mở các cống dẫn nước ra sông ở các cánh đồng, hạn chế tình trạng ngập úng do mưa lớn gây ra trên địa bàn. Khoanh vùng có nguy cơ mưa lũ lớn để có các phương án xử lý nhanh, huy động máy móc, thiết bị khơi thông dòng chảy, đảm bảo sẵn sàng tiêu úng kịp thời bảo vệ sản xuất khi mưa lớn gây ngập lụt. Đến nay, 7.500 ha lúa mùa của huyện Yên Khánh đang được theo dõi và huyện chỉ đạo bà con chủ động các biện pháp chăm sóc, chống úng cho lúa mùa, hạn chế tình trạng ngập úng gây úng.
* Là vùng trũng, huyện Gia Viễn luôn chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa, bão. Hàng năm, công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) được các cấp, các ngành nơi đây triển khai và lên kế hoạch từ rất sớm. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Gia Viễn xác định rõ các trọng điểm phòng, chống thiên tai. Theo đó, toàn huyện có các tuyến đê với tổng chiều gần 58 km, 6 tuyến kè, 1 đập tràn, 30 cống, 1 âu, 16 trạm bơm chia thành 2 khu vực là khu tả và khu hữu sông Hoàng Long. Trong đó, Đập tràn Lạc Khoái nằm trên đê Hữu sông Hoàng Long (địa bàn xã Gia Lạc), Công trình được giao cho Công ty TNHH MTV KTCTTL tỉnh quản lý, vận hành thường xuyên được kiểm tra, đảm bảo an toàn vận hành theo thiết kế khi có yêu cầu.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Gia Viễn cũng thông tin về hiện trạng một số tuyến đê xung yếu. Cụ thể là tuyến kè Kính Chúc K3+500 đến K6+00 hiện trạng mái kè bị bong tróc, vị trí này dòng chảy hướng vào thân đê, một đoạn đê không có cơ phía trong đồng. Tuyến đê từ Trạm bơm Tiến Yết (xã Gia Thắng) K18+578 đến Trạm bơm Gia Tân (xã Gia Tân) K21+528, mặt đê lún, nứt.
Đối với những trọng điểm này, Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình bão, mưa lũ, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân, nhất là tại các khu vực ven sông, ngoài đê, khu vực có nguy cơ sạt lở để chủ động các biện pháp phòng tránh. Tăng cường tuần tra, canh gác các tuyến đê, đặc biệt là điểm đã xảy ra thẩm lẩu, sạt trượt. Kịp thời phát hiện sự cố, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị để hộ đê, kịp thời xử lý các sự cố xảy ra. Đồng thời, để chủ động phòng chống, giảm thiệt hại do mưa, úng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, từ ngày 5/9, Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi huyện phối hợp với các xã, HTX vận hành 9 trạm bơm tiêu với 37 máy bơm hoạt động và đến ngày 6/9 có 11 trạm bơm với 39 máy hoạt động để tiêu kiệt nước đệm bảo vệ hoa màu…
* Để chủ động ứng phó với cơn bão số 3, huyện Nho Quan đã triển khai nhiều giải pháp, phương án với phương châm “Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả” để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Theo thông tin từ Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Nho Quan, trong 2 ngày từ 6-7/9, lượng mưa trên địa bàn huyện ghi nhận từ 40-50 mm. Tuy nhiên, theo dự báo, hoàn lưu sau bão sẽ có mưa lớn trên diện rộng, chính vì thế Nho Quan luôn chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra sau bão.
Ban Chỉ huy PCTT & TKCN huyện Nho Quan yêu cầu các xã, thị trấn tập trung triển khai các nội dung: Theo dõi chặt chẽ, diễn biến của bão, mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở đất, thông tin kịp thời đến cấp ủy, chính quyền và người dân, nhất là các địa bàn trọng điểm để chủ động các biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản; tổ chức kiểm tra, rà soát, triển khai trên thực tế các phương án hộ đê; phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu, đặc biệt là các vị trí đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục; các công trình đang thi công dở dang theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống mưa lớn sau bão có thể xảy ra.
Nhóm phóng viên Kinh tế
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/cac-dia-phuong-kip-thoi-chu-dong-ung-pho-voi-bao-so-3-va-mua/d20240907230952765.htm