Ngày 7/9, đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp trực tuyến của Sở Chỉ huy tiền phương (đặt tại thành phố Hải Phòng) nghe báo cáo tình hình ứng phó với bão số 3 với 5 tỉnh, thành phố đó là: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình.
Dự tại điểm cầu Bộ CHQS tỉnh Ninh Bình có các đồng chí: Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đinh Công Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành có liên quan, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe cập nhật các thông tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vị trí tâm bão và báo cáo tình hình ứng phó với bão số 3 của các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão.
Theo đó, bão đi vào đất liền, tâm bão ở giữa Hải Phòng và Quảng Ninh, trong đó vùng trọng điểm là Quảng Yên, Bãi Cháy, Cát Bà, Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh; An Lão, Tiên Lãng, Hải An, Đồ Sơn của Hải Phòng. Thời điểm mạnh nhất là từ 12-14 giờ chiều. Sau khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền, sức gió vẫn duy trì cấp 12-13, giật cấp 14-16, đến khoảng 16h mới giảm dần. Các vùng sâu trong đất liền cấp độ gió sẽ tăng dần, riêng tại Hà Nội, từ 15h có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9-10, kéo dài đến 19h.
Về dự báo mưa, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình có mưa nhiều nhất. Các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên mưa kéo dài đến hết đêm 7/9. Sau đó mưa sẽ lan rộng ra vùng núi phía bắc, Tây Bắc Bộ đến hết ngày 8/9. Các địa phương ghi nhận thiệt hại ban đầu là tình trạng cây cối, cột điện gãy đổ, nhà bị tốc mái, vỡ kính ở một số nhà cao tầng, một số xà lan, tàu thuyền bị trôi dạt. Nhiều nơi ở Quảng Ninh, Hải Phòng bị mất điện, hệ thống thông tin liên lạc bị gián đoạn.
Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu cơ quan khí tượng thủy văn cung cấp thông tin chính xác diễn biến, phạm vi ảnh hưởng của bão số 3 sau khi đi vào đất liền, về cấp gió, lượng mưa để các đô thị, khu đông dân cư, vùng trung du, miền núi phía Bắc chủ động các phương án để giảm nhẹ thiệt hại do cây cối, cột điện gãy đổ, nhà cửa bị tốc mái, sập đổ, ngập lụt; phòng, chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Tin, ảnh: Hồng Nam
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/so-chi-huy-tien-phuong-hop-ung-pho-voi-bao-so-3/d20240907173559534.htm