Mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo của cơ quan chức năng về những hình thức lừa đảo qua mạng Internet nhưng với sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ trực tuyến, thương mại điện tử… rất nhiều người đã mất tiền vì sự nhẹ dạ cả tin.
Chị Thảo (Hoa Lư) quyết định đặt vé máy bay đi Đà Nẵng cho cả gia đình. Thông thường chị sẽ lên app đặt vé của các hãng Vietnam Airlines, VietJet… hoặc qua những công ty lữ hành. Nhưng lần này chị lướt Facebook vô tình thấy một quảng cáo “Săn Vé Máy Bay Giá Rẻ” nên tìm hiểu để đặt mua vé. Fanpage của đại lý này có gần 13.000 người theo dõi, có đăng hình ảnh nơi làm việc và lượng tin nhắn tốt nên cũng khiến chị tin tưởng. Hơn nữa, người tư vấn còn gửi cho chị thông tin chuyến bay, giờ bay và mã QR đầy đủ thông tin… Sau khi xem xét thấy mua vé máy bay tại Fanpage này rẻ hơn của các hãng nên chị quyết định chuyển tiền đặt vé.
Chị Thảo nói: “Tôi đã từng đặt các tour du lịch lớn qua mạng nhiều lần nên cũng khá chủ quan. Hơn nữa, người bán hàng gọi điện liên tục, thúc giục chuyển tiền để giữ vé, vì công việc bận rộn, lại muốn cho gia đình đi theo đúng lịch đã đề ra nên tôi chuyển tiền luôn”. Tuy nhiên, ngay sau khi chuyển hơn 10 triệu đồng tiền vé mua cho cả gia đình, chị bị chặn liên hệ. Toàn bộ tin nhắn giao dịch giữa hai bên cũng đã bị bên rao bán vé máy bay giá rẻ thu hồi.
Còn chị Hồng (thành phố Ninh Bình) đã bị 1 website bán hàng lừa bằng hình thức chuyển tiền trước, giao hàng sau. Sau khi yêu cầu chị chuyển tiền vào một số tài khoản công khai thì chị Hồng nhận được cuộc điện thoại thông báo là chị đã chuyển tiền để đăng ký thành viên của cửa hàng. Chị Hồng không đồng ý với hình thức đó thì nhân viên bán hàng yêu cầu chị tiếp tục chuyển tiền để trả tiền hàng và sau đó đặt lệnh để hủy đăng ký thành viên thì sẽ được trả lại tiền đăng ký. Nhận thấy đây là một hình thức lừa đảo, sợ bị mất thông tin về tài khoản ngân hàng, chị Hồng đã nhanh chóng khóa các tài khoản ngân hàng để không lộ thông tin cá nhân.
Được biết, hiện nay do nhu cầu mua sắm của người dân có sự thay đổi từ việc đến các đại lý vé máy bay để mua vé sang việc đặt vé online qua mạng Internet và các tài khoản mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Viber… nên nhiều đối tượng đã lợi dụng nhu cầu này để thực hiện các chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Chiêu thức của các đối tượng lừa tiền mua vé thường là tạo lòng tin bằng các giấy tờ đầy đủ, để giá thấp hơn từ 100.000-200.000 nghìn đồng mỗi vé cho chặng bay dài hoặc rao các chương trình khuyến mại với quảng cáo chỉ cần đặt cọc một khoản nhỏ để được cung cấp vé rồi sau khi đi mới thanh toán tiền… làm cho người dân tin tưởng, đặt vé và chuyển tiền vé, tiền cọc, sau đó các đối tượng chiếm đoạt, không xuất vé hoặc xuất vé giả…
Trao đổi với ông Phạm Văn Hảo, Phó Giám đốc Agribank Nam Ninh Bình được biết: Có không ít trường hợp sau khi chuyển tiền mới biết mình bị lừa. Mặc dù phía ngân hàng có ghi nhận phản ánh của khách hàng nhưng đây đều là những giao dịch tự nguyện. Muốn phong tỏa tài khoản thì phải có thông báo của cơ quan công an. Hơn nữa những tài khoản này sau khi lừa được khách hàng đều sẵn sàng hủy bỏ để xóa dấu vết. Vì vậy, người dân cần nêu cao cảnh giác khi giao dịch qua mạng.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước triển khai việc xác nhận sinh trắc học khi chuyển tiền từ 10 triệu đồng trở lên/lần và 20 triệu đồng trở lên/ngày. Mục đích của việc phải xác thực khuôn mặt là đảm bảo chính chủ đang thực hiện giao dịch. Giải pháp xác thực sinh trắc học sẽ loại bỏ được tài khoản ảo, tài khoản rác, tài khoản thuê-mượn, đồng thời buộc các đối tượng lừa đảo phải sử dụng tài khoản chính chủ, do chính mình lập ra. Khi xác thực sinh trắc học, cơ quan công an sẽ nhanh chóng xác định được danh tính của chủ tài khoản vi phạm qua đối chiếu với thông tin trên căn cước công dân gắn chip.
Phân tích về hiệu quả của giải pháp sinh trắc học trong việc chống lừa đảo, giả mạo, ông Phạm Văn Hảo mô tả, trong trường hợp khi kẻ gian lấy được thông tin khách hàng để lừa đảo thì không thể chuyển tiền được, ngân hàng không chỉ yêu cầu về OTP mà còn bắt buộc phải xác thực khuôn mặt. Do kẻ gian không có xác thực khuôn mặt nên không thể so sánh với khuôn mặt trên hồ sơ gốc của ngân hàng, chính vì thế không thể thực hiện được lệnh chuyển tiền.
Để hạn chế rủi ro, bảo vệ khách hàng, về phía Ngân hàng cũng đã liên tục tuyên truyền, đăng tải thông tin “Agribank khuyến cáo khách hàng nâng cao nhận thức và cảnh giác trước chiêu trò sử dụng app giả mạo để đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng”.
Tuy nhiên, ông Phạm Văn Hảo khuyến cáo mọi người cần nâng cao ý thức cảnh giác trong việc sử dụng mạng xã hội, nhất là trong quá trình tiến hành các hoạt động giao dịch thương mại trên không gian mạng, tránh trường hợp để đối tượng xấu lợi dụng chiếm đoạt tài sản. Khi có nhu cầu đặt vé máy hoặc mua sắm trên mạng, mọi người cần tìm hiểu kỹ, tốt nhất là thay vì trao niềm tin trên mạng xã hội, chỉ mua vé qua các đại lý được ủy quyền, các website hoặc app chính thống của các hãng bay để tránh “tiền mất, tật mang”.
Ngoài ra, mỗi người cần thường xuyên theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng để cập nhật những hình thức lừa đảo mới, tránh để tội phạm lợi dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi phát hiện các đối tượng có dấu hiệu lừa đảo trên không gian mạng, người dân cần tích cực tố giác, phối hợp với lực lượng chức năng để tiến hành điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định.
Bài, ảnh: Bảo Yến
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/nang-cao-canh-giac-doi-voi-cac-hoat-dong-giao-dich-thuong/d20240807004221529.htm