Ninh Bình có hàng nghìn ha ruộng trũng thực hiện mô hình một vụ lúa, một vụ cá. Năm 2023, những diện tích này bị ảnh hưởng rất lớn do nắng hạn, dẫn đến hiệu quả không cao. Năm nay, điều kiện thời tiết thuận lợi, mưa sớm và rải đều, nhiều nông dân nhận định, vụ cá ruộng này sẽ cho hiệu quả cao.
Sáng sớm đầu tháng 8, anh Nguyễn Văn Khải (thôn Trung Sơn, xã Sơn Thành, huyện Nho Quan) chống xuồng đi một vòng thăm ruộng cá. Xung quanh ruộng anh quây lưới, giữa ruộng anh đào rãnh nước sâu để tôm, cá có chỗ trú ngụ, đồng thời đặt thêm một bộ quạt nước để tạo dòng chảy, tăng lượng oxy trong nước.
Anh Khải cho biết: Năm ngoái, nhiều hộ tháng 7 còn chưa bung cá ra đồng được vì thời tiết nắng nóng gay gắt, lượng nước thiếu hụt. Có nơi mực nước chỉ khoảng 20-30 cm, tôm cá chậm lớn, thậm chí còn bị sốc nhiệt, chết. Nhưng năm nay thì khác, mưa liên tục, nước mênh mông, 20 ha ruộng này anh thả bung 3 tấn cá giống cùng 10 vạn tôm càng xanh từ cuối tháng 5, đầu tháng 6. Trước đó, tôm, cá đều đã được ương dưỡng trong mương trước khoảng 2 tháng nhằm thuần dưỡng, giúp chúng có sức khỏe tốt để chống chọi với điều kiện bất thường của môi trường.
“Năm ngoái vì xuống giống muộn, thu hoạch muộn, một số tôm nuôi gặp rét bị chết. Năm nay, tôi thả sớm nên sẽ thu hoạch sớm, yên tâm hơn, chắc chắn sản lượng sẽ cao hơn nhiều so với năm trước… Điều này không phải bàn cãi gì hết, nông dân chúng tôi đã có kinh nghiệm nuôi hàng chục năm nay rồi.” – anh Khải khẳng định.
Giống như anh Khải, vụ này anh Phạm Văn Hiền thuê lại 30 mẫu ruộng của bà con trong thôn để nuôi trồng thủy sản. Anh Hiền chia sẻ: Làm mô hình này quan trọng nhất là nguồn nước. Năm nào nước thuận thì nuôi rất nhàn mà hiệu quả lại cao. Cá ruộng chủ yếu ăn lúa chét, phù du trong nước nên cứ thời tiết mát mẻ, nguồn nước dồi dào, thức ăn tự nhiên nhiều ắt sẽ lớn nhanh.
Cũng theo anh Hiền, năm nay ngoài nuôi các loại cá truyền thống, gia đình anh còn thả thêm tôm càng xanh. Đây là đối tượng nuôi mới, nhưng qua nuôi thử nghiệm vụ trước cho thấy tôm thích nghi tốt, phù hợp với điều kiện nguồn nước, đất đai vùng này, dễ nuôi, có thể tận dụng nhiều thức ăn có sẵn trong tự nhiên như các loại nguyên sinh động vật, giun nhiều tơ, giáp xác, côn trùng, nhuyễn thể, các loài tảo, mùn bã hữu cơ… Đặc biệt, tôm càng xanh có giá trị dinh dưỡng cao, thơm ngon, được người tiêu dùng rất ưa chuộng nên thị trường rất rộng mở. Anh Hiền kỳ vọng vụ thủy sản trên ruộng lúa năm nay sẽ đem lại thu nhập cao cho gia đình.
Là vùng đất trũng, cấy lúa vụ Mùa thường bị mưa bão gây ngập úng, không được thu hoạch, bởi thế với mục tiêu tôn trọng quy luật tự nhiên, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, xã Sơn Thành đã chủ động chuyển đổi 200 ha sang mô hình nuôi cá ruộng. Đồng chí Nguyễn Văn Luận, Chủ tịch UBND xã Sơn Thành cho biết: Diện tích nuôi cá ruộng ở Sơn Thành vài năm trở lại đây phát triển rất mạnh vì mô hình này vừa giảm được rủi ro trong canh tác vừa cải thiện thu nhập cho người dân. Trung bình mỗi ha, bà con thu lãi khoảng 25-30 triệu đồng. Năm nay, nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi nên ngay từ tháng 5, bà con đã xuống giống đạt 100% diện tích.
Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nông dân sản xuất, xã đã đứng ra làm trọng tài, vận động các hộ dân đồng thuận cho người nuôi cá thuê ruộng; hỗ trợ về công tác thủy lợi, đảm bảo an ninh trật tự; tạo điều kiện cho bà con tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư con giống, thức ăn; thường xuyên phối hợp với cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, quản lý ruộng nuôi.
Không chỉ ở xã Sơn Thành, hiện nay nông dân nuôi cá ruộng lúa khắp các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, thành phố Tam Điệp – những địa phương trọng điểm về sản xuất lúa – cá trên địa bàn tỉnh cũng đang rất kỳ vọng vào một vụ nuôi thắng lợi trên cơ sở thuận lợi về nguồn nước ngay từ đầu vụ. Tuy nhiên, theo Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT), những năm gần đây, cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, cực đoan và bất thường, do vậy bà con tuyệt đối không được chủ quan.
Để vụ cá trên ruộng lúa cho hiệu quả cao, hạn chế tác động xấu của môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe tôm, cá nuôi và nguy cơ thất thoát, người nuôi cần lưu ý: Nên thả giống đúng lịch mùa vụ, chọn giống cỡ lớn để rút ngắn thời gian nuôi. Thường xuyên theo dõi ruộng nuôi, kiểm tra các yếu tố môi trường như: pH, nhiệt độ, độ trong của nước… để có biện pháp điều chỉnh phù hợp. Đảm bảo môi trường nuôi sạch, an toàn bằng biện pháp đơn giản như định kỳ bón vôi bột cho ruộng. Có thể lựa chọn cho cá ăn thức ăn bổ sung (cám gạo, ngô) với lượng bằng 3- 5% trọng lượng cá. Khi lúa chét ở ruộng không đủ cho cá trắm cỏ thì phải cho thêm thức ăn xanh vào ruộng.
Vào những ngày nắng nóng, bà con hạn chế san thưa, vận chuyển, thả giống. Cần chủ động nguồn nước cấp để có thể dâng mức nước khi cần thiết. Có thể đào mương và tạo các chỗ trũng làm nơi trú ẩn cho cá vào những ngày nắng nóng kéo dài, sử dụng lưới lam che mương, ruộng nuôi để giảm nắng nóng cho thủy sản.
Ngoài ra, người nuôi cũng phải sẵn sàng phương án phòng tránh lũ lụt như gia cố lại bờ bao chắc chắn, không rò rỉ và cao hơn mực nước cao nhất 0,5 m để vượt lũ, xung quanh ruộng nuôi bố trí nhiều cống thoát nước, mương thoát nước, đặt lưới vây quanh khu vực nuôi và thường xuyên kiểm tra hệ thống cống, bờ vùng; dọn sạch đăng, mương rãnh để nước thoát nhanh; chuẩn bị máy bơm tiêu úng khi cần thiết. Phương án phòng tránh lũ lụt cần phải được tính toán cho cả vùng nuôi. Trong quá trình nuôi, phải thường xuyên theo dõi, nếu phát hiện dấu hiệu bất thường, nghi ngờ nhiễm bệnh, hoặc có hiện tượng chết trong ao nuôi phải báo cho cơ quan chức năng để được hướng dẫn và xử lý kịp thời.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/vu-ca-ruong-khoi-dau-thuan-loi/d2024081015366268.htm