Theo Luật Căn cước năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/7, trẻ em từ 0 đến dưới 14 tuổi được làm thẻ Căn cước theo nhu cầu, không bắt buộc. Tại Ninh Bình, nhiều gia đình đã quan tâm đưa con em đến làm thẻ Căn cước để thuận lợi hơn trong các thủ tục hành chính.
Đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để tìm hiểu về thủ tục làm thẻ Căn cước cho con, chị Nguyễn Thu Hà (xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình) cho biết: Khi theo dõi và biết thông tin Luật Căn cước năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/7 cho phép trẻ em dưới 14 tuổi được làm thẻ Căn cước nên tôi đưa cả 3 con đến làm. Lý do mà tôi muốn làm sớm cho các con là bởi vì có tấm thẻ Căn cước sẽ thuận lợi hơn trong nhiều giao dịch. Như mỗi lần đi du lịch bằng đường hàng không, nếu không có thẻ Căn cước thì phải mang theo bản sao giấy khai sinh của con, cũng rất lỉnh kỉnh. Chưa kể, như người lớn, tấm thẻ Căn cước công dân đã tích hợp đầy đủ thông tin, đi khám, chữa bệnh chỉ cần xuất trình thẻ là xong, rất thuận tiện…
Đưa con đến làm thẻ Căn cước, anh Hoàng Xuân Trường (phường Bích Đào, thành phố Ninh Bình) chia sẻ: Luật Căn cước năm 2023 với quy định mới cho phép trẻ em dưới 14 tuổi được làm căn cước là quy định hết sức kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế khi hoạt động chuyển đổi số đang diễn ra ở khắp các lĩnh vực, hạn chế sử dụng giấy tờ trong các giao dịch hành chính. Như gia đình tôi, cháu chưa đủ 14 tuổi nhưng năm nay lên lớp 9, nếu có thẻ Căn cước sẽ thuận lợi khi đăng ký thi cử, xét tuyển, làm sớm để đỡ phải lo khi có nhu cầu về giấy tờ, thông tin cá nhân.
Theo ghi nhận tại Ninh Bình, Luật Căn cước mới được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7 được người dân đón nhận tích cực, bày tỏ sự đồng tình cao vì những điểm mới được quy định theo hướng tạo mọi thuận lợi cho nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của người dân. Mặc dù theo quy định của Luật, trẻ em dưới 14 tuổi là đối tượng không bắt buộc nhưng nhiều gia đình vẫn đưa con em đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hay bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả các huyện, thành phố để làm thẻ Căn cước.
Thiếu tá Vũ Tuấn Minh, cán bộ Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh cho biết thêm: Theo Luật Căn cước mới số 26/2023/QH15 được Quốc hội thông qua, kể từ ngày 1/7/2024, đối tượng được cấp thẻ Căn cước gồm: Người bắt buộc phải làm thẻ Căn cước: Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên. Sau đó, đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi, công dân Việt Nam phải thực hiện cấp đổi thẻ Căn cước; người được cấp thẻ Căn cước theo nhu cầu: Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi.
Trong khi đó, theo Điều 19 Luật Căn cước công dân số 59/2014/QH13, chỉ cấp thẻ Căn cước công dân cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên. Do đó, không phải mọi trẻ em đều phải cấp thẻ Căn cước mà chỉ có trẻ em từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước, riêng trẻ em dưới 14 tuổi thì cấp thẻ Căn cước nếu có nhu cầu.
Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công hay tại các bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả các huyện, thành phố, đội ngũ cán bộ thuộc lực lượng Công an luôn túc trực, sẵn sàng giải đáp các băn khoăn, thắc mắc của người dân, hướng dẫn người dân có thể đăng ký trực tuyến, thực hiện thủ tục tại nhà nếu trẻ ở độ tuổi từ 0 – dưới 6 tuổi.
Thiếu tá Lê Thị Thanh Tâm, cán bộ Đội Quản lý hành chính, Công an thành phố Ninh Bình cho biết: Triển khai các quy định mới của Luật Căn cước, Công an thành phố Ninh Bình đã đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức, trong đó có cuộc thi tìm hiểu Luật Căn cước. Qua đó giúp người dân nắm được các điểm mới như: độ tuổi, tên mới của thẻ, quy trình, thủ tục cấp…
Để phục vụ nhu cầu của người dân sẽ tăng cao sau ngày Luật Căn cước có hiệu lực, Công an thành phố đã tăng cường thêm cán bộ tham gia nhiệm vụ thực hiện các thủ tục cấp Căn cước cho công dân tại quầy số 12 ở bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thành phố. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn người dân biết cách tra cứu, làm thủ tục trực tuyến cho trẻ ở lứa tuổi từ 0 – dưới 6 tuổi.
Theo quy trình cấp Căn cước cho trẻ từ đủ 6 tuổi-dưới 14 tuổi, người đại diện hợp pháp gồm cha, mẹ, hoặc người giám hộ của trẻ em đưa trẻ đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ Căn cước. Người đại diện hợp pháp của người từ đủ 6 tuổi – dưới 14 tuổi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thay cho trẻ từ đủ 6 tuổi – dưới 14 tuổi phải mang theo CCCD, thẻ Căn cước. Đối với trẻ em từ 0-dưới 6 tuổi có thể làm thủ tục tại nhà qua các địa chỉ Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an. Cơ quan quản lý căn cước không thu nhận đặc điểm nhận dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới 6 tuổi. Trẻ em dưới 14 tuổi được miễn phí khi làm thẻ Căn cước. |
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh: Từ khi Luật Căn cước có hiệu lực 1/7 đến nay, toàn tỉnh đã có trên 600 trẻ em dưới 14 tuổi được làm thẻ Căn cước, trong đó tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh có gần 100 trẻ được cha mẹ đưa đến làm thẻ Căn cước.
Quy định cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi cũng mang nhiều ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của công dân, phát huy giá trị, tiện ích của thẻ Căn cước trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số.
Với kích thước nhỏ gọn, chất liệu tốt, tính bảo mật, bảo an cao, thẻ căn cước còn có thể được tích hợp thêm rất nhiều thông tin khác theo nhu cầu của công dân, sẽ mang lại nhiều tiện ích cho công dân trong việc đi lại, học tập, khám, chữa bệnh và thực hiện các giao dịch khác trong đời sống hàng ngày.
Việc cấp thẻ Căn cước lần đầu cho người dưới 14 tuổi là miễn phí, khi công dân thực hiện cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước thì mới phải nộp phí theo quy định.
Bài, ảnh: Bùi Diệu
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/ninh-binh-nhieu-tre-em-duoc-lam-the-can-cuoc/d2024072915469895.htm