Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Thời gian tới, Ninh Bình cần tiếp tục bám sát Quy hoạch, trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của tỉnh chú trọng phát triển du lịch, công nghiệp, nông nghiệp và bổ sung thêm kinh tế ven biển”. Đây là tầm nhìn có tính chiến lược, định hình phát triển cho nhiều giai đoạn sau này của tỉnh Ninh Bình. Trên cơ sở định hướng của đồng chí Tổng Bí thư, tỉnh Ninh Bình đã kiên định mục tiêu phát triển theo hướng “Xanh, Bền vững và Hài hòa” với 3 trụ cột kinh tế là: Du lịch, công nghiệp và nông nghiệp.
Ngày 20/1/2014, trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã về thăm và làm việc về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2010- 2015. Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư đánh giá cao sự phát triển của Ninh Bình, tỉnh đã khai thác tốt tiềm năng, nắm bắt thời cơ, tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, phát huy truyền thống, bứt phá vươn lên trở thành điểm sáng của khu vực đồng bằng Sông Hồng.
Tổng Bí thư đã lưu ý, gợi mở và có những chỉ đạo, định hướng quan trọng để Ninh Bình tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Trong đó, cần giải quyết tốt bài toàn phát triển du lịch hài hòa với phát triển công nghiệp, phát triển nông nghiệp nhanh, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm. Để làm được điều đó, cần bám sát quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt nhằm phát huy tối đa tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ; trong lĩnh vực công nghiệp cần chú trọng thu hút công nghệ sạch, công nghệ cao, đảm bảo môi trường sinh thái; đẩy mạnh phát triển kinh tế biển; chú trọng phát triển nông nghiệp chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến sau thu hoạch. Trong quá trình thực hiện cần tổng kết, đánh giá, bổ sung hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh cho phù hợp với điều kiện phát triển địa phương trong từng giai đoạn.
Thực hiện sự chỉ đạo, định hướng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, 10 năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND, UBND tỉnh qua các thời kỳ đã cụ thể hóa bằng các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động nhất quán quan điểm phát triển kiên định theo hướng “Xanh, Bền vững và Hài hòa” với 3 trụ cột tạo thành thế “chân kiềng” vững chắc. Đó là: Lấy du lịch và công nghiệp văn hóa làm mũi nhọn; công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại làm động lực cho phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao; nông nghiệp sinh thái, đa giá trị làm trụ đỡ. Đồng thời, triển khai các giải pháp tổng thể: Lấy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm đột phá; phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại; tăng trưởng kinh tế luôn gắn với phát triển văn hóa-xã hội, đảm bảo công bằng và tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; coi trọng phát triển văn hóa; tăng cường liên kết vùng và mở rộng hợp tác quốc tế. Từ đó, đưa Ninh Bình bứt phá, trở thành địa phương phát triển toàn diện, là tỉnh tự cân đối ngân sách; có thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố của cả nước; là điểm đến hấp dẫn của du khách và các nhà đầu tư.
Tròn 10 năm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm và làm việc với Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình cũng là tròn 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An của Ninh Bình được công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Thời gian qua, tỉnh đã chủ động xây dựng cơ chế chính sách để phát triển du lịch, từng bước đưa du lịch Ninh Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của vùng và cả nước, góp phần quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa của vùng đất, con người Cố đô Hoa Lư đến bạn bè trong nước và thế giới. Di sản Quần thể danh thắng Tràng An được Tổng Giám đốc UNESCO ghi nhận là một trong những mô hình mẫu mực, tiêu biểu nhất trên thế giới về sự kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững.
Nhiều năm liền, Ninh Bình giữ vững vị trí trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh thu hút lượng khách cao nhất cả nước. Năm 2023, toàn tỉnh đã đón trên 6,5 triệu lượt khách, gấp hơn 1,7 lần so với năm trước, đạt trên 123% kế hoạch đề ra. Doanh thu du lịch đạt trên 6.500 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ và đạt trên 156% so với kế hoạch. Những kết quả này đã góp phần quan trọng để Ninh Bình thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, đó là: Phát triển Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của vùng và cả nước, hướng tới đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Mục tiêu đến năm 2025, tổng thu du lịch đạt trên 8.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 6,5% GRDP của tỉnh. Đến năm 2030, tổng thu du lịch đạt 18.660 tỷ đồng, đóng góp khoảng 8% GRDP.
Nông nghiệp cũng dần khẳng định được vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế. Sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo hướng hữu cơ, tiên tiến, từng bước phục vụ du lịch theo hình thức xuất khẩu tại chỗ. Tỉnh đã phát huy các sản phẩm đặc trưng, mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo chuỗi giá trị gắn với vùng sản xuất, nâng cao giá trị trên diện tích canh tác. Hiện toàn tỉnh có 181 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao trở lên của 110 chủ thể. Trong giai đoạn này, Ninh Bình đang xây dựng NTM theo hướng nâng cao, kiểu mẫu, gắn xây dựng NTM với đô thị văn minh, hiện đại. Kết quả, đến nay, toàn tỉnh có 8/8 huyện, thành phố đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (đạt 100%). Huyện Yên Khánh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023; huyện Yên Mô đang hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định Trung ương thẩm định, Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao trong quý I năm 2025; 119/119 xã đạt chuẩn NTM (đạt 100%), 33/119 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 27,7%), 15/119 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt 12,6%)… Ninh Bình phấn đấu trở thành tỉnh NTM vào năm 2025.
Đối với công nghiệp, xác định lợi thế riêng có với chiến lược, quyết sách đúng đắn và những bước đi bài bài khoa học, đến nay, Ninh Bình đã hình thành và phát triển công nghiệp lắp ráp ô tô, công nghiệp phụ trợ ô tô, điện tử… với đầu tầu là Liên doanh ô tô Hyundai và Tập đoàn Thành Công, đưa Ninh Bình cùng tỉnh Quảng Nam và Vĩnh Phúc trở thành một trong ba trung tâm sản xuất ô tô lớn nhất cả nước. Những thành công của các dự án sản xuất ô tô Thành Công-Hyundai là kết quả của quan điểm, định hướng đúng đắn và sự kiên định trong phát triển công nghiệp của tỉnh, từ đó đã tạo nên làn sóng đầu tư của hàng loạt các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô đầu tư tại tỉnh Ninh Bình. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 93 dự án FDI, với tổng mức đầu tư 1.578,82 triệu USD. Giá trị sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh Ninh Bình đã tập trung các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng. Trong năm 2023, tỉnh đã triển khai và đưa vào khai thác sử dụng nhiều công trình dự án quan trọng, có vai trò chiến lược, có sức lan tỏa cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, của vùng. Trong đó phải kể đến các công trình, dự án lớn như: Cao tốc đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường ĐT.482 kết nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 10 và kết nối Quốc lộ 10 với Quốc lộ 12B; Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển, đoạn qua tỉnh Ninh Bình, giai đoạn I và giai đoạn II; Dự án xây dựng tuyến đường Đông-Tây, tỉnh Ninh Bình giai đoạn I… Thời gian tới, Ninh Bình tiếp tục khởi công các dự án: Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Ninh Bình Hải Phòng đoạn qua tỉnh Ninh Bình; Dự án mở rộng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Cao Bồ-Mai Sơn…
Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư “Trong quá trình thực hiện cần tổng kết, đánh giá, bổ sung hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh cho phù hợp với điều kiện phát triển địa phương trong từng giai đoạn”, ngày 04 tháng 3 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 218/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch tỉnh Ninh Bình đã bảo đảm thống nhất, phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả nước giai đoạn 2021-2030, Quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, Quy hoạch vùng đồng bằng Sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch tỉnh Ninh Bình mở ra một giai đoạn mới với tầm nhìn và khát vọng về một Thành phố sáng tạo mang đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ. Từng bước tháo gỡ những điểm nghẽn, giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa; giữa bảo tồn, giữ gìn truyền thống và phát huy các giá trị di sản; giữa phát triển Đô thị di sản thiên niên kỷ và phát triển thành phố trực thuộc Trung ương.
Với tư duy chiến lược của nhà lãnh đạo Đảng xuất sắc, với bản lĩnh, quan điểm, lập trường kiên định, nhất quán, tinh thần chiến đấu cách mạng không ngừng nghỉ của người chiến sĩ cộng sản, những chỉ đạo, gợi mở của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với Ninh Bình sẽ mãi là định hướng cho sự phát triển của tỉnh trong những giai đoạn tiếp theo.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi đã để lại tình yêu thương, kính trọng và tiếc nuối khôn nguôi với bao thế hệ người dân Việt Nam nói chung và người dân Ninh Bình nói riêng. Khắc ghi những lời dạy của đồng chí Tổng Bí thư, Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân trong tỉnh sẽ tiếp tục chung sức, đồng lòng, quyết tâm thực hiện với khát vọng lớn là xây dựng Ninh Bình đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo. Đó cũng chính là mong muốn, kỳ vọng và tình cảm thân thương mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành cho Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình.
Nguyễn Thơm
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/thuc-hien-chi-dao-dinh-huong-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu/d20240723081011112.htm