Một nửa chặng đường thời gian của năm 2024-năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc về đích, giữ vai trò then chốt, quyết định đối với việc hoàn thành các mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đã đi qua.
Nhìn lại bức tranh kinh tế của tỉnh Ninh Bình 6 tháng đầu năm, chúng ta thấy những kết quả ấn tượng, đáng ghi nhận. Trong điều kiện khó khăn, thách thức không hề giảm, thậm chí có những lúc, những mặt còn nhiều hơn, song, kinh tế của tỉnh ta đã và đang tiếp tục có sự phục hồi và phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 8,19%, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và xếp thứ 6/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng Sông Hồng.
Một số kết quả cụ thể nổi bật của nền kinh tế là cả ba khu vực đều có sự tăng trưởng, trong đó: công nghiệp-xây dựng tăng 10,45%, (riêng công nghiệp tăng 11,02% so với cùng kỳ năm trước); nông nghiệp tăng 2,75% và khu vực thương mại, dịch vụ tăng 9,43%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 1.694 triệu USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ, đạt 52,1% kế hoạch năm. Tổng giá trị nhập khẩu ước đạt 1.567,4 triệu USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ, đạt 48,9% kế hoạch năm.
Lĩnh vực du lịch, dịch vụ phục hồi nhanh và phát triển mạnh mẽ. 6 tháng đầu năm toàn tỉnh đón 6,28 triệu lượt khách, tăng 38,5% so với cùng kỳ, đạt 83,7% kế hoạch năm. Doanh thu tăng 54,2% so với cùng kỳ năm trước và đạt 72% kế hoạch năm. Đặc biệt, Ninh Bình được bình chọn vào “Top 10 trải nghiệm cuốn hút nhất năm 2024” do TripAdvisor (Mỹ) công bố. Tổng mức bán lẻ hàng hóa trên thị trường toàn tỉnh tăng 26,3% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 4,51% so với cùng kỳ.
Hoạt động tài chính, ngân hàng có chuyển biến tích cực. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm đạt 7.968 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ, đạt 42,8% dự toán. Tổng chi ngân sách địa phương giảm 9,1% so với cùng kỳ, đạt 49,1% dự toán. Tổng nguồn vốn huy động đạt 75.992 tỷ đồng, tăng 6,9%; tổng dư nợ cho vay ước đạt 117.659 tỷ đồng, tăng 1,6%.
Đầu tư phát triển toàn xã hội đạt kết quả tích cực. Tổng vốn đầu tư phát triển 6 tháng đầu năm đạt gần 15,3 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ và đạt 46,3% kế hoạch năm. Tổng số vốn đầu tư công đã giải ngân tính đến hết ngày 30/6/2024 đạt 34,6% kế hoạch Thủ tướng giao và tỉnh Ninh Bình xếp thứ 27/63 tỉnh thành phố về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.
Công tác thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu cho 13 dự án, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho 55 lượt dự án với tổng vốn đăng ký là 3.229 tỷ đồng, tăng gấp 2,7 lần so với cùng kỳ. Hoạt động đăng ký doanh nghiệp có nhiều khởi sắc, toàn tỉnh đăng ký thành lập mới 644 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký đạt 4.763 tỷ đồng; số doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 10,7% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường giảm 51,5% so với cùng kỳ.
6 tháng cuối năm 2024, nền kinh tế của Ninh Bình dự báo vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Sản xuất công nghiệp tiếp tục bị ảnh hưởng của tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực; một số sản phẩm chủ lực của tỉnh tiêu thụ chậm… Sản xuất nông nghiệp bước vào mùa mưa, bão, lũ lụt, dịch bệnh… Lĩnh vực du lịch, dịch vụ đang ở giai đoạn thấp điểm…. Những khó khăn này còn kéo dài và sẽ tác động không nhỏ đến việc phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Song, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trên cơ sở đánh giá và dự báo tình hình đã đề ra chủ trương quyết tâm phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt 8% trở lên (chỉ tiêu đề ra là 7,6%). Đây là một thách thức lớn cho Ninh Bình nhưng khi thực hiện thành công sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu của cả nhiệm kỳ 2020-2025.
Để hoàn thành chỉ tiêu đề ra, UBND tỉnh đã đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, tập trung chỉ đạo, điều hành thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với nâng cao chất lượng tăng trưởng. Những nhiệm vụ, giải pháp này sẽ được triển khai cụ thể, đồng bộ trong thời gian tới nhằm phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu đề ra. Vấn đề cần khẳng định là tỉnh ta triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh có những yếu tố thuận lợi cơ bản và có niềm tin hoàn thành thắng lợi chỉ tiêu. Đó là, tỉnh Ninh Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch và đã tổ chức công bố, xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thời gian gần đây, Ninh Bình đã và đang có bước chuyển mạnh mẽ, với hướng đi mới, quyết tâm cao là đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, cơ bản đạt các tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương và đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng là Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo. Chủ trương lớn đó có sự đoàn kết, đồng thuận ủng hộ của tuyệt đại bộ phận cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân… tạo thành nguồn nội lực quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội.
Từ thực tiễn những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, nhất là việc xác định rõ mục tiêu, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, với phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm” của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.
Cùng với đó là việc thực hiện có hiệu quả chủ đề công tác năm của Tỉnh ủy là “Giữ vững kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả thực chất”, nhất định năm 2024, Ninh Bình sẽ hoàn thành thắng lợi mục tiêu GRDP tăng 8% trở lên, làm tiền đề, cơ sở cho việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025 và hướng tới thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Nguyễn Đông
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/phan-dau-hoan-thanh-chi-tieu-grdp-nam-2024-dat-8-tro-len/d20240712082358207.htm