Chiều 25/6, Đoàn công tác thành viên Chính phủ do đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Ninh Bình về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.
Tham gia Đoàn công tác có đại diện một số bộ, ban, ngành Trung ương.
Tiếp và làm việc với Đoàn về phía tỉnh Ninh Bình có các đồng chí: Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và một số huyện, thành phố liên quan.
Đoàn đã kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh tại Nhà máy xi măng Tam Điệp. Theo báo cáo của lãnh đạo doanh nghiệp: Dự án Nhà máy xi măng Tam Điệp đã đi vào hoạt động từ năm 2004. Năm 2023, doanh thu dự án đạt 1.215,9 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 26,4 triệu USD, nộp ngân sách 16,65 tỷ đồng; sử dụng 618 lao động, mức lương bình quân đạt 12 triệu đồng/người/tháng. 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu ước đạt 712,7 tỷ đồng (tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2023); giá trị xuất khẩu ước đạt 13 triệu USD, nộp ngân sách ước đạt 7,8 tỷ đồng;mức lương bình quân đạt 12 triệu đồng/người/tháng.
Với tình hình biến động chung của nền kinh tế thế giới cũng như trong nước nên hiện nay Công ty đang gặp một số khó khăn về tiêu thụ sản phẩm; xi măng xuất khẩu cạnh tranh khốc liệt dẫn đến giá xuất khẩu giảm sâu; thực trạng cung vượt cầu lớn, tồn kho tăng cao; giá các nguyên liệu đầu vào tăng cao như than, điện… Tuy nhiên, giá tiêu thụ sản phẩm lại sụt giảm, do vậy ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống của người lao động.
Cũng trong buổi kiểm tra của Đoàn công tác, đại diện doanh nghiệp cũng đã kiến nghị, đề xuất một số biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhà ở nhằm tăng nhu cầu xi măng trong nước; xem xét, điều hành việc cấp xây mới, mở rộng các dây chuyền tại khu vực, vùng miền đã có mật độ dây chuyền sản xuất xi măng lớn hoặc nằm xa vùng nguyên liệu; có các giải pháp ổn định giá cả, nguồn cung vật liệu xây dựng nhằm kích cầu thị trường xi măng trong nước; tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận các nguồn nguyên liệu sản xuất hợp lý…
Ngoài ra, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ có giải pháp để doanh nghiệp được thụ hưởng các chính sách về thuế, xuất khẩu, hỗ trợ giảm lãi suất vay, hướng dẫn Công ty để thực hiện hạch toán một số tài sản gắn liền với đất đã được chuyển giao về địa phương…
Tại Nhà máy kính CFG (Công ty TNHH Kính nổi Hạ Long – CFG) thuộc Khu công nghiệp Khánh Cư, huyện Yên Khánh, Đoàn công tác của Chính phủ đã kiểm tra thực tế sản xuất và nghe báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo đó, Dự án đã đi vào hoạt động từ năm 2017. Năm 2023, doanh thu dự án đạt 2.495 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 4,2 triệu USD, nộp ngân sách 21,15 tỷ đồng; sử dụng 836 lao động, mức lương bình quân đạt 8,7 triệu đồng/người/tháng. 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu ước đạt 1.208 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023; nộp ngân sách ước đạt 26,3 tỷ đồng.
Công ty đang gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, chi phí sản xuất tăng, giá thành các nguyên liệu đầu vào sản xuất cao. Ngoài ra, sản phẩm kính sản xuất trong nước phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm kính nhập khẩu, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á (thuế suất 0%) và Việt Nam không có hàng rào kỹ thuật để giảm sự cạnh tranh của nước ngoài.
Doanh nghiệp mong muốn Đoàn công tác và UBND tỉnh Ninh Bình xem xét, sớm có biện pháp và phương án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ có những chính sách kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ổn định sản xuất, kinh doanh và đời sống người lao động.
Sau khi kiểm tra thực tế tại 2 doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng của tỉnh Ninh Bình, đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã đánh giá cao sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh cũng như đảm bảo đời sống ổn định của người lao động. Tuy nhiên, qua nắm bắt thực tế, đồng chí cũng nhận thấy tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân do khách quan ảnh hưởng bởi thị trường trong và ngoài nước.
Đồng chí mong rằng các doanh nghiệp tiếp tục đoàn kết, nỗ lực hơn nữa để có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, mở rộng thị trưởng tiêu thụ.
Đối với những kiến nghị của doanh nghiệp, đồng chí Bộ trưởng ghi nhận và sẽ báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có giải pháp tổng thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên cả nước nói chung và các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu và vật liệu xây dựng nói riêng.
Nguyễn Thơm -Anh Tuấn
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/doan-cong-tac-thanh-vien-chinh-phu-kiem-tra-tinh-hinh-san/d20240625164138961.htm