Sáng 25/6, Ban Pháp chế (HĐND tỉnh) tổ chức Đoàn giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XV tại Sở Thông tin và Truyền thông.
Trước kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XV, trong số các ý kiến, kiến nghị của cử tri toàn tỉnh có 2 nội dung liên quan đến thẩm quyền của Sở Thông tin và Truyền thông. Trong đó, cử tri thành phố Ninh Bình nêu ý kiến về việc gặp khó khăn trong nộp hồ sơ trực tuyến 2 nhóm Dịch vụ công liên thông.
Về vấn đề này, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, trước đây một số trường hợp người dân không có số điện thoại chính chủ, chưa có Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân hoặc chưa đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử VneID sẽ không tạo được tài khoản, đăng nhập để nộp hồ sơ vào hệ thống Dịch vụ công liên thông. Bên cạnh đó, phần mềm Dịch vụ công liên thông có thời điểm bị quá tải, nghẽn mạng, không nộp được hồ sơ…
Để kịp thời giải quyết kiến nghị của cử tri, thời gian qua, Sở đã ban hành nhiều văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát trang thiết bị đầu cuối phục vụ dịch vụ công thiết yếu; phối hợp với Sở Tư pháp trong công tác hướng dẫn, tập huấn cho đội ngũ cán bộ Tư pháp cấp huyện, cấp xã… Đặc biệt là tích cực phối hợp với Công an tỉnh phát động cao điểm “50 ngày, đêm” tuyên truyền cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân. Tính đến ngày 20/6/2024, toàn tỉnh đã có trên 598 nghìn tài khoản VneID kích hoạt mức độ 2, đạt tỷ lệ 71,2%; tiếp nhận và giải quyết hơn 16 nghìn hồ sơ 2 nhóm Dịch vụ công liên thông, 100% xã, phường trên địa bàn tỉnh đã phát sinh hồ sơ.
Hiện nay, Sở đang tích cực phối hợp với Viễn thông Ninh Bình, các cơ quan liên quan tích hợp, kết nối Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với hệ thống của các bộ, ngành có liên quan theo mô hình mới từ ngày 1/7/2024, giúp tăng tính đồng bộ, hiệu quả trong việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đối với 2 nhóm Dịch vụ công liên thông.
Trong thời gian tới, Sở sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng, trang thiết bị; tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng tài khoản VneID để đăng nhập thực hiện giải quyết thủ tục hành chính; thường xuyên theo dõi, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của người dân, Bộ phận một cửa các cấp gặp phải trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
Đối với ý kiến của cử tri huyện Yên Mô về tình trạng phóng viên của một số tờ báo, tạp chí về cơ sở đề nghị viết bài quảng bá, giới thiệu hình ảnh địa phương quá nhiều, gây phiền hà: Sở đã phối hợp với UBND huyện Yên Mô chỉ đạo UBND xã Yên Hòa (đơn vị có cử tri nêu ý kiến) rà soát, cung cấp thông tin, danh sách cụ thể phóng viên của các báo, tạp chí đã về cơ sở đề nghị viết bài. Sau khi rà soát từ đầu năm 2024 đến nay không còn tình trạng trên.
Bên cạnh đó, Sở cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tích cực nghiên cứu, thực hiện theo các văn bản hướng dẫn việc phát ngôn, tiếp xúc và cung cấp thông tin báo chí đã được Sở ban hành. Qua đó đảm bảo công tác thông tin, tuyên truyền đạt hiệu quả, nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan báo chí chính thống tác nghiệp.
Qua nghe báo cáo và trao đổi, thảo luận tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đánh giá cao sự tích cực, chủ động của Sở Thông tin và Truyền thông trong việc tiếp nhận, giải quyết các vấn đề được cử tri kiến nghị.
Đồng thời đề nghị Sở tiếp tục quan tâm, hoàn thành việc tích hợp, kết nối Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với hệ thống của các bộ, ngành có liên quan theo mô hình mới; đảm bảo việc vận hành hiệu quả từ ngày 1/7/2024, tạo thuận lợi cho người dân trong việc giải quyết thủ tục hành chính đối với 2 nhóm Dịch vụ công liên thông.
Đề nghị Sở tăng cường công tác quản lý Nhà nước về báo chí, đảm bảo thực hiện nghiêm Luật Báo chí trên địa bàn tỉnh; kiên quyết xử lý các trường hợp lợi dụng danh nghĩa báo chí để hoạt động trái pháp luật.
Thái Học-Đức Lam-Anh Tú
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/giam-sat-viec-giai-quyet-cac-y-kien-kien-nghi-cua-cu-tri-tai/d202406251153489.htm