Chiều 20/6, Hội thảo Khoa học “Quản lý và phát triển thành phố di sản Cố đô sở hữu danh hiệu UNESCO-Nhận thức lý luận, kiến tạo thể chế và hành động địa phương” tiếp tục thảo luận với chuyên đề “Nhận thức lý luận”. Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cùng điều hành chuyên đề.
Tại chuyên đề này, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn trình bày tham luận “Định hướng Chiến lược bảo tồn, chỉnh trang và phát triển thành phố Hoa Lư tương lai”. TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng: Thách thức hiện nay của Ninh Bình là làm sao để đảm bảo sự hài hòa giữa chỉnh trang, phát triển và bảo tồn; đồng thời gợi ý 5 định hướng chiến lược để phát triển thành phố Hoa Lư tương lai, đó là: Triển khai các dự án bảo tồn, chỉnh trang và phát triển phù hợp với các cam kết Bảo tồn di sản thế giới theo các tiêu chí UNESCO; Tham gia mạng lưới đô thị sáng tạo theo các tiêu chí UNESCO Creative Cities; Bổ sung các tiện ích hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phục vụ cho nhu cầu cộng đồng và nhu cầu phát triển du lịch; Kết nối và hợp tác vùng với Vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, Vùng Bắc Trung bộ; Tổ chức không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan phù hợp với các hoạt động đa dạng để đưa di sản vào cuộc sống.
TS. Vũ Việt Anh, Trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh tham luận về nội dung: Hình thái đô thị Ninh Bình tiếp cận “Landscape Urbanism”.Ông cho rằng, gốc rễ của Landscape Urbanism dựa trên lập luận rằng cảnh quan chính là thành tố hạ tầng thiết yếu để cấu thành nên đô thị cũng như chất lượng phát triển lành mạnh bền vững của đô thị đó, thay vì những hạ tầng kỹ thuật nhân tạo như đường sá và công trình như cách thông thường. Nói cách khác, cảnh quan sẽ thay thế kiến trúc để trở thành bảng chữ cái, từ vựng cơ bản cho việc kiến thiết các nơi chốn dân cư.
Thực tế, Ninh Bình phần “đô” của Hoa Lư xưa và “thị” của Ninh Bình nay đều có nền tảng cấu tứ từ gốc rễ từ “Cảnh quan”, vì thế, TS. Vũ Việt Anh đề xuất một số ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị mà ở đó lấy cảnh quan làm động lực. Đó là: Trục đô thị song song với núi, vuông góc với sông; xây dựng mạng lưới không gian mở với mặt nền cây nông nghiệp và mảng xanh tự nhiên làm hệ tuyến trục động lực phát triển kiến trúc đô thị; kế truyền cấu trúc khu dân cư dọc theo kênh nước, hướng về sông rộng, biển lớn, hoặc bám theo chân đồi trong, vây quanh thung lũng; duy trì cấu trúc mạng lưới lô đất nhỏ nhuyễn, đan cài với không gian xanh, hạn chế cấu trúc lô đất lớn, tỷ xích công trình quá đồ sộ so với con người; đặc biệt, khuyến khích sáng tạo kiến trúc bản địa mới, thân thiện với thiên nhiên để tạo lập đô thị Ninh Bình có giá trị bản sắc thời đại.
Cũng trong khuôn khổ nội dung chuyên đề 2, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục thảo luận bàn tròn làm rõ hơn định nghĩa “đô thị di sản”, phân tích những mâu thuẫn trong quá trình phát triển, từ đó đưa ra những định hướng để xây dựng thành phố Hoa Lư trong tương lai trở thành một đô thị đặc sắc, phải tạo ra một đô thị chuyển hóa mềm, nép vào thiên nhiên, tách ra khỏi xu hướng phát triển đô thị thông thường.
Trao đổi tại phiên thảo luận chuyên đề, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trân trọng cảm ơn và tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia tại Hội thảo Khoa học “Quản lý và phát triển thành phố di sản Cố đô sở hữu danh hiệu UNESCO – Nhận thức lý luận, kiến tạo thể chế và hành động địa phương”. Đồng chí nhấn mạnh, thời gian qua, Ninh Bình đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo quan trọng nhằm bổ sung những luận cứ khoa học làm sáng tỏ hơn những lợi thế nổi trội, riêng có để hoạch định những chiến lược dài hạn cho Ninh Bình phát triển.
Các ý kiến, đề xuất của các nhà khoa học trong các phiên thảo luận chuyên sâu đã giúp cho tỉnh Ninh Bình hiểu rõ hơn khái niệm về đô thị dựa vào thiên nhiên, giống như đô thị dung hòa với nông thôn, đây cũng chính là triết lý mà Ninh Bình đang theo đuổi. Đồng thời, tỉnh cũng nhìn nhận rõ hơn những thách thức, lợi thế cạnh tranh trong tiến trình thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ; việc lựa chọn phương thức tiếp cận hiệu quả khi thực thi chính sách; đồng thời xác định rõ hơn vị trí, vai trò của Ninh Bình trong tiến trình phát triển của quốc gia, từ đó nhận thức rõ mục tiêu xây dựng Hoa Lư trở thành Thành phố di sản thiên niên kỷ là nhiệm vụ mang yếu tố lịch sử, là trách nhiệm với quốc gia và dân tộc.
Nhóm PV
⇒ Khai mạc Hội thảo Khoa học “Quản lý và phát triển thành phố di sản Cố đô sở hữu danh hiệu UNESCO – Nhận thức lý luận, kiến tạo thể chế và hành động địa phương”
⇒ Chuyên đề “Quản lý và phát triển thành phố di sản Cố đô sở hữu danh hiệu UNESCO”
⇒ Chuyên đề “Kiến tạo thể chế” và “Hành động địa phương” tại Hội thảo khoa học
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/chuyen-de-nhan-thuc-ly-luan-tai-hoi-thao-khoa-hoc/d20240620155048947.htm