Powered by Techcity

Lấy ý kiến các dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai

Sáng 11/6, đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố để lấy ý kiến vào Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai.

Lấy ý kiến các dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

Tại điểm cầu Ninh Bình, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Cao Sơn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, các huyện, thành phố.

Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm: Các nội dung chung và nội dung chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở; các trường hợp khác được bồi thường về đất và điều kiện được bồi thường về đất. 

Đối tượng áp dụng bao gồm: đối tượng được hỗ trợ ổn định đời sống; đối tượng được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm; việc bố trí tái định cư cho người tự nguyện tặng, cho Nhà nước quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án giao thông, thủy lợi, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội…

Sau khi nghiên cứu dự thảo Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và dự thảo Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, tỉnh Ninh Bình cũng đã có văn bản góp ý về một số nội dung như: Đề nghị cơ quan soạn thảo Luật xem xét đối với khoản 1, điều 4 để đảm bảo sự thống nhất trong quản lý giá đất; Cần có quy định rõ trường hợp áp dụng tính giá trị hiện có của nhà, công trình xây dựng bị thiệt hại; Quy định rõ vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được xác định theo quy định về vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hay theo quy định của pháp luật về đầu tư? 

Làm rõ quan điểm về đất cơ sở y tế khác và đất cơ sở giáo dục và đào tạo khác cho phép hoạt động là những cơ sở như thế nào vì liên quan đến việc xác định các trường hợp thu hồi đất theo Điều 79 Luật Đất đai năm 2024; Cần có quy định cụ thể hơn đảm bảo thực hiện thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 136 Luật Đất đai năm 2024; Nghị định cũng cần quy định rõ diện tích các loại đất xác định theo nhu cầu cấp tỉnh và diện tích các loại đất xác định theo nhu cầu cấp huyện là không được vượt tổng chỉ tiêu sử dụng đất của các nhóm đất chính đã được phân bổ. Tại thời điểm này, Luật Đất đai năm 2024 chưa có hiệu lực thi hành thì đối với các tỉnh được phê duyệt Quy hoạch tỉnh nhưng kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh chưa được phê duyệt thì thực hiện như thế nào, đề nghị quy định cụ thể để các tỉnh thực hiện?…

Tại hội nghị, các đại biểu đã cho ý kiến về các nội dung chung và nội dung chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; Quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai.

Theo đó, việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, trường hợp không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trường hợp người có đất thu hồi được bồi thường bằng đất, bằng nhà ở mà có nhu cầu được bồi thường bằng tiền thì được bồi thường bằng tiền theo nguyện vọng đã đăng ký khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. 

Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản để tạo điều kiện cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản có việc làm, có thu nhập, ổn định đời sống, sản xuất. Khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất thu hồi. Khu tái định cư có thể bố trí cho một hoặc nhiều dự án…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu rõ: Luật Đất đai năm 2024 có nhiều chủ trương, chính sách mới, đột phá. Mong muốn chung của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân là sớm đưa Luật Đất đai vào cuộc sống. Đối với quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là chính sách quan trọng nhằm bảo đảm công bằng, an sinh xã hội. Người dân được tham gia, hưởng lợi trong quá trình phát triển, hài hòa lợi ích của các bên khi thực hiện dự án. 

Phó Thủ tướng cũng đề nghị, những ý kiến của các Bộ, ngành nêu ra, cơ quan soạn thảo tổng hợp, hoàn thiện báo cáo để xin ý kiến các cấp, các ngành xem xét. Các ý kiến đóng góp cần chuyên sâu, bảo đảm khi thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế ở các địa phương và bảo đảm quyền lợi của người dân. Căn cứ vào ý kiến của các ngành và địa phương, Ban soạn thảo của Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp ý kiến để trình các cấp có thẩm quyền xem xét.

*Chiều 11/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương góp ý kiến vào Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về giá đất; Dự thảo Nghị định quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Lấy ý kiến các dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

 

Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố.

Dự thảo Nghị định quy định về giá đất có 6 chương, 39 điều, trong đó quy định về phương pháp định giá đất tại Điều 158; xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất quy định tại Điều 159; định giá đất cụ thể quy định tại Điều 160; điều kiện hành nghề tư vấn xác định giá đất quy định tại điểm b khoản 3 Điều 162; áp dụng phương pháp định giá đất của các trường hợp chuyển tiếp quy định tại khoản 2 Điều 257 Luật Đất đai. Nghị định quy định đối tượng áp dụng là cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đất đai; cơ quan có chức năng xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, thẩm định, quyết định bảng giá đất; cơ quan, người có thẩm quyền xác định, thẩm định, quyết định giá đất cụ thể; tổ chức tư vấn xác định giá đất, cá nhân hành nghề tư vấn xác định giá đất; tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Dự thảo Nghị định quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất gồm 5 chương, 54 điều, quy định nhiều nội dung như: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; quy định về tính, thu, nộp tiền sử dụng đất; quy định về tính, thu, nộp tiền thuê đất; quy định về trách nhiệm của cơ quan, người sử dụng đất; quy định về điều khoản thi hành.

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp tập trung thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau tại dự thảo các Nghị định này.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc xây dựng Nghị định quy định về giá đất; Nghị định quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là những nội dung quan trọng liên quan trực tiếp đến nhiều đối tượng, nhất là người dân và doanh nghiệp. 

Do đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, nghiêm túc tiếp thu, tổng hợp đầy đủ những ý kiến thảo luận của các đại biểu tại hội nghị; chỉnh sửa bảo đảm chi tiết, đầy đủ, đồng bộ và thống nhất với Luật Đất đai năm 2024, cũng như hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; đồng thời bảo đảm tính kế thừa, ổn định, phát triển hệ thống pháp luật về đất đai; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đơn vị liên quan và các địa phương để hoàn thiện Nghị định trình Chính phủ.

Nguyễn Thơm-Anh Tuấn

Nguồn

Cùng chủ đề

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tin nổi bật

Tin mới nhất