Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết: Theo Chương trình Kỳ họp thứ 7, bắt đầu từ sáng ngày 4/6, Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn, thời gian trong 2,5 ngày. Hoạt động chất vấn tại kỳ họp này tiếp tục được thực hiện theo đúng quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn thuộc trách nhiệm của 4 Bộ trưởng, Trưởng ngành gồm: Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng Kiểm toán Nhà nước. Cùng tham gia giải trình có các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực và các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Chính phủ đã phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà sẽ thay mặt Chính phủ, làm rõ các vấn đề có liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vào cuối phiên chất vấn. Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn vào cuối Kỳ họp, đây là cơ sở để các cơ quan triển khai thực hiện và cũng là cơ sở để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội giám sát.
Phiên chất vấn tiếp tục tiến hành theo cách thức “hỏi nhanh, đáp gọn”. Theo đó, người trả lời chất vấn có thời gian không quá 5 phút phát biểu về vấn đề thuộc lĩnh vực chất vấn trước khi Quốc hội tiến hành chất vấn; mỗi lượt Chủ tọa phiên họp sẽ mời 3 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, mỗi đại biểu Quốc hội nêu chất vấn không quá 1 phút; tranh luận không quá 2 phút; thời gian trả lời không quá 3 phút cho mỗi câu hỏi.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tin tưởng rằng, với trí tuệ, tinh thần trách nhiệm cao, kinh nghiệm thực tiễn công tác, trình độ chuyên môn sâu và tình hình thực tế ở các địa phương, cơ sở, cùng với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra sôi nổi, trên tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao, có nhiều thông tin phản ánh thực trạng tình hình, có nhiều đề xuất, kiến nghị, hiến kế cho Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành trong công tác chỉ đạo, điều hành, khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thực tế; tiếp tục đưa hoạt động chất vấn ngày càng trở thành điểm nhấn quan trọng của kỳ họp, đáp ứng sự mong đợi của cử tri, Nhân dân cả nước và yêu cầu của các vị đại biểu Quốc hội.
Sau phát biểu khai mạc, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã trả lời đại biểu Quốc hội về các nhóm vấn đề: Việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước; giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên, khoáng sản quý hiếm.
*Buổi chiều, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực công thương. Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đăng đàn trả lời chất vấn.
Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) nêu vấn đề: Thương mại điện tử xuyên biên giới đang mở ra nhiều cơ hội cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt. Tuy nhiên, đối với người tiêu dùng Việt, thương mại điện tử xuyên biên giới vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lừa đảo, nhận hàng kém chất lượng, rủi ro trong vấn đề thanh toán. Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam, ngoài việc phải đối mặt với khó khăn trong khâu logictics quốc tế thì hiện vẫn còn loay hoay vì nhiều khó khăn về ngôn ngữ, khác biệt văn hóa cũng như thanh toán quốc tế. Do vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ có giải pháp gì trong quản lý để quản trị tốt rủi ro bảo vệ người tiêu dùng Việt trong Thương mại điện tử xuyên biên giới, từ đó góp phần thúc đẩy Thương mại điện tử xuyên biên giới bền vững?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: Thương mại điện tử xuyên biên giới là xu thế phổ biến, tất yếu. Để giảm các rủi ro, Bộ Công Thương đã khuyến nghị các doanh nghiệp và người dân sản xuất trong nước cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Đẩy mạnh triển khai cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt trên môi trường điện tử và thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu trực tuyến. Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ để tránh hàng giả, hàng kém chất lượng nhập khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới, nhất là huy động lực lượng quản lý thị trường trên cả nước vào cuộc.
Thời gian tới, Bộ Công Thương cũng dự kiến trình Chính phủ ban hành quy định, nghị định về quản lý hải quan với hoạt động xuất, nhập khẩu qua thương mại biên giới. Theo đó, sẽ tách bạch giữa hàng hóa thông thường với hàng hóa thương mại điện tử; bỏ quy định về miễn thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng có giá trị nhỏ để kiểm soát chặt chẽ, đồng thời chống thất thu nguồn thuế; có cơ chế, chính sách khuyến khích và ràng buộc các doanh nghiệp, người sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng xuất khẩu trực tuyến qua biên giới, Bộ Công Thương sẽ đề xuất Chính phủ có chính sách ưu đãi về tín dụng, về thuế cho doanh nghiệp để xây dựng các kho bãi, các trung tâm logistics ở vùng biên giới.
Đối với các địa phương, Bộ cũng khuyến cáo dành quỹ đất và có sự hỗ trợ về hạ tầng cũng như công tác đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ tiếp cận công nghệ thông qua các đề tài khoa học để các doanh nghiệp hội nhập tốt hơn. Khuyến khách các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm và chú trọng xây dựng thương hiệu, bao bì nhãn mác sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của các nước.
Cùng tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, đại biểu Mai Khanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho rằng hiện nay, Bộ Công Thương đang công khai các website bị phản ánh về việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên cổng thông tin hoạt động thương mại điện tử. Vậy, việc công khai này có vô tình tiếp tay cho hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không? Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ đang thực hiện cơ chế nào để xác minh thông tin trước khi công khai?
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Mai Khanh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Để tăng cường quản lý hướng dẫn hỗ trợ người tiêu dùng, Bộ đã công khai danh sách các website thương mại điện tử về phản ánh việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Về lo ngại lợi dụng biện pháp này để cạnh tranh không lành mạnh theo như ý kiến của đại biểu Mai Khanh, Bộ trưởng khẳng định Bộ thực hiện quy trình tiếp nhận, công khai thông tin rất chặt chẽ với các yêu cầu cụ thể…
Các nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên sẽ tiếp tục vào đầu phiên họp buổi sáng ngày 5/6.
Minh Ngọc – Thanh Thủy