Sau chặng đường dài nỗ lực, ngày 04/3/2024, Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 218/QĐ-TTg. Đây là kết quả của quyết tâm chính trị cao, thể hiện khát vọng to lớn của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, theo đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, cực tăng trưởng khu vực các tỉnh phía Nam đồng bằng Sông Hồng, dựa trên thế mạnh nổi trội, đặc trưng, độc đáo, duy nhất của vùng đất Cố đô Hoa Lư ngàn năm văn hiến.
Di sản khơi nguồn
Ninh Bình-vùng đất được ban tặng nhiều danh lam, thắng cảnh, kỳ quan thiên nhiên đặc sắc. Nơi đây, từng ghi dấu ấn từ hàng vạn năm trước, tổ tiên xa xưa chọn là nơi cư trú, thích ứng linh hoạt với biến động môi trường sống tạo nên một dạng thức văn hóa độc đáo thời tiền-sơ sử, làm tiền đề để Cố đô Hoa Lư được chọn làm Kinh đô của Nhà nước Đại Cồ Việt trong 42 năm, thời Nhà Đinh-Tiền Lê và những năm đầu Nhà Lý. Tất cả các yếu tố đặc sắc về thiên nhiên, văn hóa và lịch sử đã kết tinh thành quần thể Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An với những giá trị nổi bật toàn cầu, được UNESCO ghi danh vào năm 2014. Di sản Tràng An trở thành di sản kép đầu tiên ở Việt Nam và Đông Nam Á, tạo cơ hội và động lực mới để Ninh Bình thực hiện mô hình phát triển gắn kết hài hòa giữa phục dựng, bảo tồn di sản và tăng trưởng xanh, hội nhập vào mạng lưới các đô thị di sản sở hữu danh hiệu UNESCO trên thế giới.
Kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã giao nhiệm vụ cho Ninh Bình phải kiên định với những “khát vọng”, những mục tiêu lớn. Quyết tâm phấn đấu phát triển tỉnh Ninh Bình trở thành một trong những trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ngang tầm các đô thị di sản, thành phố sáng tạo trên thế giới; có bản sắc riêng, có vị thế, giá trị thương hiệu cao trong mạng lưới thành phố di sản sở hữu danh hiệu UNESCO.
Nhận diện những tiềm năng thế mạnh riêng có của mình, tại Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã có định hướng chiến lược, tầm nhìn dài hạn và khát vọng tương laiđó là biến di sản thành tài sản, nguồn lực, động lực để phát triển tỉnh Ninh Bình trong bối cảnh mới. Quan điểm xuyên suốt bao trùm được đề ra trong Quy hoạch tỉnh, đó là: Tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững, với mô hình phát triển “xanh”, lấy du lịch và công nghiệp văn hóa làm mũi nhọn, lấy công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại và các ngành công nghiệp công nghệ cao làm động lực, công nghiệpxây dựng là ngành quan trọng trong phương hướng phát triển theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình.
Quy hoạch đã đề ra mục tiêu căn bản: “Đến năm 2030 là tỉnh khá, cực tăng trưởng các tỉnh phía Nam đồng bằng Sông Hồng, cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo…” và “đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương; một trung tâm hàng đầu đất nước về công nghiệp cơ khí giao thông hiện đại; một trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các tỉnh phía Nam đồng bằng Sông Hồng. Địa bàn vững chắc về quốc phòng, an ninh. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, kinh tế phát triển, xã hội văn minh, Nhân dân hạnh phúc.
Tầm nhìn đến năm 2050, là thành phố trực thuộc Trung ương văn minh, hiện đại, thông minh, có bản sắc riêng, ngang tầm các đô thị di sản, thành phố sáng tạo trên thế giới; có vị thế, giá trị thương hiệu cao trong mạng lưới di sản sở hữu danh hiệu UNESCO; là một trong những địa phương đi đầu đưa phát thải khí nhà kính về mức “0” của Việt Nam, tiêu biểu về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát huy sức mạnh mềm trong hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu. Địa bàn vững chắc về quốc phòng, an ninh, chính trị ổn định, kinh tế thịnh vượng, xã hội phồn vinh, Nhân dân hạnh phúc.
Kiến tạo động lực phát triển
Quy hoạch tỉnh đã tích hợp toàn bộ các nội dung phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội trên địa bàn tỉnh. Đây cũng chính là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý để tỉnh hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển. Quy hoạch đã hoạch định rõ tổ chức không gian phát triển kinh tế-xã hội bảo đảm yêu cầu kết nối đồng bộ với các hành lang kinh tế của quốc gia, hành lang kinh tế của vùng đồng bằng Sông Hồng. Đặc biệt là khai thác, phát huy có hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, động lực để đưa tỉnh Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững.
Theo đó, về phương án tổ chức các hoạt động kinh tế, tỉnh được phân thành ba vùng chức năng là các khu vực lãnh thổ tích hợp. Cụ thể, vùng trung tâm bao gồm vùng quy hoạch đô thị Ninh Bình và thành phố Tam Điệp. Đây sẽ là vùng chức năng tổng hợp giữ vai trò là động lực phát triển của tỉnh. Vùng Tây Bắc bao gồm huyện Nho Quan và huyện Gia Viễn; là khu vực phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, nông thôn, khám phá và trải nghiệm, nơi tập trung các khu bảo tồn quan trọng… Vùng Đông Nam bao gồm huyện Yên Mô, huyện Yên Khánh và huyện Kim Sơn; là vùng nông nghiệp trọng điểm của tỉnh gắn với phát triển kinh tế biển, khu đô thị, dịch vụ ven biển… Các hoạt động kinh tế-xã hội tập trung chủ yếu ở các đô thị hiện hữu và các đô thị mới.
Theo Quy hoạch, Ninh Bình sẽ có 1 hành lang Bắc-Nam hình thành gắn với đường cao tốc Bắc-Nam, đường sắt và QL.1A; là hành lang trụ cột hình thành vùng chức năng trung tâm, kết nối tỉnh Ninh Bình với các tỉnh đồng bằng Sông Hồng và vùng duyên hải Bắc Trung Bộ. 3 hành lang Đông-Tây gồm hành lang kinh tế Đông-Tây phía Nam tỉnh Ninh Bình hình thành, phát triển gắn với tuyến đường Đông-Tây kết nối Ninh Bình với vùng Tây Bắc và vùng kinh tế hành lang ven biển. Hành lang kinh tế Đông-Tây phía Bắc tỉnh Ninh Bình hình thành, phát triển theo trục đường Bái Đính-Kim Sơn ven sông Đáy, kết hợp đường cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng. Hành lang kinh tế xuyên tâm Đông-Tây hình thành, phát triển theo các trục đường: QL.21C, QL.12B,… gắn kết với các tuyến đường vành đai đô thị Ninh Bình và đường ven sông Đáy, sông Hoàng Long và cảng biển.
Về phương án quy hoạch hệ thống đô thị, toàn tỉnh có 7 đô thị trung tâm, gồm 1 đô thị loại I (đô thị hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư), 1 đô thị loại II (thành phố Tam Điệp), 5 đô thị loại IV (các huyện: Gia Viễn, Kim Sơn, Nho Quan và các thị trấn mở rộng gồm Yên Ninh, Yên Thịnh). Có 2 đô thị chức năng (Gián Khẩu, Bình Minh) và các đô thị khác thành lập theo nhu cầu phát triển. Quy mô đô thị xác định cụ thể theo Quy hoạch chung đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tại Quy hoạch cũng đề 7 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển, đó là: Phát triển công nghiệp cơ khí ô tô, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường, là động lực cho tăng trưởng. Phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa, là mũi nhọn gắn với những sản phẩm và dịch vụ cao cấp, đặc sắc, có giá trị thương hiệu cao. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số đồng bộ… Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển toàn diện văn hóa-xã hội; coi trọng văn hóa cơ sở, xây dựng nếp sống văn minh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của con người vùng đất Cố đô.
Tập trung bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy di sản Cố đô Hoa Lư và Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Tổ chức không gian, phân vùng chức năng hợp lý; phát triển bền vững hệ thống đô thị; phát triển hài hòa giữa các vùng, miền, giữa đô thị và nông thôn… Thực hiện chiến lược phát triển Đô thị di sản thiên niên kỷ, kinh tế sáng tạo, kinh tế di sản trên cơ sở phục dựng và bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử-văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung phát triển kinh tế vùng ven biển Kim Sơn trở thành động lực, không gian và cực tăng trưởng mới của tỉnh. Tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế; đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Đánh giá về Quy hoạch tỉnh Ninh Bình, đồng chí Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho rằng: Quy hoạch tỉnh Ninh Bình đã được Cơ quan lập quy hoạch chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố triển khai theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch. Tỉnh Ninh Bình đã thực hiện rất nghiêm túc quy trình lập quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật. Nội dung quy hoạch đã thể hiện rõ nét khát vọng phát triển của tỉnh; thể hiện được sự liên kết và đồng bộ trong định hướng phát triển kết cấu hạ tầng, việc sắp xếp phân bổ không gian các hoạt động kinh tế-xã hội.
Nguyễn Thơm