Việc HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND ngày 8/12/2023 về ban hành quy định một số nội dung chi, mức chi đặc thù cho công tác y tế dự phòng-dân số trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã cho thấy sự quan tâm của tỉnh đối với công tác y tế dự phòng-dân số thông qua chính sách đặc thù.
Đã 15 năm là nhân viên tiếp cận cộng đồng, chuyên tư vấn, tiếp xúc với những người có nguy cơ cao như: mại dâm, HIV/AIDS… trên địa bàn, chị Vũ Thị Xuân (xóm 2, xã Ân Hòa, Kim Sơn) cho biết dù công việc rất ít người muốn làm và có tâm lý e ngại nhưng chị chưa bao giờ có ý định dừng lại.
Theo chân chị Xuân và những nhân viên tiếp cận cộng đồng huyện Kim Sơn đến địa điểm làm việc quen thuộc là khu vực nghĩa trang nhân dân xã Ân Hòa, tại đây các bơm kim tiêm đã qua sử dụng được vứt lăn lóc trong hốc cây, sau các ngôi mộ… khá nguy hiểm nếu chẳng may dẫm vào. Với cây gậy, túi đựng chuyên dụng, chị Xuân và đồng nghiệp đến từng ngóc ngách để tìm, thu gom bơm kim tiêm đã qua sử dụng. Ngoài ra, chị cũng đi phát bơm kim tiêm, bao cao su miễn phí từ chương trình phòng, chống HIV/AIDS.
Những công việc với nguy cơ cao như thế đã và đang được đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng thực hiện nhiều năm qua, góp phần làm giảm lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng.
Chị Xuân chia sẻ: Tôi làm công việc này từ khi mức hỗ trợ là 180.000 đồng/tháng và tiếp tục hưởng mức hỗ trợ theo Chương trình mục tiêu y tế – dân số giai đoạn 2016-2020. Khi chính sách cũ hết hiệu lực, rất mừng là Nghị quyết số 09 của HĐND tỉnh được ban hành kịp thời. Theo đó, dù mức hỗ trợ không nhiều nhưng đã thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với công việc của những nhân viên tiếp cận cộng đồng như chúng tôi…
Những năm qua, tại Ninh Bình đã triển khai toàn diện, hiệu quả các giải pháp về xã hội, về chuyên môn kỹ thuật y tế trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV được triển khai rộng rãi như: truyền thông thay đổi hành vi, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; mở rộng và đa dạng hóa các loại hình xét nghiệm phát hiện HIV tại các cơ sở y tế và cộng đồng; điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV; điều trị thuốc kháng vi rút HIV (ARV); triển khai khám, điều trị HIV/AIDS qua bảo hiểm y tế…, qua đó đã góp phần từng bước kiểm soát tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.
Bác sỹ Ngô Thị Hồng, Trưởng Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết thêm: Trước đây, nội dung chi, định mức chi cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thực hiện theo Thông tư số 26/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính. Sau khi Thông tư này hết hiệu lực, HĐND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết 09. Đây là sự quan tâm kịp thời, nhanh chóng của tỉnh để hỗ trợ chương trình phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động. Nghị quyết 09 đã quy định thêm một nội dung mới so với Thông tư 26 như: nội dung chi mua thuốc điều trị HIV cho đối tượng cai nghiện, đối tượng mắc HIV/AIDS trong trại tạm giam… Các chính sách cụ thể này sẽ giúp cho các đối tượng nhiễm HIV/AIDS tiếp tục nhận được quan tâm và được tiếp cận các dịch vụ phòng, chống hiệu quả hơn, hướng tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 của tỉnh Ninh Bình.
Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND ngày 8/12/2023 về việc ban hành Quy định một số nội dung chi, mức chi đặc thù cho công tác y tế dự phòng – dân số trên địa bàn tỉnh Ninh Bình gồm 3 chương, 17 điều với các quy định cụ thể về nội dung chi, mức chi cho công tác y tế dự phòng – dân số như: chi hỗ trợ người cho mẫu xét nghiệm; chi tổ chức khám sàng lọc, sàng lọc phát hiện, quản lý sàng lọc, chiến dịch, khám lưu động tại cộng đồng phục vụ công tác y tế dự phòng-dân số, lồng ghép khám bệnh, chữa bệnh với khắc phục hậu quả thiên tai và củng cố quốc phòng, an ninh; chi tư vấn, hướng dẫn tại cộng đồng; chi cho hoạt động phòng, chống sốt rét, sốt xuất huyết, chi cho hoạt động bảo vệ sức khỏe tâm thần…
Nét nổi bật và là điểm mới của Nghị quyết 09: Đối với mức chi đặc thù khác cho công tác y tế dự phòng – dân số được xây dựng dựa trên định mức chi của Thông tư số 26/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính, đồng thời có một số mức chi được điều chỉnh tăng để phù hợp với tình hình hiện nay, cụ thể: Chi hỗ trợ nhân viên y tế thôn, bản tham gia phục hồi chức năng cho bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng định mức tại Thông tư 26 là 20.000đồng/bệnh nhân/tháng ở khu vực đồng bằng và thành thị, 25.000 đồng bệnh nhân/tháng ở khu vực miền núi, vùng cao và hải đảo nhưng không quá 100.000 đồng/thôn, bản/tháng được điều chỉnh tăng lên là 30.000 đồng/bệnh nhân/tháng ở khu vực đồng bằng và thành thị, 35.000 đồng/bệnh nhân/tháng ở khu vực miền núi nhưng không quá 150.000 đồng/thôn, bản/tháng do mức lương cơ sở đã tăng từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 20,8%; Mức chi cập nhật thông tin về dân số – kế hoạch hóa gia đình của hộ gia đình vào Sổ ghi chép ban đầu về dân số – kế hoạch hóa gia đình của cộng tác viên định mức tại Thông tư số 26 là 5.000 đồng/phiếu thu tin điều chỉnh được tăng lên là 10.000 đồng/phiếu thu tin; Mức hỗ trợ người tham gia mít tinh, tháng hành động, chiến dịch truyền thông y tế – dân số đề xuất tăng lên 60.000 đồng/người/ngày so với định mức tại Thông tư 26 là 50.000 đồng/người/ngày… |
Bác sỹ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Trước đây, nội dung chi, mức chi cho công tác y tế dự phòng – dân số được thực hiện theo Chương trình mục tiêu y tế – dân số giai đoạn 2016-2020 và Thông tư số 26 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, đến nay những văn bản này đã hết hiệu lực thi hành. Căn cứ vào các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Tài chính về việc rà soát, chuyển nội dung nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu y tế – dân số giai đoạn 2016-2020 thành nhiệm vụ chi thường xuyên của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, HĐND tỉnh đã kịp thời xây dựng, ban hành Nghị quyết số 09 theo thẩm quyền.
Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc Ban hành Quy định một số nội dung chi, mức chi đặc thù cho công tác y tế dự phòng – dân số trên địa bàn tỉnh Ninh Bình là cần thiết và đúng quy định hiện hành. Việc xây dựng nội dung, định mức chi cho các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu y tế – dân số chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên do ngân sách địa phương nhằm tạo cơ sở để ngành Y tế tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ y tế dự phòng – dân số trên địa bàn tỉnh. Qua đó góp phần duy trì, đảm bảo tính bền vững, phát huy các kết quả đã đạt được thuộc Chương trình mục tiêu y tế – dân số giai đoạn 2016-2020 và giải quyết các vấn đề y tế dự phòng – dân số còn tồn tại trên địa bàn tỉnh Ninh Bình như sự gia tăng của các trường hợp mắc và tử vong do các bệnh không lây nhiễm, vẫn còn xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục có xu hướng tăng lên…
Với các quy định cụ thể về nội dung chi, mức chi đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để ngành Y tế tiếp tục thực hiện các hoạt động y tế dự phòng – dân số cũng như hỗ trợ cho các đối tượng tham gia Chương trình mục tiêu y tế – dân số nhằm ổn định mạng lưới làm công tác y tế cơ sở. Từ đó, duy trì các kết quả đã đạt được của Chương trình mục tiêu y tế – dân số trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.
Bài, ảnh: Lý Nhân