Thực tế đã từng xảy ra ở những năm trước đây, nếu có bão và mưa lớn vào Ninh Bình thì huyện Gia Viễn là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Cũng vì thế, hàng năm, công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai PCTT) được các cấp, các ngành của huyện triển khai và lên kế hoạch từ rất sớm.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024, đại diện Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện tiếp tục khẳng định, công tác PCTT&TKCN là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên hàng năm. Vì vậy, để nắm thế chủ động, công tác này cần được chuẩn bị đầy đủ, cụ thể, kịp thời, phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa phương, từng ngành bảo đảm thống nhất đồng bộ trong việc tổ chức thực hiện các biện pháp ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra.
Đánh giá về công tác chuẩn bị đối phó với mùa mưa bão, giảm nhẹ thiên tai năm 2024, Phó trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Phạm Xuân Bình cho biết: Ban chỉ đạo PCTT&TKCN huyện đã được kiện toàn thành lập, tiến hành kiểm tra đánh giá hiện trạng các công trình phòng, chống thiên tai; phương án vận hành tràn Lạc Khoái và xây dựng phương án ứng phó cấp độ rủi ro thiên tai trên toàn huyện.
Hiện nay, toàn huyện có các tuyến đê với tổng chiều dài gần 58 km, 6 tuyến kè, 1 đập tràn, 30 cống, 1 âu, 16 trạm bơm chia thành 2 khu vực: khu tả và khu hữu sông Hoàng Long. Nhìn chung, các tuyến đê đã được bê tông và mở rộng mặt cắt. Các công trình ngày càng được xây dựng kiên cố vững chắc. Trong năm 2023, các tuyến đê tả sông Hoàng Long và tuyến đê hữu Đáy trên địa bàn đã được duy tu, sửa chữa đê từ nguồn vốn duy tu, sửa chữa đê của Trung ương do Chi cục Thủy lợi làm chủ đầu tư. Đến thời điểm này, công tác PCTT đã được các cấp ngành, địa phương trong huyện Gia Viễn quan tâm chỉ đạo, xây dựng phương án, chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện PCLB.
Trao đổi về công tác chuẩn bị vật tư, phương tiện, lực lượng sẵn sàng để đáp ứng yêu cầu PCTT&TKCN, đồng chí Bùi Trọng Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Hưng cho biết: Ban chỉ huy PCTT&TKCN xã đã được thành lập, gồm 27 đồng chí, Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban. UBND xã Gia Hưng đã ký hợp đồng trách nhiệm với Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện chuẩn bị đầy đủ 10 xe tải từ 5 đến 10 tấn với đầy đủ trang thiết bị, người điều khiển và phương tiện ở trạng thái sẵn sàng hoạt động khi có lệnh điều động của Ban chỉ huy PCLB & TKCN huyện, tỉnh và Trung ương, tại địa điểm tập kết xe, máy.
Trong đó, UBND xã chịu trách nhiệm kiểm tra nắm vững số lượng, bến đỗ thường xuyên của tầu thuyền cần trưng dụng để khi cần thiết điều động nhanh về nơi tập kết. Đồng thời, nhắc nhở chủ phương tiện chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng hoạt động và tuân thủ vô điều kiện khi có lệnh điều động của Ban chỉ huy PCLB&TKCN huyện…
Phó Chủ tịch UBND xã Gia Hưng cũng cho biết thêm, hàng năm, Gia Hưng phải chịu ảnh hưởng của nhiều trận lũ của dòng sông Bôi. Gần đây nhất, vào các năm 2016, 2017 và 2018, gần 200 ha lúa sản xuất ở khu vực ngoài đê của HTX Nông nghiệp Đô Lương và HTX Hoa Tiên (Gia Hưng)đã từng bị ngập úng. Xã có 9/13 xóm với trên 600 hộ dân sinh sống khu vực ngoài đê tả Hoàng Long, nằm trong vành đai phân lũ, chậm lũ trên địa bàn huyện Gia Viễn.
Năm 2024 này, xã Gia Hưng cũng xác định các tuyến đê trọng điểm có cống Cầu Thần, cống Mai Phương, tuyến đê Lợi Hà bờ bao Hoa Tiên và 2 đập tràn. Với kinh nghiệm qua nhiều năm, trước mùa mưa bão, Ban chỉ huy PCTT&TKCN xã Gia Hưng triển khai công tác phòng chống toàn diện, triệt để các phương án ứng phó cụ thể: Tập trung huy động lực lượng đối phó với bão, tổ chức cứu hộ, cứu nạn; đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ sản xuất, chủ động tiêu nước đệm ở các vùng trũng, thấp có nguy cơ ngập úng, khẩn trương thu hoạch lúa đã chín, các loại thủy sản nuôi, trồng. Thực hiện nghiêm nhiệm vụ trực ban 24/24 giờ, với 100% lực lượng sẵn sàng ứng phó khi bão đổ bộ vào đất liền đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
Gia Hưng đồng thời thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, như chuẩn bị 300 m3 đất, hợp đồng mua tre dự phòng từ 2.000 cọc tre trở lên và 5.000 bao tải để đựng đất. Cùng với đó, mỗi hộ gia đình chuẩn bị 2 bao tải để đựng đất, 1 cọc tre dài 1,5 m, chuẩn bị 7 ngày lương thực và chất đốt dự phòng tại gia đình… Cùng với đó, để chủ động phòng tránh, đối phó hiệu quả với thiên tai, công tác tuyên truyền, thông báo các bản tin dự báo, cảnh báo và công điện chỉ đạo, điều hành phòng, chống bão thường xuyên trên Đài truyền thanh xã với thời lượng 30 phút/lần.
Cũng như xã Gia Hưng, thời điểm này, các địa phương trên toàn huyện Gia Viễn đã sẵn sàng chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục có hiệu quả ảnh hưởng của thiên tai, trong đó công tác “phòng là chính, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các tuyến đê, kè, cống và bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân”. Chủ động các giải pháp nhằm tránh ngập úng cục bộ tại các khu đô thị, dân cư, đặc biệt là các khu đang xây dựng, phấn đấu hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả do thiên tai gây ra.
Bài, ảnh: Minh Đường