Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những kí ức về một thời tham gia chiến đấu tại Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của những người lính năm xưa. Trong những ngày tháng lịch sử này, chúng tôi có dịp gặp gỡ với cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Duy Thường ở xã Quỳnh Lưu (Nho Quan) để nghe kể về những năm tháng đầy gian khó nhưng rất đỗi tự hào.
Mặc dù đã 92 tuổi, nhưng kỷ niệm về những ngày tham gia chiến đấu tại chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của CCB Nguyễn Duy Thường. Tháng 1/1954, ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, làm chiến sĩ thông tin rồi làm đến Tiểu đội trưởng thông tin trong đội hình thuộc Đại đoàn 304 đánh địch tại cứ điểm Hồng Cúm.
Ông Nguyễn Duy Thường cho biết: Nhiệm vụ của bộ đội thông tin trong Chiến dịch Điện Biên Phủ rất quan trọng, đòi hỏi phải chính xác, chặt chẽ, bí mật, kịp thời để truyền tải những chỉ đạo của cấp trên đến các đơn vị bộ đội. Việc thông tin liên lạc trong điều kiện chiến sự hết sức khó khăn vì khu vực đóng quân của đơn vị tôi nằm sâu trong rừng, đường sá đi lại vất vả. Dù khó khăn, gian khổ nhưng các chiến sĩ luôn hừng hực ý chí chiến đấu, quyết tâm bảo đảm thông tin liên lạc được thông suốt.
Cũng theo ông Thường, thông tin liên lạc trong các chiến dịch giữ vai trò rất quan trọng, quyết định sự thắng bại trong từng trận đánh. Trong chiến đấu mà không có thông tin thì mọi mệnh lệnh, chỉ thị đều không thực hiện được, giữa các đơn vị không có sự hiệp đồng thống nhất, không phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn quân. Chính vì thế, khu vực nào đường dây bị đứt là lính thông tin phải có mặt để nối lại, bảo đảm mọi thông tin, lệnh, chỉ thị của cấp trên được truyền đi nhanh chóng và kịp thời, giữ bí mật, phục vụ công tác triển khai chiến thuật, phương án tác chiến.
Trong các trận đánh của Chiến dịch Điện Biên Phủ, có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ thông tin với tinh thần xả thân, mưu trí, sáng tạo “vì mạch máu thông tin luôn vững chắc”. Nhiều chiến sĩ hữu tuyến điện, thông tin vận động tín hiệu đã hi sinh anh dũng để giữ vững liên lạc với các cứ điểm, nhiều chiến sĩ bộ đàm đã bám sát các mũi xung kích dù phải chịu thương vong trong khi làm nhiệm vụ.
Dù không trực tiếp cầm súng chiến đấu nhưng khi được hỏi về những trận đánh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Thường vui vẻ cho biết: Trận đánh ở đồi A1 luôn in đậm trong trí nhớ tôi. Bởi khi đó, đồi A1 là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong hệ thống phòng tuyến 5 quả đồi phía Đông bảo vệ khu trung tâm Mường Thanh. Tại đây, địch bố trí binh lực, hỏa lực mạnh, có công sự, trận địa kiên cố, vững chắc. Đến 14 giờ ngày 6/5/1954, pháo ta bắn đồng loạt trong một tiếng đồng hồ vào đồi A1. Sau đó bắn vào sân bay khoảng 30 phút, tiếp đến bắn vào đồi pháo của địch ở Hồng Cúm gần một tiếng đồng hồ. Quân địch khi đó chống trả rất quyết liệt với hỏa lực mạnh, ta và địch giành nhau từng tấc đất.
Sau buổi tối đánh đồi A1, diệt được ụ súng của địch với tên gọi là “ụ súng thằng người”, các đơn vị rút về nơi đóng quân cách đồi A1 khoảng 700m. Đến khoảng 5 giờ sáng ngày 7/5/1954 thấy rất nhiều quân địch đi ra ở khu vực đồi Độc Lập và kéo cờ trắng ra hàng. Các đơn vị của ta đã làm chủ đồi A1 và các khu vực khác. Hình ảnh lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của tướng De Castries (Đờ Cát), báo hiệu Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Kết thúc 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm, sáng tạo của quân và dân ta, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” không phai mờ trong tâm trí ông.
Giờ đây, dù tuổi đã cao nhưng CCB Nguyễn Duy Thường luôn giữ vững và phát huy phẩm chất người lính Bộ đội Cụ Hồ; gương mẫu vận động con cháu và nhân dân chấp hành tốt các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực lao động sản xuất, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Bài, ảnh: Tiến Đạt