Các đồng chí: Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm; GS.TS Đinh Khắc Thuân, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Hán Nôm (Viện Nghiên cứu Hán Nôm); Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao đồng chủ trì Hội thảo.
Tại phiên chuyên đề, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đã tập trung trao đổi, thảo luận một số vấn đề trong việc làm rõ giá trị lịch sử, văn hóa, tư liệu của hệ thống văn bia tại Di tích núi Non Nước cũng như công tác bảo tồn di tích trong giai đoạn hiện nay.
Trong đó, tham luận “Cảm quan về môi trường xung quanh núi Dục Thúy qua một số bia ma nhai”, PGS.TS Phạm Thị Thùy Vinh (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) nêu ý kiến: Hiếm có di tích thiên nhiên nhưng cũng là nơi chứa đựng, lưu giữ nhiều di sản văn hóa thành văn từ nhiều triều đại, nhiều thế kỷ với khoảng cách khá xa từ thế kỷ XIV đến đầu thế kỷ XX như núi Non Nước. Quần thể bia ma nhai núi Non Nước phong phú với 4 triều đại kéo dài 6 thế kỷ. Di sản bia ma nhai núi Dục Thúy hoàn toàn xứng đáng đề xuất UNESCO công nhận di sản tư liệu ký ức thế giới.
Tham luận “Di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước trong đô thị Cố đô di sản thiên niên kỷ Ninh Bình” của Trung tướng Lê Phúc Nguyên, nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân tập trung vào các giải pháp bảo tồn, tôn tạo cảnh quan núi Non Nước và nghiên cứu, phổ biến giá trị hệ thống văn bia hiện còn trên núi; việc nghiên cứu toàn diện đánh giá các giá trị lịch sử, văn hóa, tôn giáo của quần thể di tích; kết nối núi Non Nước với các di tích khác trong nhóm “Tứ đại danh sơn” của thành phố Ninh Bình, hình thành tour tham quan tìm hiểu “Tứ đại danh sơn” trong lòng thành phố… Đồng thời mong muốn tỉnh Ninh Bình tận dụng và phát huy tối đa lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa trong phát triển đô thị Cố đô di sản thiên niên kỷ.
Tham luận “Ứng dụng CNTT và trí tuệ nhân tạo vào giải pháp bảo tồn hệ thống bia, văn khắc núi Non Nước” của Thiếu tướng Nguyễn Văn Bắc, Đại tá Nguyễn Hữu Tuấn… đã đưa ra các giải pháp để bảo tồn và lưu trữ thông tin hệ thống bia, văn khắc núi Non Nước nhằm tăng cường khả năng truy cập và nghiên cứu cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và công chúng, nâng cao nhận thức về giá trị lịch sử và văn hóa của hệ thống bia, văn khắc núi Non Nước…
Tổng kết Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, đồng Trưởng Ban tổ chức Hội thảo nêu rõ: Hội thảo đã làm việc với tinh thần khẩn trương, hiệu quả, có 12 lượt báo cáo, 3 lượt ý kiến phát biểu trao đổi và những báo cáo khoa học khác. Hội thảo đã làm rõ lịch sử và quá trình kiến tạo núi Non Nước cũng như vai trò và tầm quan trọng của núi Non Nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vùng đất Cố đô Hoa Lư – nơi đây còn lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử và di tích danh thắng, đặc biệt là kho tàng thơ văn Hán Nôm. Qua đó thể hiện nét đặc sắc, độc đáo của kho tàng thơ văn khắc đá núi Non Nước, cần được nghiên cứu, khai thác, truyền thông để phát huy giá trị của kho tàng lịch sử văn hóa này.
Hội thảo cũng đặc biệt nhấn mạnh công tác quy hoạch và tôn tạo, bảo tồn di tích kho tàng di sản Hán Nôm tại núi Non Nước; đồng thời kết hợp với tuyến du lịch Danh thắng Tràng An. Các ý kiến tập trung vào việc sưu tập, thống kê chính xác và biên soạn cuốn sách núi Non Nước hoặc Quần thể danh thắng núi Non Nước Ninh Bình với 3 nội dung chính (lịch sử quần thể núi Non Nước, thơ văn tại quần thể núi Non Nước, thơ văn tại địa phương viết về núi Non Nước). Qua đó nhằm bảo tồn và phát huy giá trị một trong những bảo tàng thi ca của văn học trung đại.
Các tham luận, ý kiến cũng đề xuất cần số hóa 2D hoặc 3D các tư liệu Hán Nôm trên núi Non Nước để bảo tồn truyền thống và phát huy giá trị kho tàng di sản núi Non Nước. Tỉnh Ninh Bình nên cân nhắc để xây dựng 1 dự án riêng để bảo tồn núi Non Nước xứng đáng với lời ngợi ca của tiền nhân, phát huy hơn nữa giá trị của di sản, danh thắng trong chuỗi liên kết về hoạt động du lịch của tỉnh Ninh Bình. Xây dựng quần thể di tích núi Non Nước gồm núi Non Nước và các di tích phụ cận khác (như núi Cánh Diều, sông Vân…), tiến tới quy hoạch quần thể di tích danh thắng núi Non Nước Ninh Bình thành di sản văn bia ma nhai của núi Non Nước Ninh Bình, đủ điều kiện lập hồ sơ đề nghị UNESCO ghi nhận, ghi danh vào danh sách là di sản tư liệu.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định: Hội thảo đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra. Các báo cáo tham luận có nội dung phong phú, sinh động, hàm lượng khoa học cao đáp ứng mục tiêu, yêu cầu chung của Hội thảo, làm sáng tỏ các giá trị lịch sử, văn hóa, tư liệu của hệ thống văn bia tại di tích, góp phần làm rõ giá trị nổi bật của Di tích Quốc gia đặc biệt núi Non Nước.
Trên cơ sở tiếp thu những ý kiến đóng góp tại Hội thảo, Ban Tổ chức Hội thảo tổng hợp, biên tập các bài tham luận và các ý kiến phát biểu thành Kỷ yếu Hội thảo làm tài liệu khoa học để nghiên cứu phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tư liệu của vùng đất Ninh Bình. Đồng thời làm nguồn tư liệu giúp các cơ quan nghiên cứu và cơ quan quản lý Nhà nước có thêm cơ sở để nghiên cứu, tham mưu, đề xuất những giải pháp cụ thể, đảm bảo tính khả thi cao trong triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, hoàn thiện các chủ trương, chính sách, phục vụ quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Trên cơ sở nội dung Hội thảo, tỉnh Ninh Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giáo dục, nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, tư liệu của Di tích Quốc gia đặc biệt núi Non Nước nói riêng, truyền thống lịch sử – văn hóa của vùng đất, con người Cố đô Hoa Lư nói chung. Qua đó khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, phát huy tinh thần đại đoàn kết, ra sức thi đua xây dựng và phát triển quê hương Ninh Bình giàu đẹp, đóng góp vào sự phát triển chung của quốc gia, dân tộc.
Đồng thời, kết quả của Hội thảo và kết quả nghiên cứu của các chuyên gia, các nhà khoa học, với nhiều giải pháp được nêu trong các bài tham luận sẽ là những tiền đề cần thiết tạo cơ sở khoa học khách quan cho việc hoạch định chính sách, thực hiện Kế hoạch Quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt núi Non Nước, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2021 – 2025; xây dựng Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt núi Non Nước; hướng tới xây dựng hồ sơ đề cử ghi danh hệ thống văn bia tại di tích núi Non Nước, tỉnh Ninh Bình vào Danh sách di sản tư liệu của UNESCO; góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bùi Diệu-Hồng Vân-Minh Quang