Trong những ngày tháng Tư lịch sử, ký ức về chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí mỗi người lính những người trực tiếp tham gia trận chiến lịch sử này. Những hồi ức ấy luôn là minh chứng sống động, chân thực nhất về một thời lịch sử hào hùng, để thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi ghi nhớ, tri ân.
Chiến tranh đã lùi xa, 49 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cựu chiến binh (CCB) Tạ Văn Được, ở xã Khánh Thượng, huyện Yên Mô vẫn vẹn nguyên ký ức về những ngày tháng hào hùng. Với ông, đó là kỷ niệm không thể phai nhòa trong suốt cuộc đời binh nghiệp. Nhập ngũ năm 1971, ông tham gia nhiều trận đánh và chứng kiến 2 chiến công lừng lẫy của quân và dân ta trong chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày 10/3/1975, ông cùng đồng đội thuộc Đại đội 18, Trung đoàn 149, Sư đoàn 316 được giao nhiệm vụ đảm bảo thông tin liên lạc cho trận đánh chiếm sân bay Hòa Bình, khu kho Mai Hắc, giải phóng Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk). Tuy thời gian gấp, địa hình hiểm trở, quân địch tập trung nhiều lực lượng và hỏa lực mạnh, nhưng với tinh thần “Quyết chiến, quyết thắng” sẵn sàng chiến đấu, hi sinh để giữ vững mạch máu thông tin, ông và đồng đội đã bất chấp hiểm nguy, hành quân bí mật, dải dây đảm bảo an toàn, truyền tin quan trọng cho chỉ huy Trung đoàn.
Đến đêm ngày 26/4/1975, đơn vị ông tiếp tục nhận lệnh hành quân tiến vào cứ địa Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Những ngày đó, địch liên tục ném bom đánh phá, cản đường, cắt dây truyền tin, rất nhiều đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh, người trước ngã xuống người sau lại tiếp tục xông lên làm nhiệm vụ. Sự hy sinh của đồng đội càng tiếp thêm sức mạnh để anh em trong đơn vị vượt qua gian nan, thử thách.
Đến ngày 28/4/1975, Trảng Bàng được giải phóng và đơn vị của ông tiếp tục nhận nhiệm vụ chốt chặn tại cứ điểm này. Trải qua quãng thời gian chiến đấu kiên cường, ác liệt đã tôi luyện nên ý chí cũng như nghị lực của CCB Tạ Văn Được. Trở về địa phương, ông cùng gia đình tích cực lao động, sản xuất, tham gia các phong trào do địa phương phát động. Ông đã được tặng nhiều Huân chương, giấy khen các loại…
Ông Được xúc động nói: Chiến tranh đã lùi xa, nhưng có biết bao thế hệ cha ông và đồng đội đã phải ngã xuống, đã hy sinh xương máu cho dân tộc. Tôi đã chiến đấu vì Tổ quốc, được chứng kiến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và được trở về với quê hương, với gia đình. Tôi mong các thế hệ con cháu sau này sẽ giữ mãi hào khí của dân tộc, ghi nhớ những trang sử hào hùng của đất nước, nhớ công ơn của thế hệ cha ông để góp trí và lực xây dựng Tổ quốc.
Còn đối với CCB Tống Đức Thân, ở phường Bắc Sơn, thành phố Tam Điệp thì những năm tháng sục sôi lửa đạn cống hiến tuổi xuân cho nền độc lập, tự do của dân tộc luôn là những ký ức không thể phai mờ. Nhắc đến những ngày tháng ở chiến trường miền Nam, giọng người lính năm xưa đầy xúc động. Ông kể: “Cách đây tròn 50 năm khi công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo đang bước vào giai đoạn cuối cùng rất quyết liệt, khắp các chiến trường miền Nam đang rất cần sự chi viện cả sức người lẫn sức của, là thanh niên trẻ, tôi đã hăng hái xung phong lên đường nhập ngũ”.
Tháng 4 năm 1974, ông được biên chế vào Tiểu đoàn 813, Trung đoàn 1, Quân khu 3 và tham gia huấn luyện tại xã Thạch Bình, huyện Nho Quan. Sau 3 tháng luyện tập sử dụng 3 loại vũ khí thông dụng, Tiểu đoàn 813 nhận nhiệm vụ vào miền Nam chiến đấu.
Ngày 18/8/1974, Tiểu đoàn 813 hành quân bộ từ Thạch Bình xuống Ga Gềnh, lên tàu, qua các trạm đi xe vào Vĩnh Chấp, Vĩnh Linh. Tại đây, ông cùng đồng đội đã cải trang, mặc áo bà ba đen để vượt qua vĩ tuyến 17. Khi vào đến trạm 2, làng Hồi, tỉnh Quảng Nam, các chiến sĩ của Tiểu đoàn 813 được bổ sung vào các đơn vị chiến đấu thuộc Quân khu 5. Ông và đồng đội theo lệnh chỉ huy tham gia Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, mở màn từ ngày 4/3/1975 bằng chiến dịch Tây Nguyên mà trận đột phá chiến lược là việc đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột.
Qua 20 ngày đêm chiến đấu, đến ngày 24/3/1975, chiến dịch Tây Nguyên đã giành thắng lợi hoàn toàn. Thắng lợi Buôn Ma Thuột làm cho đối phương choáng váng, là một “cú hích” để những đoàn quân giải phóng thần tốc tiến về Sài Gòn.
Ngày 26/4/1975, khi nhận lệnh mở chiến dịch Hồ Chí Minh, ông cùng đồng đội phối hợp với các đơn vị của Quân đoàn 1 từ Bắc vào đánh thẳng về Sài Gòn. Đến 11h30 ngày 30/4/1975, Sài Gòn-Gia Định hoàn toàn được giải phóng, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta. “Mặc dù không phải là những người lính đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập nhưng chúng tôi như vỡ òa trong hạnh phúc.
Niềm vui ngày đất nước giải phóng lan tỏa, không chỉ bộ đội ta hân hoan mà đồng bào ai cũng hồ hởi, phấn khởi. Hai bên đường, người dân đứng chật kín, tay vẫy cờ, cầm hoa chào đón đoàn quân tiến vào. Trong giây phút hạnh phúc đó, chúng tôi cảm thấy chạnh lòng vì không ít đồng đội đã nằm xuống, không được chứng kiến miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối”-CCB Tống Đức Thân chia sẻ.
Rời quân ngũ trở về địa phương, CCB Tống Đức Thân luôn phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, sống gương mẫu, đoàn kết, tích cực tham gia công tác tại địa phương và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với những đóng góp của mình trong trong thời chiến cũng như thời bình, CCB Tống Đức Thân đã được tặng nhiều Huân, Huy chương và Bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành.
Đã 49 năm qua đi kể từ chiến thắng mùa Xuân năm 1975, nhưng ký ức hào hùng của những người lính Cụ Hồ năm xưa luôn là bài học lịch sử quý báu cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau tiếp bước truyền thống, ra sức học tập, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Bài, ảnh: Hồng Giang