Powered by Techcity

Khai thác giá trị văn hóa phục vụ kinh doanh phát triển du lịch


Ninh Bình là vùng đất chứa nhiều trầm tích văn hóa. Những lớp lang, tầng vỉa văn hóa ấy tưởng chỉ tồn tại trong những câu chuyện kể, nhưng giờ đây, có một lớp doanh nhân trẻ với sự nhạy bén của mình đã tìm cách biến những tài nguyên văn hóa thành những sản phẩm hàng hóa phục vụ du lịch rất có giá trị, được khách du lịch trong nước, quốc tế biết đến.

Trong dân gian vẫn còn lưu truyền câu chuyện về Thiền sư Nguyễn Minh Không-người có tài bốc thuốc chữa bệnh. Ngài thường ẩn tu nơi thạch động và trồng cây thuốc chữa bệnh cho dân nghèo. Vùng núi mà thiền sư trồng cây thuốc có tên là Sinh Dược. Những câu chuyện truyền thuyết về thiền sư Minh Không cách nay đã khá xa, sau đó được sống lại khi Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính được xây dựng và đi vào hoạt động. Người dân xã Gia Sinh được hưởng lợi rất nhiều từ hoạt động dịch vụ tại Khu du lịch. Nhiều ngành nghề đã mang lại cho người dân công việc và thu nhập ổn định như: chụp ảnh, trông giữ xe, kinh doanh dịch vụ ăn uống, lưu trú, hướng dẫn viên, bán hàng lưu niệm… 

Trong số đó, có chàng trai Vũ Trung Đức (xã Gia Sinh) đã trăn trở tìm một hướng đi mới-hướng đi có thể khai thác các giá trị văn hóa bản địa phục vụ khách du lịch. Đó là lý do Hợp tác xã (HTX) Sinh Dược ra đời. Nhờ lượng khách du lịch lớn, cộng với sự năng động của người chèo lái, nên HTX Sinh Dược phát triển nhanh. Đến nay, sản phẩm không chỉ đóng khung trong các kệ hàng quà tặng du khách mà có mặt ở khắp nơi. Sản phẩm thảo dược của Sinh Dược đã theo chân du khách sang Nhật Bản, Mỹ, châu Âu… 

Ý tưởng kinh doanh của Sinh Dược không dừng lại ở đó mà được anh Vũ Trung Đức tìm hướng phát triển thành “hệ sinh thái” kinh doanh. Để tận dụng lượng khách lớn về Ninh Bình du lịch tâm linh, anh Đức đã cùng với người cộng sự Hoàng Thanh Phương thành lập phòng tranh lá Bồ Đề. Bản thân anh cũng đầu tư xây dựng cơ sở Sao Sa King, với sản phẩm đặc trưng là dịch vụ tắm ngâm dược liệu, nguyên liệu thảo mộc tự nhiên được ươm trồng từ đồi Sinh Dược. 

Ngoài ra, để tích cực quảng bá văn hóa của quê hương, Vũ Trung Đức đã đầu tư xây dựng Nhà triển lãm Ba ngàn Art. Đây là nơi thường xuyên tổ chức các triển lãm, trao đổi, tọa đàm của các văn nghệ sỹ trong và ngoài tỉnh. Vì tâm huyết với các giá trị văn hóa, Sinh Dược đã trở thành “bà đỡ” mát tay cho nhiều dự án nghệ thuật như: Triển lãm “Nếp màu tự nhiên”, “Hành trình Việt cổ phục tìm về di sản”, triển lãm “Ông Ba mươi”, triển lãm “Chuyện cá nhân”… Nhà triển lãm Ba ngàn Art vừa là nơi quảng bá văn hóa, vừa là nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm của HTX Sinh Dược tới công chúng. 

Với cách làm của mình, Vũ Trung Đức đã kết hợp thành công giữa kinh doanh với quảng bá văn hóa, đưa các yếu tố văn hóa tích hợp trong các sản phẩm. Câu chuyện về anh Ngô Đức Tâm với món ruốc cá rô Tổng Trường là một ví dụ khác về thành công trong việc khai thác các giá trị văn hóa phục vụ kinh doanh. 

Anh Ngô Đức Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại chế biến thực phẩm Dòng Sông Xanh tâm sự về quá trình đưa ra ý tưởng sản xuất món ruốc cá rô Tổng Trường: Trong dân gian khi nói về các sản vật vùng đất Hoa Lư vẫn thường ngâm nga: “Khi đi nhớ cậu cùng cô/ Khi về lại nhớ cá rô Tổng Trường”… Câu ca nhắc nhở trong đời sống ấm thực miền đất Hoa Lư có một món ngon khá nổi tiếng là cá rô Tổng Trường. Nhiều món ăn được chế biến từ con cá rô như: canh cải cá rô, cá rô rang muối, canh chua, cá rô nướng, cá rô chiên giòn… đã trở thành món ngon truyền thống, đặc sản của vùng đất Trường Yên. 

Tuy nhiên, để thưởng thức được những món ăn này, thực khách phải đến tận nơi, nên nhiều năm liền món ẩm thực dù nức tiếng xa gần vẫn chỉ đóng khung trong địa bàn xã Trường Yên, trong tỉnh Ninh Bình. Câu hỏi làm thế nào để món đặc sản Hoa Lư đến được với người dân các vùng, miền khiến anh Tâm luôn trăn trở. 

Năm 2022, anh Tâm thành lập Công ty TNHH Thương mại chế biến thực phẩm Dòng Sông Xanh rồi cho ra đời sản phẩm ruốc cá rô. Để món cá rô từ ý tưởng trong dân gian đến khi trở thành một sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh phục vụ du lịch, anh Tâm đã dành rất nhiều tâm lực cho sản phẩm này. Khi đó, bản thân đang kinh doanh chuỗi 5 nhà hàng ẩm thực tại thành phố Hồ Chí Minh nhưng anh Tâm vẫn quyết định cho thuê, sang nhượng nhà hàng, một mình về quê, đầu tư công sức để làm món ruốc cá rô Tổng Trường. 

Khi bắt tay vào việc sản xuất món đặc sản ruốc cá rô, điều anh Ngô Đức Tâm trăn trở là làm thế nào để món ruốc cá rô ngon nức tiếng đến được với khách du lịch trong và ngoài nước. Sau đó là những tháng năm dài anh miệt mài với việc nghĩ cách cải tiến chất lượng, mẫu mã của món ăn này. Anh đã tìm mọi cách để tăng thời gian bảo quản, cải tiến nhãn mác bao bì, cách đóng gói để tiện lợi trong việc vận chuyển, phù hợp cho khách du lịch làm quà tặng… Đến nay, món ruốc cá rô đã tìm được chỗ đứng trên thị trường, dần trở thành sản phẩm đặc trưng, được nhiều du khách lựa chọn, danh tiếng của Công ty Dòng Sông Xanh cũng từ đó mà bay xa. 

Hiện, anh Ngô Đức Tâm đang có chiến lược tìm kiếm, mở rộng vùng ao nuôi để chủ động nguồn cung nguyên liệu, quản lý chặt chẽ chất lượng nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm. Ngoài ra, để tăng thị phần cho sản phẩm, anh Tâm bằng nhiều cách quảng bá sản phẩm trên các trang mạng xã hội, ký gửi sản phẩm tại nhiều điểm phân phối, cửa hàng tại các khu điểm, du lịch… 

Phát triển kinh doanh theo 2 hướng khác nhau nhưng anh Vũ Trung Đức và Ngô Đức Tâm lại có điểm chung là cùng khai thác các giá trị văn hóa, làm điểm xuất phát cho ý tưởng kinh doanh và cùng với kinh doanh là nỗ lực quảng bá sản phẩm mang đặc trưng văn hóa của quê hương với công chúng. 

Các anh là hai doanh nhân đại diện cho lớp doanh nhân mới của Ninh Bình với xu hướng khai thác các giá trị văn hóa đặc trưng phục vụ kinh doanh, phát triển du lịch. Thành công của họ có ý nghĩa truyền cảm hứng cho nhiều thanh niên bắt đầu bước vào con đường khởi nghiệp. Hướng đi của hai doanh nghiệp này cũng được các cấp, các ngành ủng hộ bởi nó phù hợp với chủ trương tận dụng lợi thế về văn hóa phát triển kinh tế du lịch của tỉnh. 

Cùng với Sinh Dược, Dòng Sông Xanh, hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cũng có nhiều đơn vị, doanh nghiệp phát triển hoạt động kinh doanh theo hướng này, như: Công ty TNHH MTV thương mại du lịch Lạc Hồng; Công ty TNHH nông nghiệp sạch Ninh Thắng; HTX Sản xuất và Tiêu thụ mật ong Cúc Phương; Công ty TNHH dược liệu Vũ Gia; Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển Gốm Bồ Bát… Điểm chung của các doanh nghiệp này là phát triển các sản phẩm thương mại từ việc khai thác các tài nguyên văn hóa bản địa; là hướng kinh doanh tương đối bền vững và rất đáng khuyến khích.

Bài, ảnh: Mai Phương



Nguồn

Cùng chủ đề

Kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh khóa XV

Các đồng chí: Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Hoàng Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Hoàng Văn Kiên, Tỉnh ủy...

Cùng tác giả

Hà Tĩnh kêu gọi hơn 46 tỷ đồng ủng hộ đồng bào miền Bắc

Ngày 19/9, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tính đến 12h cùng ngày, tỉnh đã nhận được hơn 46 tỷ đồng từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân tỉnh nhà ủng hộ, chia sẻ với khó khăn của đồng bào miền Bắc chịu thiệt hại do thiên tai gây ra. Ngoài số tiền nói trên, tỉnh Hà Tĩnh còn huy động lực lượng công nhân, cán bộ từ các ngành môi trường đô thị,...

Kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh khóa XV

Các đồng chí: Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Hoàng Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Hoàng Văn Kiên, Tỉnh ủy...

Cùng chuyên mục

Tin nổi bật

Tin mới nhất