Trên địa bàn huyện Hoa Lư có 5 xã thuộc vùng lõi và vùng đệm của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, bao gồm: Ninh Xuân, Ninh Hải, Trường Yên, Ninh Hòa và Ninh Thắng. Phát huy tiềm năng, lợi thế từ di sản, nhiều ngành nghề đã được duy trì và phát triển, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho nhiều lao động tại các địa phương.
Chị Nguyễn Thị Thanh, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Văn Lâm (xã Ninh Hải) chia sẻ: Bản thân tôi làm nghề lái đò tại Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động đã hơn 20 năm. Trước đây, cứ theo số đò, đến lượt nhà nào thì nhà đó lên thuyền đón khách. Nhưng để có việc làm đều đặn hàng ngày thì chưa, phải vài ba ngày mới có một chuyến.
Từ khi Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới thì khách du lịch trong nước, quốc tế về tham quan nhiều hơn, công việc của người lái đò cũng vì thế bận rộn hơn, cho thu nhập tốt hơn và đều đặn hơn. Không chỉ có việc làm và thu nhập ổn định từ nghề lái đò, chị Thanh và nhiều chị em ở bến thuyền Tam Cốc còn có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng từ công việc này.
Tham gia chở khách tham quan, người lái đò được xem như một hướng dẫn viên du lịch để giới thiệu cho du khách cảnh quan tươi đẹp của quê hương. Người lái đò cũng học thêm tiếng Anh, tiếng Pháp để có thể giao tiếp thuận tiện với khách nước ngoài…
Để phục vụ tốt hơn hoạt động du lịch tại địa phương, Chi hội phụ nữ thôn Văn Lâm còn tranh thủ buổi tối rảnh rỗi tập luyện các tiết mục văn nghệ như hát chèo, dân ca để mỗi dịp cuối tuần biểu diễn phục vụ khách du lịch có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật truyền thống. Chi hội phụ nữ thôn Văn Lâm có hơn 500 hội viên trên tổng số 700 hội viên tham gia lái đò tại bến thuyền Tam Cốc, hoạt động du lịch đã đem lại nhiều đổi thay trong cuộc sống cho hội viên phụ nữ nơi đây.
Tại Công ty TNHH Thêu Minh Trang, hơn 50 lao động làm việc tại xưởng vẫn luôn miệt mài bên khung thêu để cho ra những sản phẩm thêu ren truyền thống thu hút khách trong và ngoài nước.
Chị Trịnh Thị Hằng thôn Đam Khê Ngoài, xã Ninh Hải chia sẻ: Thêu ren là nghề truyền thống của quê hương, đồng thời cũng là nghề “cha truyền con nối” của gia đình tôi. Ngay từ bé, được chứng kiến bà và mẹ thoăn thoắt tay kim, hoàn thành những sản phẩm thêu tuyệt đẹp, nhất là các sản phẩm tranh thêu về cảnh sắc quê hương, tôi đã mê mẩn và tập làm nghề. Đến nay, tôi đã gắn bó với nghề thêu ren 16 năm.
Tôi làm việc tại Công ty Thêu Minh Trang, được chứng kiến những bước phát triển cũng như những thăng trầm mà công ty đã trải qua, để hôm nay vẫn đứng vững trên thị trường càng thôi thúc người thợ làm nghề như chúng tôi cố gắng bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề truyền thống, phục vụ hiệu quả phát triển du lịch.
Cùng với các ngành nghề, hoạt động kinh doanh dịch vụ phục vụ du lịch trên địa bàn 5 xã vùng lõi, vùng đệm của di sản như lưu trú, ăn uống… cũng có cơ hội phát triển.
Nhà hàng Tụng Dung, thôn Khê Thượng, xã Ninh Xuân là địa chỉ ăn uống quen thuộc của nhiều du khách khi đến với Ninh Bình. Ông Lưu Bá Tụng, Chủ nhà hàng cho biết: Là người dân ở địa phương có Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An, chúng tôi có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Nhờ lợi thế nằm gần các khu, điểm du lịch nổi tiếng như: Tràng An, Bái Đính, Tam Cốc-Bích Động… nên nhà hàng đã đón nhiều đoàn khách từ các tỉnh, thành phố trong cả nước, khách nước ngoài đến thưởng thức ẩm thực đồng quê. Chúng tôi xác định phải đảm bảo an toàn thực phẩm trong mọi khâu, nâng cao tinh thần, thái độ đón tiếp để phục vụ tốt nhất nhu cầu ẩm thực của du khách, góp phần để du khách có một chuyến du lịch ý nghĩa…
Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, công tác bảo tồn và khai thác các giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An và phát triển du lịch tại Ninh Bình đã có sự cân bằng tương đối tốt, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Di sản đã và đang thực sự mang lại lợi ích và ngày càng trở nên gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân địa phương.
Với chủ trương và chính sách phát triển du lịch bền vững gắn với đảm bảo sinh kế cho người dân đã làm thay đổi bộ mặt nhiều địa phương trong khu di sản, làm chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch. Nhiều nghề thủ công truyền thống được khôi phục, nhiều ngành nghề mới, sinh kế mới được tạo ra như: hướng dẫn viên du lịch, kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ đồ lưu niệm, hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống… góp phần đem lại việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên cho hàng chục nghìn lao động thuộc các địa phương.
Bài, ảnh: Lý Nhân