Chiều 18/3, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu đã tiến hành chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao và bế mạc phiên chất vấn.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được kết nối trực tuyến đến 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước; được tường thuật trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Tham dự tại điểm cầu Ninh Bình có các đồng chí: Đinh Việt Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; các vị ĐBQH tỉnh, lãnh đạo một số sở, ban, ngành có liên quan.
Trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời làm rõ các câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội, tập trung về các nội dung: Công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; tình trạng vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam; thực trạng việc triển khai các thỏa thuận song phương, đa phương và giải pháp thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; công tác hỗ trợ mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tránh bị lừa đảo; hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới và việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước vào Việt Nam để phát triển du lịch; công tác quản lý, sắp xếp, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức bộ máy ngành Ngoại giao (kể cả các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài); giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động ngoại giao.
Sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Trong đó, khẳng định: Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm cao, phiên chất vấn đối với lĩnh vực tài chính và lĩnh vực ngoại giao đã kết thúc tốt đẹp. Các vị đại biểu Quốc hội từ kinh nghiệm hoạt động của mình đã chuẩn bị kỹ các câu hỏi ngắn gọn, phản ánh sát thực tế và đời sống, nguyện vọng của cử tri, thực hiện đầy đủ các quy định và chất vấn bảo đảm đúng thời gian quy định. Các Bộ trưởng với tinh thần trách nhiệm cao, hiểu biết, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực phụ trách đã trả lời rõ ràng, rành mạch, đi thẳng vào các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn và đã làm rõ thực trạng, đề xuất nhiều giải pháp đối với các vấn đề chất vấn.
Ghi nhận, đánh giá cao phần trả lời chất vấn, tán thành các giải pháp, các cam kết của các vị Bộ trưởng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thời gian tới ngành Ngoại giao và ngành Tài chính cần thực hiện đồng bộ, đồng thời nhiều giải pháp.
Trong đó, đối với lĩnh vực tài chính cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật và tổ chức thực hiện đồng bộ tất cả các lĩnh vực. Hoàn thiện biện pháp tổ chức quản lý Nhà nước, xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ, của từng bộ, ngành, địa phương, đồng thời đề cao nguyên tắc phối hợp trong tổ chức thực hiện. Phát huy vai trò của các hiệp hội ngành nghề dịch vụ tài chính, đề cao đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề dịch vụ, của tổ chức và cá nhân cũng như trách nhiệm của các thành viên, hội viên trong việc chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước…
Đối với lĩnh vực ngoại giao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của các đại biểu, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế, trong đó tập trung vào một số vấn đề về: Việc thực hiện các thỏa thuận, cam kết song phương, đa phương, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp; về liên kết, hội nhập quốc tế; ngoại giao văn hóa, phát triển du lịch, chính sách miễn thị thực; về công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân; công tác tổ chức bộ máy ngành Ngoại giao…
Mai Lan-Trường Giang