Dự hội nghị, Đoàn công tác Tỉnh ủy Ninh Bình có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Tài chính, Du lịch, Văn hóa và Thể thao, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng; lãnh đạo Thành ủy Ninh Bình, Huyện ủy Hoa Lư; Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường…
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế dự hội nghị có các đồng chí: Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Phát biểu chào mừng tại hội nghị, đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế bày tỏ vui mừng, phấn khởi được đón Đoàn công tác tỉnh Ninh Bình trong chuyến thăm và làm việc lần này. Đồng chí cho biết, Thừa Thiên Huế và Ninh Bình là hai địa phương đều là Cố đô, vì vậy có thể trao đổi kinh nghiệm để cùng phát triển, gìn giữ bản sắc, phát huy giá trị của di sản. Trong thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã học tập các địa phương trong nước và quốc tế có di sản để quản lý và bảo vệ di sản. Tỉnh sẵn sàng trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm với Ninh Bình, đồng thời chúc Ninh Bình sớm xây dựng thành công thành phố trực thuộc Trung ương theo đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình cảm ơn sự đón tiếp thịnh tình, nồng ấm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế. Đồng chí cũng vui mừng thông báo, Ninh Bình vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vì vậy, trong chuyến công tác này, tỉnh Ninh Bình mong muốn có thể học hỏi kinh nghiệm của Thừa Thiên Huế-một tỉnh đi trước và rất thành công trong xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương theo đặc trưng đô thị di sản Cố đô gắn với thúc đẩy các cơ chế, chính sách đặc thù, cũng như những kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, trùng tu, phục hồi, bảo vệ cổ vật, hiện vật, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cũng như định hướng, giải pháp phát triển du lịch bền vững.
Các đại biểu đã nghe đồng chí Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo tóm tắt kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương theo đặc trưng đô thị di sản Cố đô gắn với thúc đẩy các cơ chế, chính sách đặc thù; trùng tu, phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô Huế, phát triển du lịch tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo đó, Thừa Thiên Huế từng là kinh đô của nước Việt Nam, có 5 di sản được UNESCO công nhận. Năm 2023, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả khả quan trên tất cả các lĩnh vực: có 13/14 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,03%, thu ngân sách đạt 11.452 tỷ đồng; tổng lượt khách du lịch ước đạt trên 3,2 triệu lượt, doanh thu lưu trú ước đạt khoảng 8.000 tỷ đồng…
Tỉnh đã xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tăng thu ngân sách, huy động hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội gắn với mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa và đã được Quốc hội thông qua Nghị quyết 38/2021/QH15 với 6 cơ chế, chính sách đặc thù.
Công tác trùng tu di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế, các nguồn vốn bố trí cho các dự án bảo quản, tu bổ các công trình di tích từ năm 1996 đến nay là khoảng 2.265,4 tỷ đồng để tiến hành bảo quản tu bổ, phục hồi hơn 180 công trình và hạng mục công trình. Tỉnh cũng thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa phi vật thể: nhã nhạc, múa cung đình, tuồng cung đình… Hiện nay, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đang lưu giữ, quản lý và bảo quản 11.234 hiện vật. Công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Huế được đặc biệt quan tâm…
Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo trùng tu, phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đúc rút được một số kinh nghiệm: xây dựng và ban hành kịp thời cơ chế, chính sách; tổ chức, chỉ đạo tốt các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa; huy động tối đa các nguồn lực, quản lý và sử dụng nguồn lực để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể; đẩy mạnh tổ chức và quản lý hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; công tác quản lý và công tác pháp lý cho di tích cần toàn diện, đầu tư gắn với định hướng phát huy giá trị di tích; giải quyết hợp lý và hài hòa mối quan hệ giữa quy hoạch bảo tồn di sản văn hóa và phát triển.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã thông báo khái quát kết quả phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh năm 2023: Ninh Bình hoàn thành và hoàn thành vượt mức 14/17 chỉ tiêu đề ra, tốc độ tăng trưởng đạt 7,27%; du lịch nằm trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu thế giới, nhóm 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước; toàn tỉnh đón trên 6,5 triệu lượt khách, doanh thu du lịch tăng 4% so với cùng kỳ… Đồng thời, nêu rõ mục tiêu, tầm nhìn và định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới là phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, động lực, đưa Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững, đến năm 2030 cơ bản đạt các tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương và đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực, đến năm 2050 là thành phố trực thuộc Trung ương văn minh, hiện đại, thông minh, có bản sắc riêng, ngang tầm các đô thị di sản, thành phố sáng tạo trên thế giới, có vị thế, giá trị thương hiệu cao trong mạng lưới di sản sở hữu danh hiệu UNESCO…
Với định hướng như vậy, tỉnh Ninh Bình mong muốn được trao đổi, chia sẻ về: kinh nghiệm lập và điều chỉnh quy hoạch bảo tồn, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế; việc tổ chức giải phóng mặt bằng, đền bù các dự án nằm trong vùng di sản; việc huy động, thu hút các nguồn lực, xây dựng và quản lý quỹ bảo tồn di sản Huế; việc phối hợp trong công tác quản lý các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo là di tích; kinh nghiệm trong phát triển du lịch, kinh tế di sản, giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; kinh nghiệm trong xây dựng đô thị di sản, các tiêu chí của đô thị loại 1 theo Nghị quyết 27/2022/UBTVQH 15 sửa đổi Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính…
Tỉnh Ninh Bình đề xuất tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp để thúc đẩy, thực hiện các quy trình, tham mưu Trung ương xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho loại hình thành phố di sản Cố đô, kể cả ban hành một pháp lệnh hoặc luật về Cố đô, thành phố lịch sử; mở rộng cơ hội hợp tác và thúc đẩy kết nối giữa các đô thị di sản của Việt Nam với các đô thị Cố đô, thành phố lịch sử trên thế giới.
Tại hội nghị, đại biểu 2 tỉnh đã tập trung trao đổi, làm rõ thêm các nội dung như: công tác lãnh đạo, chỉ đạo hiện thực hóa mục tiêu bằng các giải pháp cụ thể; tranh thủ sự ủng hộ của các Bộ, ngành Trung ương; hệ thống văn bản, cơ chế, chính sách và việc triển khai của tỉnh Thừa Thiên Huế trong công tác bảo tồn, phục dựng, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế; triển khai nghiên cứu, khai quật khảo cổ học, bảo tồn tại chỗ các di tích khảo cổ, công tác bảo quản tư liệu, hiện vật và phục dựng, diễn giải các giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học tại Khu di tích Cố đô Huế; phát triển các loại hình du lịch trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, lịch sử văn hóa gắn với bảo vệ môi trường, nhất là việc xây dựng các sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa của Cố đô Huế… Các đại biểu cũng quan tâm đến cách làm của thành phố Huế trong việc thúc đẩy đô thị hóa phù hợp với đặc điểm Cố đô, xây dựng, quản lý đô thị di sản và tạo tiền đề, điều kiện trở thành thành phố trực thuộc Trung ương…
Kết thúc hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn trân trọng cảm ơn những chia sẻ quý báu, rất có giá trị của tỉnh Thừa Thiên Huế, mong muốn hai tỉnh tiếp tục có sự đồng hành, phối hợp tốt với nhau. Trước mắt phối hợp tổ chức thành công hội thảo khoa học với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế để làm rõ các tiêu chí về đô thị di sản, thúc đẩy các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho loại hình thành phố di sản Cố đô. Những kinh nghiệm, gợi ý của tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ giúp Ninh Bình tranh thủ, tận dụng lợi thế của người đi sau cũng như tận dụng vị trí địa lý là cửa ngõ yết hầu của thủ đô để xây dựng thành công thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo vào năm 2035.
Tin, ảnh: Bùi Diệu
⇒ Đoàn công tác của tỉnh khảo sát một số di tích lịch sử-văn hóa tại tỉnh Thừa Thiên Huế