TTrong ngày thứ 2 diễn ra Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Nho Quan, các trò chơi dân gian của đồng bào Mường là những khu vực thu hút đông đảo sự theo dõi của người dân và du khách. Mọi người ai nấy đều hồ hởi, vui tươi, hòa vào không khí vui nhộn của các trò chơi dân gian như: đánh mảng, đẩy gậy, đi cà kheo, bắn nỏ…
Chị Lê Thị Nga (thôn 4, xã Phú Sơn), vận động viên tham gia thi đẩy gậy cho biết: Đẩy gậy là trò chơi dân gian được người dân địa phương yêu thích, lưu giữ trong sinh hoạt hàng ngày, tổ chức thi đấu trong các dịp lễ hội, ngày Tết. Do đó, tham gia nội dung thi đẩy gậy tại Ngày hội, tôi và các thành viên của xã Phú Sơn không đặt nặng vấn đề thắng-thua mà mong muốn được giao lưu với các đội bạn để cùng nhau giữ gìn phong tục tập quán, hình thức sinh hoạt văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình trong những ngày đầu xuân…
Tại nội dung thi đi cà kheo, nhiều tiếng cười sảng khoái của khán giả dành cho các vận động viên dự thi bởi sự hấp dẫn, bất ngờ của trò chơi đòi hỏi người chơi phải làm chủ được đôi cà kheo cũng như giữ được cân bằng để bước đi nhịp nhàng. Mặc dù là trò chơi dân gian nhưng có khá đông gương mặt trẻ là học sinh THCS, THPT tham dự.
Em Đinh Việt Anh, học sinh lớp 9C, Trường THCS Xích Thổ cho biết: Đây là lần đầu tiên em tham gia Ngày hội và dự thi nội dung đi cà kheo của xã Xích Thổ. Được gặp gỡ, giao lưu với các bác, các cô chú, anh chị và các bạn, em rất vui vì mình đã thêm hiểu nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc. Ở địa phương, em được chứng kiến các bà, các mẹ đi cà kheo và được các bà ở xóm truyền dạy nên em rất thích môn này…
Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Nho Quan năm nay được tổ chức từ ngày 1/3 – 3/3 tại Sân vận động xã Cúc Phương với chủ đề “Nho Quan – Nơi hội tụ và lan tỏa”.
Ngày hội đã thu hút sự góp mặt của 11 đoàn tuyển, với hơn 2.000 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng đến từ các câu lạc bộ văn nghệ, thể thao trong toàn huyện. Tham gia Ngày hội, các địa phương, đơn vị trong huyện đều mong muốn góp sức để tạo ra một không gian văn hóa nhiều màu sắc, đem đến những giá trị tinh thần, lan tỏa thông điệp tích cực, tôn vinh sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ông Vũ Dũng, Chủ tịch UBND xã Thạch Bình cho biết: Cùng với các địa phương, đơn vị trong huyện, xã Thạch Bình đã chuẩn bị các điều kiện, nhất là về lực lượng để tham gia tất cả các nội dung tại Ngày hội với mong muốn được cùng chung tay quảng bá, giới thiệu, lan tỏa những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình đến với đông đảo du khách. Mặc dù thời gian chuẩn bị không dài, nhưng với 18/18 câu lạc bộ văn nghệ, thể thao đã và đang được duy trì hoạt động hiệu quả tại các thôn của xã là lực lượng nòng cốt để tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao trong những ngày diễn ra Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Nho Quan năm 2024.
Chúng tôi mong muốn thông qua việc tham gia Ngày hội của các thành viên các câu lạc bộ văn nghệ, thể thao sẽ góp phần lan tỏa, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc huyện Nho Quan…
Là huyện miền núi, nằm ở cửa ngõ phía Tây Bắc của tỉnh Ninh Bình, nơi hội tụ của 28 dân tộc anh em với số dân trên 174.000 người, trong đó, đồng bào dân tộc Mường chiếm 17%. Nho Quan được nhắc đến như là “miền đất cổ”, nơi đây được bồi tụ bởi nhiều lớp trầm tích văn hóa với những di tích lịch sử ghi dấu sự xuất hiện của con người cách đây hơn 7.500 năm, là cái nôi của phong trào cách mạng và sở hữu nguồn tài nguyên di sản văn hóa đặc sắc.
Với nhiều nỗ lực, các thế hệ đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện đã lưu truyền, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, trong đó nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị như: các lễ hội, nghề thủ công truyền thống, các món ăn ẩm thực, các loại hình diễn xướng như: hát chèo, hát đúm, hát ru, hát sắc bùa, cồng chiêng và các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Mường được bảo tồn, giữ gìn và phát triển.
Trong đó, với ý thức giữ gìn nét văn hóa riêng có của dân tộc mình, cùng sự quan tâm, đầu tư, khuyến khích của các cấp, các ngành, nhiều trò chơi, bộ môn thể thao truyền thống của người Mường Nho Quan hiện đã được phục hồi, lưu giữ và phát triển.
Tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Nho Quan lần này, trong các hoạt động phần hội, huyện đã quan tâm tổ chức các trò chơi, các cuộc thi thể thao vừa kết hợp giữa hiện đại và cổ truyền, giữa người Mường và người Kinh. Điển hình như: Thi bóng chuyền, kéo co… kết hợp với các trò chơi dân gian truyền thống như: đánh mảng, bắn nỏ, đi cà kheo, đẩy gậy… đã tạo nên sức hấp dẫn, sự đa dạng của nét văn hóa Mường trong đời sống hiện nay.
Bà Trần Thị Kim Liên, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nho Quan cho biết thêm: Ngày hội Văn hóa, Thể thao là sự kiện văn hóa thường niên của đồng bào các dân tộc huyện Nho Quan, nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng được gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu tinh hoa văn hóa của dân tộc, địa phương mình.
Thông qua Ngày hội tạo không gian kết nối và giao lưu văn hóa giữa các địa phương trong huyện nhằm tích cực tuyên truyền, giới thiệu bản sắc và những sản phẩm văn hóa đặc trưng của huyện miền núi, phục vụ người dân và du khách, tạo cơ hội giao lưu, học hỏi, đẩy mạnh quảng bá du lịch, bản sắc văn hóa và con người vùng đất Nho Quan.
Trong đó, các hoạt động tại Ngày hội được huyện chú trọng nâng cao tính cộng đồng, đề cao vai trò chủ thể văn hóa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với yếu tố tiến bộ của thời đại.
Thông qua việc tổ chức các môn thể thao, các trò chơi dân gian còn là dịp để huyện phát hiện, lựa chọn các vận động viên tiêu biểu để tiếp tục bồi dưỡng, chuẩn bị lực lượng tham gia các giải văn nghệ, thể thao do cấp trên tổ chức.
Bùi Diệu-Minh Quang