Ngày 24/2 (tức rằm tháng Giêng năm Giáp Thìn), UBND xã Gia Hưng (huyện Gia Viễn) tổ chức Lễ khai hội đền Cát Đùn năm 2024. Đông đảo nhân dân, du khách thập phương đã về chiêm bái và dâng lễ.
Theo truyền thuyết kể lại, từ thuở xa xưa, tại chốn sơn động này đã xảy ra điều kỳ thú hiếm thấy. Cứ vào tháng 8 âm lịch hàng năm, cát trong hang núi đùn ra ngoài cửa hang. Tương truyền, hình dáng đống cát sẽ dự báo sự việc có thể xảy ra trong năm. Nếu đống cát có hình đống lúa thì năm đó mưa thuận gió hòa, sản xuất nông nghiệp được mùa, nhân dân ấm no; nếu đống cát hình con đê, dự báo hiện tượng có mưa to, lũ lụt… Đến tháng 3 năm sau, cát lại bị hút hết vào trong hang động.
Thấy điều lạ, nhân dân đã lập đền thờ Chúa Sơn Lâm và Đức Cao Sơn Thành Hoàng. Đền được lập trên một hốc đá, phía dưới là hang sâu, đến nay vẫn còn hiện hữu. Nơi đây, hiện còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị văn hóa, đặc biệt là bộ cổ vật “Khiết Đùn từ 36 quẻ” viết bằng chữ Hán Nôm, khắc trên gỗ Thị, niên hiệu Bảo Đại Ngũ Niên.
Lễ hội Cát Đùn được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng hàng năm. Với hình thức tổ chức trang trọng, thành kính, lễ hội đã thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và du khách thập phương về chiêm bái, dâng lễ cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no, an bình, khỏe mạnh.
Việc tổ chức lễ hội hàng năm cũng đã góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, đồng thời quảng bá tiềm năng, thế mạnh về kinh tế – xã hội, những nét văn hóa đặc sắc, những di tích, danh lam thắng cảnh của đất và người Gia Hưng.
Trong thời gian tới, đền Cát Đùn sẽ tiếp tục được địa phương chăm lo, gìn giữ, tôn tạo, tổ chức tốt các hoạt động lễ hội, du lịch… để xứng với tầm vóc là Khu di tích lịch sử cấp tỉnh.
Đào Hằng-Minh Quang