Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc đến nay đã lùi xa 45 năm. Thế nhưng những ký ức của nhiều cựu chiến binh về những trận đánh tại mặt trận Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang vẫn in sâu trong tâm khảm.
Trầm ngâm khi nhớ lại những tháng ngày từ nhập ngũ, tới hành quân, chiến đấu trên mặt trận phía Bắc, ông Nguyễn Văn Phương, người lính thuộc sư đoàn 356 từng chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên – nói rằng khoảng thời gian từ năm 1984 – 1985 sẽ là những ký ức tồn tại mãi trong cuộc đời ông. Nhiều năm đã qua đi, nhưng trong những giấc mơ, ông vẫn đang thấy mình hành quân cùng đồng đội, cũng như chiến đấu trên chiến trường.
“Khi trở về từ cuộc chiến, tôi quay lại làm việc bình thường. Mình cũng là một hạt bụi trong sự xả thân của đồng chí, đồng đội. Điều day dứt là rất nhiều anh em đã hy sinh mà phần mộ vẫn chưa thể quy tập được. Đó chính là nỗi băn khoăn lớn nhất”, ông Phương nói.
Nhập ngũ, hành quân và chiến tranh
Ông Phương kể mình nhập ngũ vào năm 1983 lúc mới 19 tuổi. Khi ấy xã nơi ông ở có đến 70 thanh niên nhập ngũ. Sau một khoảng thời gian huấn luyện tại tỉnh Hoàng Liên Sơn (xưa tỉnh Hoàng Liên Sơn là sự hợp nhất của tỉnh Lào Cai, Yên Bái và các huyện Mù Căng Chải, Văn Chấn, Trạm Tấu, Than Uyên), ông Phương được phân đi “Bắc ngược”.
Nhớ như in cái ngày chứng kiến người đồng đội quê Thanh Sơn, Phú Thọ hy sinh đầu tiên, ông Phương nói mình cùng đồng đội chưa bao giờ trải qua cảm xúc nào như thế.
“Tôi nghĩ, cậu ấy dường như đã linh cảm được chuyện chẳng lành sẽ đến với mình. Khi đồng chí ấy hy sinh, chúng tôi giở ba lô ra thấy có một bức thư đã viết sẵn. Một bức thư dán chéo, được lấy than củi miết nên có màu đen.
Tất cả chúng tôi khi ấy đều không ai có đủ can đảm mở nó ra để đọc. Bức thư được chuyển về xuôi sau đó”, giọng ông Phương trầm xuống. Để lại phía sau người đồng đội chưa kịp biết tên, ông Phương và đơn vị của mình tiếp tục cuộc chiến bằng những trận đánh. Ông nghẹn ngào nhắc đến ngày 12/7/1984, ngày ông chứng kiến thêm rất nhiều sự hy sinh.
“Ngày hôm ấy, tiểu đoàn đánh trận. Đại đội 1 đánh chủ lực, đại đội 2 kế cận đại đội 1, tôi ở đại đội 3 kế cận đại đội 2. Kết thúc trận đánh, đại đội 1 gần như hy sinh toàn bộ”.
Trung đội cảm tử và điếu văn trước khi vào trận
Câu chuyện dường như đang trầm xuống thì ánh mắt của ông Phương bất chợt sáng lên, giọng nói của ông mạnh hơn khi kể về một đơn vị có tên “Trung đội cảm tử”.
“Sau trận đánh ác liệt vào tháng 7/1984, chúng tôi tiếp tục ở đấy phòng ngự cho đến tháng 8 thì nhận được nhiệm vụ đặc biệt. Tôi cùng khoảng hơn 30 đồng chí nữa được phân vào “Trung đội cảm tử”, thực hiện nhiệm vụ đặc biệt. Nhiệm vụ đặc biệt đến mức một tiểu đoàn trưởng được cử xuống làm trung đội trưởng. Và khi hành quân tất cả đều không đeo quân hàm để đảm bảo bí mật. Khi ấy, chúng tôi chuẩn bị đánh một trận sát Tết 1984″.
Ông Phương kể trung đội của ông có nhiệm vụ luồn sâu, thiết lập một trận địa để thu hút hỏa lực. Trong khi đó, một đơn vị khác đào hào tiến sâu để mở một mũi tiến công số 2.
“Trước khi vào trận, một đồng chí tiểu đoàn phó phụ trách về vấn đề chính trị đã đọc điếu văn cho toàn bộ thành viên của trung đội”, ông Phương kể lại giây phút trước khi “Trung đội cảm tử” hành quân thực hiện nhiệm vụ đặc biệt.
Trả lời câu hỏi cắt ngang của tôi rằng có sợ khi nghe điếu văn cho cả trung đội mình trước ngày vào trận hay không, ông Phương mỉm cười và rồi nói chậm rãi: “Bố tôi là chiến sỹ kháng chiến chống Pháp, khi tham gia chiến đấu, ông nhận được rất nhiều huân huy chương của Nhà nước. Trước khi đi, ông cụ đã dặn tôi phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Tôi tự nhủ, mình phải noi gương, mình phải vào trận, vô tư thôi”. Trong quá trình hành quân ra trận, ông Phương kể rằng ông đã gặp một người vô cùng đặc biệt.
“Khi hành quân tôi có gặp một người lính. Vì không ai đeo quân hàm nên không biết ai là lính, ai là cấp trên. Về sau tôi mới biết người lính đó là Tướng Hoàng Đan. Vị tướng ấy đã nói với tôi một câu mà tôi sẽ không bao giờ quên. Đó là trong chiến trận con người ta có số, cứ thế mà đi thôi bởi có muốn tránh cũng không tránh được”.
3 tháng không đánh răng, không cắt tóc, không cạo râu, không cắt tóc, không cơm ăn
Luồn sâu vào trận địa, “Trung đội cảm tử” của ông Phương được chia ra làm các tổ nhỏ, mỗi tổ 3 – 7 người được phân vào các vị trí cách nhau từ 25 – 30m theo đường chim bay. Mỗi người trong tổ lại được phân ở một vị trí là những khe đá, vách núi.
Theo ông Phương đây là những ngày tháng khốc liệt nhất trong những tháng ngày binh nghiệp của ông. Hàng ngày, ông cùng các đồng đội trở thành “bia” hứng chịu hỏa lực. Đạn pháo hàng ngày giáng xuống đến mức cả một đồi đá hóa thành vôi.
3 tháng bám trụ để đánh lạc hướng địch, tạo điều kiện cho đơn vị khác tấn công, tại những vách đá cheo leo là những ngày “5 không” của ông Phương cùng các đồng đội: Không đánh răng, không cắt tóc, không cạo râu, không thay quần áo, không có cơm ăn.
Dưới hỏa lực, việc tiếp tế vô cùng khó khăn, đặc biệt là nước uống. Nước uống tiếp tế được đựng vào tăng võng giấu trong các khe đá và chỉ sử dụng khi thật sự cần thiết. Ông Phương nói rằng, trong suốt 3 tháng, ông không đánh răng, không rửa mặt, thậm chí nước súc miệng xong là phải uống luôn để tiết kiệm.
“Bộ quần áo tôi mặc thế nào trước khi lâm trận thì còn nguyên như thế khi tôi nhận lệnh rút”, người lính Hà Giang năm xưa nhớ lại. Cũng trong suốt 3 tháng này, ông không có được một bữa cơm khi thức ăn tiếp chỉ là lương khô, gạo sấy. Ngoài những người bị thương, hy sinh được chuyển ra ngoài, không ít đồng đội của ông Phương đã phải rời mặt trận vì sức khỏe không chịu được điều kiện chiến đấu quá khó khăn.
“Bạn biết không, điều sung sướng nhất khi được nhận lệnh rút là tôi có thể ăn một bữa cơm nấu và được duỗi chân khi nằm ngủ”.
Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử
Kết thúc nhiệm vụ đặc biệt và trải qua một số trận đánh khác, ông Phương được lệnh xuất ngũ vào năm 1986. Lặng lẽ đi chuyến tàu trở về trong đêm, ông Phương kể rằng, khi xuống tới Ga Hà Nội, mọi thứ như ở một thế giới khác.
Cuộc sống yên bình và được gặp lại những thân khiến người lính không sợ hãi khi xông pha trận mạc vỡ òa trong nước mắt. Ông kể, về đến nhà ông mới biết, cả nhà đã thắp hương cho mình vì cả năm trời không nhận được bất cứ tin tức nào.
Nói chuyện về cuộc sống sau quân ngũ, ông Phương bảo, xuất quân, ông trở lại rồi đi làm như mọi người nên vì thế, nhiều năm sau cuộc chiến ở mặt trận Vị Xuyên, không có nhiều người biết ông từng đi lính.
Ông Phương đưa cho tôi xem cuốn lý lịch quân nhân mà ông nâng niu như vật báu. Cuốn lý lịch mỏng manh chỉ vài trang giấy, chữ được viết tay, màu mực đã mờ, giản dị như không thể giản dị hơn, nhưng tôi thấy được sự tự hào của ông Phương khi ông giở từng trang giấy.
Giọng của ông đột nhiên trầm xuống khi nói đến những đồng đội đã ngã xuống. Ông Phương cho biết nỗi đau đáu lớn nhất của ông và những người lính Vị Xuyên vào lúc này là còn rất nhiều đồng đội ngã xuống chưa thể quy tập.
Ông kể trong chuyến đi về Vị Xuyên, Hà Giang mà ông nói lúc đầu, đoàn đã tìm được 6 bộ hài cốt nhưng tất cả đều không thể xác định được danh tính.
“Tất cả đều được tìm thấy ở những ngách đá. Lúc bị thương không có ai cứu, đồng đội của chúng tôi cố bò vào ngách đá, đến lúc không chịu được nữa thì hy sinh tại đó” – ông Phương nói.
Cuộc chiến đã trôi qua 45 năm, song đất nước này, dân tộc này, cũng như mọi người dân Việt Nam sẽ không bao giờ quên sự hy sinh của ông Phương cũng như những người đã đổ xương máu vì tổ quốc này. Chúng ta sẽ không bao giờ quên!
Có người lính
Mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo
Có người lính
Mùa xuân ấy ra đi từ đấy không về
–
Dòng tên anh khắc vào đá núi
Mây ngàn hóa bóng cây che
Chiều biên cương trắng trời sương núi
Mẹ già mỏi mắt nhìn theo
–
Việt Nam ơi! Việt Nam!
Núi cao như tình mẹ, bốn mùa tóc bạc nỗi thương con
–
Việt Nam ơi! Việt Nam!
Ngọn núi nơi anh ngã xuống
Rực cháy lên màu hoa đỏ phía rừng xa
Rực cháy lên màu hoa đỏ phía hoàng hoàng hôn
–
Bài hát: Màu hoa đỏ
Nhạc: Nhạc sĩ Thuận Yến
Lời: nhà thơ Nguyễn Đức Mậu
(VTV)