Cùng đi có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: đồng chí Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Tô Văn Từ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; đồng chí Lê Hữu Quý, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Hoàng Hà, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, thành phố Ninh Bình, huyện Hoa Lư.
Tại thành phố Ninh Bình, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và đoàn đã thăm, động viên công tác ra quân sản xuất đầu Xuân của các cán bộ, kỹ sư, công nhân đang thi công dự án xây dựng Cụm công trình thủy lợi Nam sông Vân, công trình xây dựng Nhà văn hóa trung tâm tỉnh, dự án xây dựng tuyến đường Đinh Tiên Hoàng giai đoạn II và dự án xây dựng kênh kết hợp đường Vạn Hạnh.
Đại diện chủ đầu tư và nhà thầu thi công đã báo cáo tình hình thực hiện các dự án và công tác ra quân thi công đầu năm. Theo đó, dự án Cụm công trình thủy lợi Nam sông Vân có tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng, gồm các hạng mục: Nạo vét, kè chống sạt lở 2 bờ sông, xây dựng đường dạo hai bên, bến thuyền, đoạn từ cầu Vân Giang đến cầu Lim có chiều dài 1km…
Dự án khởi công từ tháng 7/2023, đến nay, nhà thầu đã đắp đường thi công, nạo vét lòng sông, ép cọc bê tông, thi công dầm mũ khóa đầu kè. Chủ đầu tư là Sở Nông nghiệp và PTNT đang phối hợp với UBND thành phố Ninh Bình tích cực hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng các vị trí còn vướng mắc, cũng như phối hợp với Sở Xây dựng, UBND thành phố nghiên cứu mở rộng lòng sông đoạn tiếp giáp cầu Lim.
Công trình xây dựng Nhà văn hóa trung tâm tỉnh được khởi công vào tháng 7/2021. Hiện nay, công trình đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn hoàn thiện một số công việc còn lại như: lắp đặt nội thất, điện chiếu sáng, trang trí, trồng cây xanh… , chạy thử các loại thiết bị trước khi bàn giao đưa vào sử dụng.
Dự án xây dựng tuyến đường Đinh Tiên Hoàng (giai đoạn II) và Dự án xây dựng kênh kết hợp đường Vạn Hạnh (giai đoạn I) là 2 công trình quan trọng góp phần mở rộng không gian đô thị và cùng với các tuyến giao thông khác tạo thành mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, liên hoàn, góp phần khai thác tốt tiềm năng du lịch của tỉnh.
Thăm hỏi, động viên, tặng quà đội ngũ kỹ sư, công nhân đang thi công các dự án, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn ghi nhận nỗ lực của chủ đầu tư, nhà thầu và đơn vị liên quan trong triển khai các dự án đảm bảo tiến độ. Nhấn mạnh về vai trò và tầm quan trọng của các dự án đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, tạo điểm nhấn nổi bật về kiến trúc cho đô thị Ninh Bình, đồng chí yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với chính quyền, tập trung cao cho công tác giải phóng mặt bằng, đồng thời tăng cường phối hợp với các đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu nỗ lực thi đua, đẩy nhanh tiến độ với quyết tâm hoàn thành vượt kế hoạch đề ra, sớm đưa các công trình vào sử dụng…
Tại huyện Hoa Lư, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Đoàn đã đến thăm Công ty TNHH Thêu Minh Trang tại xã Ninh Hải. Kế thừa những tinh hoa truyền thống của làng thêu Văn Lâm có tuổi đời hàng trăm năm, Công ty Minh Trang hiện có 50 công nhân, nghệ nhân thêu lành nghề chuyên sản xuất các mặt hàng chăn, ga, gối đệm, quà lưu niệm khâu tay, thêu tay bán cho khách du lịch cũng như xuất khẩu đi các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Úc… Công ty đang triển khai dự án xây dựng Xưởng thêu và Khu dịch vụ du lịch làng nghề, kết hợp với nghỉ dưỡng, ẩm thực.
Ân cần thăm hỏi, động viên các nghệ nhân, người lao động tại Công ty Minh Trang, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ tin tưởng với sức sáng tạo và sự nhiệt huyết, các cá nhân sẽ phát huy hơn nữa thế mạnh làng nghề truyền thống của địa phương, từ đó đưa các sản phẩm thêu của Văn Lâm tiến xa hơn, trở thành niềm tự hào của Ninh Bình. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý trong quá trình phát triển, xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp cần tổ chức lại không gian trưng bày, đưa thêm những câu chuyện lịch sử, yếu tố văn hóa truyền thống vào các sản phẩm để gia tăng trải nghiệm cho du khách. Đồng thời chú ý sản xuất theo hướng xanh, tuần hoàn, thân thiện với môi trường.
Tiếp đó, đoàn đã đến thăm, kiểm tra công tác đón khách du lịch tại bến thuyền Tam Cốc, thuộc Khu du lịch Tam Cốc – Bích Động và khu nghỉ dưỡng Emeralda Tam Cốc. Là một trong những trọng điểm du lịch của tỉnh, những năm gần đây, khu du lịch Tam Cốc – Bích Động luôn thu hút một lượng lớn du khách trong nước và quốc tế tới tham quan, thưởng ngoạn. Hàng năm, đây cũng là nơi tổ chức Tuần du lịch Ninh Bình với chủ đề “Sắc vàng Tam Cốc – Tràng An”. Những ngày đầu xuân Giáp Thìn, mỗi ngày, Khu du lịch tiếp đón khoảng 5.000 lượt khách.
Khu nghỉ dưỡng Emeralda Tam Cốc hiện có 86 phòng nghỉ tiêu chuẩn hạng khách sạn 4 sao. Mặc dù mới đưa vào hoạt động nhưng đã được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến và đánh giá cao. Hiện, Nhà đầu tư đã nghiên cứu xin điều chỉnh dự án theo hướng đầu tư thêm một số hạng mục phụ trợ để đa dạng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ; đồng thời mong muốn tỉnh quan tâm, tạo điều kiện để doanh nghiệp được liên kết với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh để đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho ngành du lịch.
Ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực và những đóng góp của các doanh nghiệp cho sự phát triển của du lịch Ninh Bình, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị trong thời gian tới các doanh nghiệp tiếp tục đổi mới phương thức quản lý, nâng cao hiệu quả hợp tác, coi trọng sự đồng thuận và tham gia tích cực, trách nhiệm của người dân địa phương trong việc bảo vệ, giữ gìn di sản và tài nguyên du lịch, để Khu du lịch Tam Cốc – Bích Động thực sự trở thành điểm sáng về văn minh, văn hóa và an toàn trong phát triển du lịch.
Đồng chí cũng mong muốn các doanh nghiệp tăng cường liên kết, tích lũy và chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành viên, nhằm kết nối các điểm đến, hình thành các tour, tuyến, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch ở Ninh Bình.
Ghi nhận kiến nghị của các doanh nghiệp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương theo chức năng nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh xây dựng các chính sách để hỗ trợ, tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp phát triển, mở rộng kinh doanh.
Thăm cơ sở đá mỹ nghệ Xuân Phúc 236 tại xã Ninh Vân, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy biểu dương sự năng động, nhạy bén của chủ cơ sở trong việc đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm thị trường, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Để xây dựng làng nghề trở thành một trung tâm chuyên sản xuất đá mỹ nghệ chất lượng cao, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, địa phương cũng như các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần chú trọng công tác đào tạo, truyền dạy nghề, quan tâm nghiên cứu làm các sản phẩm tinh xảo hơn để phục vụ khách du lịch. Đặc biệt, phải đảm bảo an toàn lao động và môi trường làng nghề.
Cũng tại huyện Hoa Lư, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Đoàn công tác đã đi thăm vùng chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang cây cỏ ngọt của gia đình bà Nguyễn Thị Tương ở xã Trường Yên. Mô hình có quy mô 3 ha, sản lượng năm 2023 đạt 10 tấn cỏ ngọt khô, lợi nhuận ước đạt trên 100 triệu đồng/ha. Năm 2024, dự kiến lợi nhuận sẽ tăng gần gấp 3, lên 270 triệu đồng/ha. Khẳng định đây là mô hình cho hiệu quả cao, cần được tiếp tục đầu tư, nhân rộng trong thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị gia đình tiếp tục chia sẻ giống, kỹ thuật, thị trường cho người dân địa phương để từng bước nâng cao giá trị canh tác, tạo ra các sản phẩm sạch, hiệu quả kinh tế cao, có lợi cho sức khỏe cộng đồng. Nhân dịp đầu Xuân mới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chúc bà con nông dân có một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Nguyễn Lựu-Anh Tuấn