Với việc tuyên truyền, đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều nông dân tiêu biểu, xuất sắc, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động địa phương.
Là phụ nữ, nhưng bà Lương Thị Thịnh, chủ Cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Thịnh Vượng, thôn Xuân Phúc, xã Ninh Vân (huyện Hoa Lư) không ngại khó, ngại khổ, đặc biệt có niềm say mê với nghề truyền thống sản xuất đá mỹ nghệ của cha ông để quyết tâm đầu tư, sản xuất thành công. Năm 2023, bà Thịnh là một trong 2 cá nhân của tỉnh Ninh Bình được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn vào tốp 100 “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023”.
Bà Thịnh chia sẻ: Trong quá trình xây dựng và phát triển cơ sở, gia đình bà được vay nguồn vốn 2 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh, thêm vào đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ cho việc chế tác đá mỹ nghệ. Hiện nay, gia đình bà Thịnh có dàn máy móc trị giá gần 2 tỷ động. Cơ sở sản xuất rộng hàng nghìn m2, có thể nhận và làm đa dạng các sản phẩm đá từ đơn giản đến tinh xảo, như chậu cảnh, bàn, ghế, sập… đến các sản phẩm đá đặt tại các công trình lớn như đình, chùa, lăng mộ, tượng đài… Tâm huyết với nghề, trong quá trình sản xuất, bà Thịnh luôn giữ chữ tín và tạo được niềm tin với khách hàng, do đó các đơn hàng ổn định và thường xuyên làm không hết việc.
Là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân xã Ninh Vân, bà Lương Thị Thịnh nhận thấy sự cần thiết để duy trì và phát triển nghề truyền thống của quê hương, bà cùng tổ chức Hội phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Trung tâm học tập cộng đồng xã mở các lớp học nâng cao tay nghề chế tác đá cho con em địa phương và những lao động ngoài xã có nhu cầu phát triển nghề. Đồng thời, bà Thịnh thành lập Tổ hợp tác Sản xuất chế tác đá mỹ nghệ với 35 thành viên, thường xuyên gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất, kinh doanh… Sau khi thành lập, đến nay, Tổ hợp tác luôn hoạt động đúng mục đích, có hiệu quả và ngày càng có nhiều thành viên được tạo điều kiện để hoạt động và thu lợi từ làm nghề tốt hơn.
Hiện Cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Thịnh Vượng do bà Thịnh làm chủ mỗi năm cho doanh thu 5 tỷ đồng, trừ các chi phí còn lãi khoảng 1 tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho riêng mình, bà Thịnh còn tạo việc làm cho gần chục lao động thường xuyên, với thu nhập trung bình từ 10-12 triệu đồng/ người/tháng và hàng chục lao động thời vụ ở địa phương với thu nhập 5-7 triệu đồng. Ghi nhận những nỗ lực và đóng góp của bà Thịnh trong phong trào thi đua của Hội Nông dân, bà Lương Thị Thịnh đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là 1 trong 100 “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023”.
Cũng như bà Thịnh, ông Bùi Đức Thịnh, xã Gia Hòa (huyện Gia Viễn) vinh dự được nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023”. Ông chia sẻ về thành quả để có niềm vui này, năm 2014, thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng tại địa phương, ông đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi 2,6 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản và trồng cây ăn quả. Nhờ ứng dụng công nghệ thông minh trong nuôi trồng thủy sản thông qua việc xây dựng hệ thống ao nuôi được điều khiển từ xa bằng điện thoại và sử dụng máng ăn nuôi cá tự động, mô hình kinh tế của gia đình ông tạo ra sự đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm.
Ông Thịnh cũng là một trong những người tiên phong áp dụng nuôi cá theo quy trình VietGAP không chỉ cho hiệu quả rất cao mà còn khắc phục được những hạn chế của phương pháp nuôi truyền thống trước kia. Với việc áp dụng nuôi trồng thủy sản theo quy trình VietGap và ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất, mô hình của gia đình ông Bùi Đức Thịnh mở ra hướng phát triển mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bình quân mỗi năm, gia đình ông Thịnh xuất bán trên trên 70 tấn cá, cho doanh thu trên 3,5 tỷ đồng, trừ các loại chi phí còn lãi từ 800 đến gần 1 tỷ đồng. Năm 2022, ông Thịnh được Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2017-2022. Mới đây, ông Bùi Đức Thịnh tiếp tục vinh dự được công nhận là 1 trong 100 “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023”.
Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là một phong trào lớn do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động. Đến nay, phong trào đã phát triển sâu rộng, có sức lan tỏa, lôi cuốn, khích lệ cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh, đặc biệt là tạo mối liên kết giữa các hộ nông dân ngày càng chặt chẽ, tạo điều kiện để thực hiện tái cơ cấu và sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế tập thể, các mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; hình thành chuỗi các cửa hàng nông sản sạch, an toàn… Đồng thời, phong trào đã góp phần hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh, mô hình kinh tế trang trại, xây dựng các mô hình cây trồng, con nuôi có hiệu quả kinh tế cao, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tại các địa phương.
Trong 5 năm qua, toàn tỉnh có trên 29,7 nghìn hộ nông dân các cấp đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” và trên 310 mô hình giảm nghèo bền vững. Hàng năm, qua bình bầu, toàn tỉnh có trên 300 hộ nông dân có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, nhiều hộ nông dân được Hội Nông dân, UBND các cấp biểu dương, khen thưởng. Qua đó khẳng định, phong trào đã lan tỏa, nhân rộng trong các hội viên, nông dân, thúc đẩy và động viên mỗi người cần cù, chịu khó, thêm niềm say mê lao động sáng tạo, tiếp thu học hỏi cái mới, cái hay, áp dụng KHKT vào sản xuất, kinh doanh nhằm mang lại hiệu quả cao hơn.
Bài, ảnh: Huy Hoàng