Chiều 3/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức, được kết nối trực tuyến từ điểm cầu Hà Nội đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có các đồng chí: Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện Kế hoạch năm 2023 trong điều kiện thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen; trong đó, đặc biệt khó khăn về thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản. Tuy nhiên, nhờ bám sát thực tiễn, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, ngành vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện. Tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây.
Tổng kim ngạch xuất khẩu trên 53 tỷ USD; thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%. Trong đó, một số mặt hàng tăng cao kỷ lục như: Rau quả 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%; gạo 4,78 tỷ USD, tăng 38,4% (Gạo ST25 lần thứ 2 đạt giải quán quân, ngon nhất thế giới); hạt điều 3,63 tỷ USD tăng 17,6%. Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, thu về 1.200 tỷ đồng.
Sản phẩm OCOP phát triển nhanh về số lượng và chất lượng được nâng cao, phát triển thương hiệu; đến nay có 11.056 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 2.189 sản phẩm) với 5.724 chủ thể tham gia; có gần 20.500 HTX nông nghiệp và 19.660 trang trại.
Về xây dựng nông thôn mới (NTM), đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 6.370/8.167 (78%) xã đạt chuẩn NTM, trong đó 1.612 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 256 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 270 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, có 5 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Năm 2024, ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3 – 3,5%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 54 – 55 tỷ USD. Tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM 80%; có 290 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 58%; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42,02%, nâng cao chất lượng rừng.
Tại hội nghị, đại diện các địa phương, hiệp hội ngành hàng đã tham luận làm rõ hơn bức tranh nông nghiệp năm 2023, những khó khăn, phương hướng trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao sự đóng góp của ngành Nông nghiệp trong thành tích chung về phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong năm qua. Ngành đã xoay chuyển tình thế, tự tin, kịp thời, sáng tạo, vượt cơn gió ngược để thu được những kết quả ấn tượng trong xuất khẩu nông sản.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới ngành Nông nghiệp cần chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông, lâm, thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng. Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua tháo gỡ rào cản, nút thắt cơ chế, chính sách, gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan, tìm hiểu, kết nối thị trường, đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu. Triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành Nông nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện các thể chế, cơ chế, chính sách quan trọng cho phát triển ngành, đặc biệt là công tác quy hoạch phải đảm bảo tầm nhìn chiến lược dài hạn, phát huy tối đa lợi thế nổi trội của đất nước. Cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh vào nông nghiệp, nông thôn.
Nguyễn Lựu-Minh Đường