Do đó, để kiểm soát được thực phẩm, hàng hóa đảm bảo chất lượng phục vụ người tiêu dùng dịp cuối năm, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội Xuân 2024, đòi hỏi phải có sự tham gia mạnh mẽ của các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể, các cơ quan quản lý chuyên ngành, các doanh nghiệp, người tiêu dùng và toàn xã hội.
Vào mỗi dịp Tết đến và mùa lễ hội Xuân tập trung đông người, cùng với nỗi lo khan hàng, tăng giá là vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) được người dân quan tâm. Bởi các loại hàng hóa không đảm bảo chất lượng, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ…, đặc biệt tại các chợ truyền thống, chợ tạm, chợ cóc có dịp trà trộn, tung ra thị trường tiêu thụ nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Cùng với đó, giai đoạn này, thời tiết phía Bắc thường ẩm ướt, làm ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm. Do đó, nguy cơ ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm rất dễ xảy ra. Hiện trên địa bàn tỉnh có hàng chục nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến, cung cấp và tiêu thụ, phục vụ các sản phẩm thực phẩm, trong đó tập trung nhiều nhất tại thành phố Ninh Bình.
Là địa phương có nhiều danh lam thắng cảnh, thu hút đông người về tham quan, chiêm bái dịp Tết và lễ hội Xuân, công tác đảm bảo ATTP luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng với sự vào cuộc của chính quyền các cấp, các hội, đoàn thể, sự tham gia phối kết hợp tích cực có hiệu quả của các đơn vị đúng theo kế hoạch đã đề ra một cách nghiêm túc, đồng bộ từ tỉnh, huyện, đến xã.
Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội Xuân 2024, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, sức khỏe của người dân để vui Xuân an toàn, tạo sự phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu thực phẩm, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh xây dựng kế hoạch và tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ cấp tỉnh đến cấp xã từ ngày 20/12/2023-20/3/2024. Trong đó, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn.
Theo đó, tại địa phương, thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tại các cấp, từ cấp tỉnh đến cấp xã, chủ động kiểm tra trước, trong và sau Tết và lễ hội, tùy theo đặc thù, điều kiện của từng địa phương. Trong đó, các hoạt động truyền thông về ATTP được chú trọng triển khai, huy động tối đa sự tham gia, vào cuộc của các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phương tiện truyền thông thích hợp như: Đưa tin, bài, phóng sự, phổ biến kiến thức về ATTP trên các cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương; trên website, trang mạng xã hội Facebook, Zalo của các sở, ban, ngành, đoàn thể; trên hệ thống đài phát thanh huyện, thành phố và loa phát thanh xã, phường, thị trấn; treo khẩu hiệu tại các trục đường lớn, khu trung tâm, nơi tập trung đông người qua lại; cấp phát tờ rơi tuyên truyền về ATTP cho người tiêu dùng, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm; thực hiện tuyên truyền trực tiếp trong quá trình kiểm tra ATTP tại các cơ sở Nội dung truyền thông tập trung phổ biến các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm an toàn; các biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc rượu, nấm độc, cũng như các quy định của pháp luật về ATTP nhằm nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về ATTP trong các tầng lớp nhân dân.
Đồng thời, làm rõ vai trò, trách nhiệm của UBND các cấp, của người quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm chất lượng ATTP theo quy định. Trong đó, tập trung tuyên truyền cho các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm tuân thủ nghiêm các quy định về ATTP, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến được phép sử dụng theo đúng quy định.
Tuyên truyền cho người dân nhận biết trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn, tươi sống, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đặc biệt là trong mua sắm hàng hóa, thực phẩm online. Không lạm dụng rượu trong dịp Tết, mùa lễ hội, chủ động phòng chống ngộ độc rượu; không ăn thức ăn sống, món ăn tái, nấm lạ,…
Đồng thời, tăng cường các hoạt động giám sát ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm, giám sát các mối nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, phát hiện sớm và chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện xử trí cấp cứu, điều trị kịp thời, điều tra xác minh khi có các vụ ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra…
Tỉnh Ninh Bình phát huy kết quả là địa phương có sự quan tâm, giám sát, kiểm soát chặt chẽ và làm tốt công tác đảm bảo ATTP, hạn chế số vụ việc vi phạm về ATTP. Nhân dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội Xuân 2024 tiếp tục duy trì các giải pháp triển khai thực hiện nhằm góp phần chấn chỉnh và đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước, ngăn ngừa thực phẩm giả, thực phẩm không rõ nguồn gốc, kiểm soát ngộ độc thực phẩm, không để xảy ra tử vong do ngộ độc thực phẩm. Đây cũng là điều kiện quan trọng và cần thiết để khách du lịch lựa chọn Ninh Bình là điểm đến an toàn và thân thiện.
Hạnh Chi