Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến, với sự tham dự của các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố…
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình có đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, quán triệt sâu sắc chủ trương Đại hội XIII của Đảng đã đề ra về “xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp và thường xuyên là Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ, công tác ngoại giao kinh tế đã có những bước phát triển mới theo hướng toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn.
Các hoạt động ngoại giao kinh tế đã và đang được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ rộng khắp các trụ cột đối ngoại, bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, đóng góp quan trọng vào tạo dựng cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế mà đất nước ta chưa bao giờ có được như ngày nay.
Việt Nam đến nay là nền kinh tế lớn thứ 11 châu Á, nằm trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, 30 nền kinh tế có thương mại lớn nhất, là một trong 3 nước thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất trong ASEAN và có mạng lưới liên kết kinh tế sâu rộng, đa tầng nấc, trong đó đã ký 16 FTA bao trùm tất cả các nền kinh tế chủ chốt của thế giới.
Vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao, khuôn khổ quan hệ với nhiều đối tác quan trọng được nâng lên tầm cao mới, mạng lưới quan hệ đối ngoại đã đạt được những bước phát triển mới về chất, củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi.
Đối với tỉnh Ninh Bình, thời gian qua, công tác đối ngoại được triển khai hiệu quả và có những bước phát triển tích cực là do Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn bản định hướng, chỉ đạo, điều hành nhằm đẩy mạnh công tác đối ngoại, mở rộng quan hệ hợp tác, hội nhập quốc tế là cơ sở để triển khai thuận lợi các hoạt động đối ngoại tại địa phương.
Các cấp lãnh đạo của tỉnh, đặc biệt là lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ngày càng đánh giá cao vai trò của đối ngoại trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội. Trên cơ sở đó, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành nhằm quản lý thống nhất, chặt chẽ các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh, tổ chức nhiều hoạt động tích cực nhằm quảng bá du lịch tỉnh Ninh Bình tới du khách quốc tế; tích cực xây dựng môi trường đầu tư uy tín, thuận lợi thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại các cụm, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Năm 2023, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quốc tế có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; đẩy mạnh hợp tác cấp địa phương với nhiều nước trên thế giới, đưa các mối quan hệ đi vào chiều sâu.
Tỉnh đã tổ chức 6 đoàn công tác nước ngoài, thúc đẩy mối quan hệ và hợp tác song phương, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; ký biên bản thỏa thuận về hợp tác hữu nghị, biên bản làm việc giữa UBND tỉnh và các thành phố của Nhật Bản, Iran, Lào, Hàn Quốc; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch quốc tế; hoạt động xuất khẩu; tăng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thu hút vốn ODA, vốn vay ưu đãi và tài trợ phi chính phủ nước ngoài. Trên địa bàn tỉnh hiện có 97 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư đăng ký trên 1 tỷ USD.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận, đánh giá triển vọng kinh tế thế giới, xu thế đầu tư của các nước lớn và tác động đến kinh tế Việt Nam; trao đổi kinh nghiệm tranh thủ các hiệp định thương mại tự do để tăng tốc xuất khẩu, xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam; tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; đề xuất các giải pháp thu hút nguồn lực nước ngoài phục vụ các khâu đột phá chiến lược; làm sâu sắc thêm hợp tác kinh tế với các nước và tranh thủ các sáng kiến mới cho phát triển hạ tầng chiến lược; yêu cầu đặt ra đối với thu hút đầu tư nước ngoài trong tình hình mới…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương, ghi nhận những thành tựu công tác ngoại giao kinh tế đã đạt được từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đến nay. Chỉ rõ một số hạn chế còn gặp phải, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, trong đó đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần có tư duy đổi mới, nắm chắc tình hình, thay đổi cách tiếp cận, tham mưu cho Đảng, Nhà nước xây dựng chiến lược ngoại giao kinh tế phù hợp, tập trung vào các khâu trọng tâm, trọng điểm, có tầm nhìn chiến lược.
Cùng với đó là kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; học tập phương thức quản trị hiện đại, hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; đảm bảo độc lập, tự chủ và tích cực hội nhập; thực hiện tốt chủ trương lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ.
Mặt khác, phải phát huy tính tự lực, tự cường, tính chủ động, sáng tạo; tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương; đón bắt xu hướng của quốc tế; xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao đủ bản lĩnh về chính trị, nhạy cảm về kinh tế, tinh thông nghiệp vụ, hiểu biết luật pháp, có tâm và có tầm, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, đưa ngoại giao kinh tế tiếp tục có bước phát triển hơn nữa trong giai đoạn mới.
Nguyễn Thơm-Anh Tuấn