Ngày 19/12, Vườn Quốc gia Cúc Phương phối hợp với Vườn thú Leipzig (Cộng hòa liên bang Đức) tổ chức hội nghị đánh giá kết quả “30 năm cứu hộ linh trưởng quý hiếm của Việt Nam, kết quả, bài học kinh nghiệm và định hướng đến năm 2050” và kỷ niệm 30 năm thành lập Trung tâm Cứu hộ linh trưởng nguy cấp.
Tới dự có đồng chí Bùi Chính Nghĩa, Cục trưởng Cục Kiểm lâm Việt Nam; lãnh đạo Hội Động vật Việt Nam; lãnh đạo Vườn Quốc gia Cúc Phương; đại diện Vườn thú Leipzig; lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa; lãnh đạo các Hạt kiểm lâm giáp ranh Cúc Phương; các đơn vị, tổ chức bảo tồn trong nước…
Năm 1993, được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp, Hội Động vật Frankfurt (FZS) – Cộng hòa liên bang Đức đã hợp tác với Vườn Quốc gia Cúc Phương thực hiện Dự án “Chương trình bảo tồn Vườn Quốc gia Cúc Phương”. Dự án tập trung nghiên cứu, điều tra tình trạng của loài Voọc quần đùi trắng và xây dựng Trung tâm Cứu hộ các loài linh trưởng nguy cấp (EPRC). EPRC là Trung tâm được thành lập đầu tiên ở Đông Dương và là địa chỉ uy tín trong công tác cứu hộ, bảo tồn và phục hồi các loài linh trưởng quý hiếm của Việt Nam về với tự nhiên.
Trải qua 30 năm hợp tác với Hội Động vật Frankfurt (1993-2013) và Vườn thú Leipzig (2013-2023), Dự án đã đạt được những kết quả đáng trân trọng.
Tại Vườn Quốc gia Cúc Phương đang cứu hộ và bảo tồn trên 180 cá thể của 14 loài linh trưởng quý hiếm của Việt Nam. Tất cả các cá thể linh trưởng tại Trung tâm đang được chăm sóc tốt. Có 12 loài đã cho sinh sản thành công với trên 200 cá thể, trong đó có 3 loài lần đầu tiên được sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt trên thế giới. Đó là: Voọc mông trắng, Voọc đầu trắng và Voọc Chà vá chân xám. Có 6 loài được cứu hộ và chăm sóc duy nhất tại Cúc Phương mà không một nơi nào trên thế giới chăm sóc những loài này. Đặc biệt, qua điều tra, nghiên cứu đã phát hiện thêm 1 loài mới đó là loài Chà vá chân xám.
Dự án được đánh giá là mô hình cứu hộ loài nguy cấp tiêu biểu trong khu vực và trên thế giới, đã giúp bảo tồn và phát triển thành công loài quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao ngoài tự nhiên.
Đồng thời cũng là mô hình nghiên cứu, giáo dục môi trường, tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động cho cộng đồng xã hội, nhất là các thế hệ học sinh, sinh viên, nghiên cứu viên, tình nguyện viên trẻ; đây còn là biểu tượng của sự hợp tác có hiệu quả trong lĩnh vực khoa học bảo tồn loài giữa Vườn Quốc gia Cúc Phương với các đối tác nước ngoài nói chung và Vườn thú Leipzig nói riêng.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá cao những kết quả đạt được trong suốt 30 năm nỗ lực cứu hộ, bảo tồn linh trưởng quý hiếm của Việt Nam tại Trung tâm Cứu hộ linh trưởng nguy cấp. Qua đó mô hình này đã lan tỏa và nhân rộng ra cả nước về việc bảo tồn, nuôi dưỡng, sinh sản và tái sinh sản trong tự nhiên, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học và bảo vệ động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng. Nơi đây đã thực sự trở thành địa chỉ tin cậy, ngôi nhà bình yên của các loài động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng của Việt Nam.
Tại hội nghị đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hỗ trợ hợp tác giai đoạn 2024-2028 giữa Vườn thú Leipzig và Vườn Quốc gia Cúc Phương.
Hồng Nhung – Anh Tuấn