Rời quân ngũ trở về với cuộc sống đời thường, các cựu chiến binh (CCB) ở huyện Nho Quan tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, cần cù, sáng tạo trong lao động, nhiều người đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, trở thành những tấm gương điển hình trong công tác giảm nghèo và phát triển kinh tế tại địa phương.
Sau khi xuất ngũ trở về, với ý chí, khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương, CCB Tống Xuân Minh (xã Phú Long) luôn trăn trở với câu hỏi nuôi con gì, trồng cây gì để phát triển kinh tế gia đình.
Từ những trăn trở đó, ông Minh thường xuyên tìm hiểu các mô hình chăn nuôi qua sách và các phương tiện thông tin đại chúng. Tình cờ đọc được bài viết về mô hình nuôi hươu lấy nhung và lấy thịt tại các tỉnh miền Trung, ông Minh quyết định vào tận nơi để tham quan, học hỏi kỹ thuật nuôi. Nhận thấy mô hình nuôi hươu tại đây khá hiệu quả, mặc dù chi phí đầu tư con giống ban đầu cao nhưng hươu là động vật hoang dã nên dễ nuôi, có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh. Đặc biệt là khá phù hợp với điều kiện của vùng cao Phú Long. Vì vậy, ông đã bàn với gia đình đầu tư vốn mua 3 cặp hươu giống về nuôi.
Những ngày đầu lập nghiệp, ông gặp không ít khó khăn do thiếu vốn, thiếu kỹ thuật. Tuy nhiên, với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, cùng sự cần cù, chịu khó, ông Minh đã bước đầu thành công với mô hình nuôi hươu. Từ chỗ có vài cặp hươu, đến nay ông Minh đã làm chủ kỹ thuật và phát triển đàn hươu của gia đình lên 100 con. Ngoài cung cấp thịt, ông Minh còn cung cấp hươu giống, sừng, nhung hươu. Mỗi năm mô hình mang lại cho gia đình ông Minh thu nhập từ 700-800 triệu đồng.
CCB Tống Xuân Minh cho biết: Hươu là loại động vật dễ nuôi, ít dịch bệnh, dễ thích nghi với điều kiện khí hậu, chỉ cần chú ý vệ sinh chuồng trại tốt, giữ ấm vào mùa đông và cung cấp đủ thức ăn là con nuôi phát triển tốt. Thức ăn của hươu sao chủ yếu là cỏ và các phụ phẩm nông nghiệp, giai đoạn hươu lên nhung thì bồi bổ thêm thức ăn có hàm lượng tinh bột và dưỡng chất cao như ngô, cà rốt để nhung đạt trọng lượng, bán được giá. So với các loại vật nuôi khác, nuôi hươu cho thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc, người nuôi cần chú ý đến dấu hiệu hươu bị bệnh về đường ruột, bổ sung cho hươu ăn các loại thức ăn có vị chát như chuối xanh, lá ổi… để chữa bệnh.
Cùng với gương mẫu trong phát triển kinh tế, CCB Tống Xuân Minh còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm, động viên, giúp đỡ bà con trong thôn, xóm mạnh dạn đầu tư phát triển các con nuôi phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, nhiều hộ đã vươn lên trở thành hộ khá giả trong thôn.
Cũng như CCB Tống Xuân Minh, CCB Nguyễn Quang Phổ ở xã Quỳnh Lưu đã không cam chịu đói nghèo, tích cực tìm tòi, học hỏi và đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trên diện tích 6 ha trước đây trồng các cây truyền thống như ngô, lạc cho hiệu quả kinh tế không cao, năm 2020, ông Phổ đã mạnh dạn chuyển sang trồng các cây đặc sản. Hiện mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông có 35 vạn cây dứa, 200 cây bùi, 60 cây sầu riêng, 40 cây măng cụt, 60 gốc dổi. Một số cây trồng bước đầu đã cho thu hoạch, ước thu nhập đạt từ 400 – 500 triệu đồng/năm. Mô hình kinh tế của ông cũng tạo việc làm ổn định cho 12 lao động địa phương.
Chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế gia đình, ông Phổ cho biết: Theo tôi, để mô hình phát triển kinh tế đạt hiệu quả, trước hết phải nghiên cứu nắm bắt thị trường, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương. Đồng thời cần tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm và mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Trong những năm qua, nhiều CCB trong huyện đã vươn lên phát triển kinh tế, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Tuy cách nghĩ, cách làm khác nhau, song mỗi hội viên CCB đều năng động, sáng tạo xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả.
Để hỗ trợ hội viên, Hội CCB huyện đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tích cực giải ngân nguồn vốn vay ưu đãi, giúp hội viên có vốn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả. Đến nay, Hội CCB huyện đang quản lý trên 130 tỷ đồng với trên 3.400 hội viên được vay vốn. Bên cạnh đó, Hội cũng duy trì và quản lý tốt Quỹ vòng tay đồng đội, giúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay không lãi suất, đầu tư phát triển kinh tế.
Cùng với tích cực truyền tải vốn, các cấp Hội phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các buổi tập huấn công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, giúp hội viên được vay vốn lựa chọn và xây dựng các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, sử dụng vốn vay có hiệu quả. Nhờ đó, tại Nho Quan xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương CCB sản xuất, kinh doanh giỏi, tỷ lệ hội viên nghèo giảm còn 0,95%, hộ khá giàu chiếm trên 74%.
Đồng chí Phạm Văn Khánh, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Nho Quan cho biết: Trong thời gian tới, các cấp Hội CCB trong huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, động viên CCB nêu cao ý chí tự lực tự cường, không cam chịu đói nghèo, vượt khó vươn lên, khai thác triệt để tiềm năng, nguồn lực để phát triển kinh tế, qua đó góp phần nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cùng các cấp, các ngành, địa phương trong huyện hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của huyện trong cả nhiệm kỳ.
Bài, ảnh: Hồng Giang