Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị sản phẩm truyền thống trên địa bàn, thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư khu vực nông thôn, thời gian qua, huyện Gia Viễn đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm xúc tiến quảng bá, tư vấn, định hướng các chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP.
Chỉ tính riêng trong năm 2023, huyện đã xét duyệt, đánh giá, phân hạng và công nhận thêm 16 sản phẩm. Bao gồm: Xúc xích Cường Cúc, Mọc nấm hương Cường Cúc (thị trấn Me); Tâm sen sấy Đoàn Thoa, Hạt sen sấy Đoàn Thoa (xã Gia Trấn); Rượu nếp cái Ông Kim; Rượu nếp cau Ông Kim (xã Gia Sinh); Bánh đa Điềm Giang (xã Gia Thắng); Nón lá Gia Vượng (xã Gia Vượng); Ruốc cá chép Đức Tính, Ruốc cá trắm Đức Tính (xã Gia Minh); Mắm tép gia truyền Bà Tư (xã Gia Trung); Bộ sản phẩm thêu ren Sơn Lâm (khăn, túi) (xã Gia Lập); Mật ong nội hoa nhãn Tuệ Huệ (thị trấn Me); Na dai Ba Non (xã Gia Hòa); Cá nướng rơm Đại Hữu (xã Gia Phương); Cá trắm đen Vân Long (xã Gia Vân).
Như vậy, đến nay, toàn huyện có 26 sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao. Địa phương đang tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình tham gia các Hội chợ, triển lãm để có cơ hội quảng bá sản phẩm; học hỏi, giao lưu trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh. Đến nay, sản phẩm OCOP của huyện đã được giới thiệu ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và trực tiếp phục vụ phát triển du lịch của địa phương.
Tin, ảnh: Nguyễn Lựu